Trồng hoa cúc trên đất đỏ bazan, thu lãi tiền tỷ mỗi năm
Tiêu rớt giá, anh Luân 34 tuổi, ở Gia Lai, mạnh dạn ứng dụng công nghệ, trồng hoa cúc trên đất đỏ bazan, mang lại thu nhập cao. Sau một thời gian, hơn 1ha trồng hoa đã cho lãi tiền tỷ mỗi năm.
Hơn 3 năm trước, gia đình anh Võ Văn Luân (34 tuổi, ở xã Ia H'Lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) rầu rĩ khi nhìn vườn tiêu liên tục mất mùa, thất bát. Anh trăn trở tìm kiếm mô hình phù hợp trên mảnh đất đỏ bazan.
Nghe lời người em là anh Trần Ngọc Tùng, học chuyên ngành bảo vệ thực vật ở Đà Lạt, anh Luân mạnh dạn trồng hoa cúc. Hai anh em góp vốn hàng trăm triệu đồng, đầu tư mô hình trồng hoa cúc ứng dụng công nghệ cao.
Cuối năm 2018, anh Luân bắt đầu trồng thử nghiệm hơn 500m2 hoa cúc. Kết quả, cây cúc phát triển rất tốt, bông hoa nở to, đẹp. Từ đó, 2 anh em đã đầu tư kinh phí nhằm mở rộng diện tích trồng hoa hướng đến việc kinh doanh, cung cấp cho thị trường.
"Cúc Đà Lạt là giống cây ngắn ngày, dễ chăm sóc, kháng bệnh tốt. Thổ nhưỡng ở Gia Lai cũng rất phù hợp cho cây phát triển. Sau khi có thành công bước đầu, 2 anh em quyết định đầu tư vốn hàng trăm triệu đồng để mua giống, mở rộng 4.000 m2 trồng hoa và xây dựng hệ thống nhà kính", anh Luân chia sẻ.
Do hoa cúc nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên sức mua của người dân trong và ngoài huyện Chư Sê tăng chóng mặt. Vườn hoa của 2 anh bán được giá cao, thu lãi hơn trăm triệu đồng sau mùa Tết Nguyên đán.
Với thành công đó, năm 2020, hai anh em tiếp tục đầu tư 500 triệu đồng để mở rộng thêm 7.000 m2. Trong đó, có hơn 2.000 m2 là trồng trong nhà kính, còn lại được trồng ở ngoài.
Theo anh Luân, trung bình khoảng 1.000m2 sẽ trồng được hơn 70.000 cây cúc. Hầu hết giống hoa được anh trồng là cúc kim cương vàng.
Để có hoa thường xuyên, mỗi tháng anh Luân phải đảm bảo xuống giống mới. Việc xuống giống bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 3 âm lịch năm sau. Mỗi sào đất vườn trồng được 3 vụ hoa/năm.
Chủ vườn cho biết thêm, trồng hoa trong nhà kính có ưu thế không phụ thuộc vào thời tiết, tránh được khí hậu 2 mùa mưa và nắng ở Gia Lai gây khó khăn cho người trồng hoa. Mùa mưa hoa dễ bị chết do ngập úng, còn mùa nắng thì hoa nhanh héo tàn.
"Ngoài thời tiết, trồng hoa trong nhà kính còn giúp ngăn chặn được côn trùng, sâu bọ tấn công, làm cây hoa thêm chắc khỏe", anh Luân cho biết.
Vườn hoa trong nhà kính này còn lắp đặt hệ thống tưới phun sương và hệ thống đèn hẹn giờ thắp sáng tự động, giúp tiết kiệm nước tưới và tránh cho cây bị thiếu ánh sáng.
Với giá bán 2.500 đồng/cây cúc trở lên, mỗi sào (1.000m2) cúc mang lại cho anh Luân thu nhập 300-400 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp 3-4 lần trồng hồ tiêu trước kia.
Thị trường tiêu thụ hoa hiện nay rất lớn, số lượng hoa xuất bán cả trong và ngoài tỉnh như TPHCM, Huế, Kon Tum… Vì thế, ngoài hoa ở vườn của mình, hai anh em Luân và Tùng còn nhập thêm hoa từ Đà Lạt mới đủ hàng.
Trong thời gian tới, anh Luân dự định đầu tư làm nhà màng trên toàn bộ hơn 1ha đất của gia đình để vừa sản xuất hoa, vừa ươm giống đồng thời, sẵn sàng liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, giống và bao tiêu sản phẩm cho nhà nông trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Chư Sê (Gia Lai), đây là mô hình trồng cây trong nhà kính điển hình của huyện, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
"Hoa cúc được trồng ở Gia Lai rất phù hợp từ thổ nhưỡng, khí hậu. Cũng vì thế, những năm qua, hai anh em Luân và Tùng đã phát triển mô hình và đem lại thu nhập cao từ việc phát triển trong nhà kính. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch để xây dựng mô hình theo hướng này rộng rãi đến người dân trong vùng", ông Nguyễn Văn Hợp thông tin thêm.
Có thể bạn quan tâm