Tạo dư địa chính sách cho khởi nghiệp
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) cung cấp giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị và đào tạo nhân sự tại Việt Nam trở nên "hot" trong mắt nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm.
Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất trả lời Báo Nhân Dân cuối tuần về việc xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư lĩnh vực mới mẻ này.
>>Techfest Sơn La: Chuyển đổi số Ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2021-2025
- Thị trường doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số trong đào tạo và quản trị nguồn nhân lực tại Việt Nam đang phát triển như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2021, nhiều startup trong lĩnh vực này gọi được nguồn vốn khá lớn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Dẫu vậy, nếu chỉ tính riêng trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech), các sản phẩm mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của khách hàng. Các loại hình sản phẩm khá đa dạng song chất lượng sản phẩm và tính đáp ứng nhu cầu của các nhóm khách hàng chưa đồng đều. Hơn 80% số các startup Edtech tại Việt Nam đang tập trung vào mảng thị trường khối 12 phổ thông trung học và ngoại ngữ. Như vậy, mảng đào tạo sau đại học, hay nói chính xác hơn là mảng đào tạo cho người lao động chưa thật sự được chú trọng.
Tuy nhiên, hiện đã ghi nhận sự chuyển dịch trong định hướng của các công ty phần mềm lớn như FPT, Viettel, VNPT... hướng tới nhóm đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp. Điều này cũng dần mở ra hướng phát triển mới, đa dạng hơn trong tương lai.
- Việt Nam cần điều kiện gì để bắt kịp xu hướng toàn cầu về ứng dụng công nghệ và sử dụng hệ thống mới trong quản trị và đào tạo nhân sự, thưa ông?
Giai đoạn 2021-2030 mang tính bứt phá với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh, nền kinh tế số phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Điều này trực tiếp đặt ra những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi vậy, công nghệ đang trở thành động lực then chốt, tạo bứt phá về năng suất lao động, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, bảo đảm cho các doanh nghiệp và thậm chí là đất nước (trong các bộ máy cơ quan Nhà nước) phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn mới.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia, hệ thống giáo dục quốc dân cũng cần được hoàn thiện theo hướng mở, thúc đẩy quá trình học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Khi đã được tuyển dụng, người lao động vẫn cần được tạo cơ hội tích lũy kiến thức nhiều hơn, cũng như được đào tạo thêm các kỹ năng nhằm phát triển bản thân, đáp ứng với những biến đổi chóng mặt của thị trường.
- Vậy phải làm thế nào để những ý tưởng khởi nghiệp ở mảng Edtech trở thành những thương hiệu "made by Vietnam" lớn mạnh?
Việc xây dựng và thực thi chính sách chuyển đổi số còn đang thiếu sự tham vấn của khu vực tư nhân. Muốn hệ thống chính sách có tính khả thi, cần chú trọng yếu tố đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành.
Dù khó có thể tiếp cận được những thị trường lớn, các tập đoàn quốc tế vốn sử dụng hệ thống quản trị vào đào tạo chuyên biệt từ hàng trăm năm nay, nhưng ngay ở thị trường trong nước chúng ta cũng có "đại dương xanh" còn bỏ ngỏ để các startup tìm kiếm cơ hội.
Muốn có thể chinh phục được các tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay thậm chí là các cơ quan nhà nước, không thể không nhắc đến vai trò "bà đỡ" của hệ thống chính sách khởi nghiệp. Cần có chiến lược, lộ trình kết hợp được các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, tập trung vào các startup có tiềm năng tăng trưởng hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng.
Các tổ chức giáo dục nghề nghiệp có thể sớm xây dựng đề án hỗ trợ các startup trong lĩnh vực này, từ đó các sở, ban, ngành từng bước đào tạo cán bộ, công nhân viên thích nghi với các giai đoạn chuyển đổi số. Khi có được không gian để các sản phẩm công nghệ này đi vào thực tiễn, việc ứng dụng và phát triển các sản phẩm trong đào tạo sẽ góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và đất nước trong bối cảnh 4.0.
Bên cạnh đó, từng doanh nghiệp cũng cần triển khai các chương trình ứng dụng hướng tới làm chủ công nghệ, từ đó thuận lợi hơn trong quá trình khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển sức mạnh từ nguồn lực nhân sự của mỗi doanh nghiệp.
- Ở góc độ của Bộ chủ quản và Cục, có chương trình hành động gì, thưa ông?
Ngoài các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức ở tầm quốc gia, hay ở các trường học, Viện nghiên cứu, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ cũng luôn đồng hành, hỗ trợ nhiều startup tiếp cận các công nghệ mới, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với những công ty cung cấp giải pháp chuyển đổi số đầu ngành ở Việt Nam.
Còn về phía Cục, chúng tôi cũng đề xuất và triển khai các chính sách, hoạt động tiếp cận thị trường các địa phương và thị trường quốc tế thông qua các sự kiện Techfest vùng, Techfest quốc gia, Techfest quốc tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng các không gian sáng tạo, câu lạc bộ khởi nghiệp, mạng lưới cố vấn, huấn luyện viên tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng đang được thúc đẩy.
Thông qua hoạt động của các cố vấn, chuyên gia của làng công nghệ giáo dục trong Techfest quốc gia, nhiều dự án đã được phát triển và lan tỏa.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm