Founder và CEO Trường Foods: 4 yếu tố để khởi nghiệp thành công

KHÁNH LINH 18/09/2022 05:47

"Để thành công thì luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo; đặt tâm huyết vào sản phẩm; kiên định với con đường mình đã chọn và tìm ra giải pháp để đạt được mục tiêu", bà Nguyễn Thị Thu Hoa chia sẻ.

>>>Tỷ phú 80 tuổi, khởi nghiệp lần thứ n, và mục tiêu IPO starup trong 5 năm

>>>Doanh nhân tiêu biểu tạo động lực các thế hệ khởi nghiệp kinh doanh

Khi nhắc tới Phú Thọ, ngoài Đền Hùng ai cũng nhớ tới đặc sản thịt chua. Ít ai biết rằng, đặc sản này do nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hoa (Founder và CEO của công ty Trường Foods) nghiên cứu và sản xuất. Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với doanh nhân Nguyễn Thị Hoa về vấn đề này.

- Thưa bà, cơ duyên nào đưa bà đến với đặc sản thịt chua Phú Thọ?

Tốt nghiệp THPT, tôi lập gia đình. Lúc đó, tôi chỉ mong có được một nghề để trang trải cuộc sống. Trong lúc tìm kiếm, tôi may mắn nhận ra ngay trên chính quê hương mình có một món ăn dân tộc bình dị mà vô cùng thơm ngon - đó chính là thịt chua. Nguồn gốc ra đời của món ăn có một không hai này là do nhu cầu giữ thịt được lâu để dùng dần mỗi khi mổ lợn. Bởi vậy, người Mường nghĩ ra cách muối chua thịt trong ống tre, ống nứa làm “của để dành”. Vì vậy, tôi quyết định sẽ khởi nghiệp với chính thịt chua.

- Để thịt chua thành đặc sản nổi tiếng cả nước, bà đã gặp khó khăn gì và vượt qua như thế nào?

Để biến một món ăn đặc sản trở thành một sản phẩm có thể bán đại trà, thời gian đầu tôi gặp vô vàn khó khăn. Khi ấy, thịt chua chưa được thịnh hành như hiện tại, chỉ có vài cơ sở sản xuất rất nhỏ lẻ. Mỗi ngày, tôi chỉ sản xuất trung bình từ 50 - 60 hộp, chỉ có người dân Thanh Sơn (Phú Thọ) và các huyện lân cận mới biết đến thịt chua. Thậm chí tại TP. Việt Trì, người dân không biết thịt chua là gì.

Công nhân sản xuất thịt chua Phú Thọ

Công nhân sản xuất thịt chua Phú Thọ

Hơn nữa, thời điểm đó, làm thịt chua không có công thức cụ thể, chỉ được áng bằng “1 nắm, 2 nắm, 1 bốc, 2 bốc” nên chất lượng không được đồng đều lúc thì bị đậm, lúc thì bị nhạt. Tôi đã phải nhiều lần thử nghiệm sản phẩm, đổ đi không biết bao nhiêu thịt, thậm chí số thịt đổ đi bằng cả một năm lợi nhuận. Đến năm 2012, tôi đã tìm ra được công thức sản xuất thịt chua hàng loạt mà mà vẫn giữ đúng hương vị đặc trưng của sản phẩm. Sau khi cải tiến chất lượng sản phẩm, sản lượng sản xuất của chúng tôi tăng lên gấp 3 - 4 lần, sản lượng trung bình là 200 hộp/ngày.

>>>Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi bò đạt chuẩn OCOP

Lúc sơ khai, thịt chua chỉ được dùng bằng tem in photo cuốn băng dính bên ngoài. Về sau, khi đi học tôi mới biết đó là sản phẩm chưa có tem nhãn, bao bì bắt mắt. Tôi cũng là người đầu tiên dùng tem in offset trên sản phẩm thịt chua, những chiếc tem đầu tiên tuy đơn giản nhưng đã phần nào giúp cho sản phẩm đẹp hơn.

Khi sản lượng đã tăng rồi, tôi nhận ra vấn đề trong việc bảo quản sản phẩm, bởi đại lý, nhà phân phối nhập về khoảng 6 - 7 ngày hàng bắt đầu mốc. Bản thân tôi đã dùng thử đến hơn 10 loại chất bảo quản, nhưng từng lô tôi thử sản phẩm đều thay đổi mùi vị, do thịt chua là sản phẩm lên men tự nhiên. Đồng thời, chính bản thân tôi cũng lo sợ, khi không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, tôi đã không lựa chọn chất bảo quản mà mất thêm nhiều thời gian để tìm những cách khác. Tôi dành hàng tháng trời để đi siêu thị, mua đủ sản phẩm về tìm hiểu với câu hỏi đau đáu: “Tại sao họ có thể bảo quản sản phẩm lâu như vậy?”. May mắn sau cùng đã mỉm cười khi tôi ứng dụng màng seal, giúp tăng thời gian bảo quản thịt chua lên 2 tháng. Sau thời điểm đó, sản lượng của tôi tăng lên rất nhiều, gấp 3 - 5 lần, tôi đã có những Nhà phân phối đầu tiên để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Khi sản lượng ngày càng nhiều hơn, việc quản lý con người ngày càng khó, tôi bắt buộc phải đưa máy móc, quy trình vào sản xuất. Tôi đã phải thức trắng đêm để lên bản vẽ, gửi cho bên đơn vị gia công. Nhưng do chưa đủ thiếu hiểu biết và kinh nghiệm nên tôi mua phải loại máy không phù hợp, mất cả mấy chục triệu đồng mà đành bỏ xó. Từ 30 con người chỉ làm được mấy trăm kg, giờ đây đã thành 2 tấn, thật sự lúc đó tôi mừng cho chính doanh nghiệp của mình.

Năm 2018 và 2019 đã xảy ra 2 sự việc lớn đến từ tác động bên ngoài mà không bao giờ tôi quên đó là trận lũ lịch sử quét qua địa bàn huyện Thanh Sơn và dịch heo tai xanh. sau một đêm chúng tôi bị ngập toàn bộ xưởng, cuốn trôi theo hàng hóa, hỏng máy móc. Khi bắt đầu vực dậy được tình hình kinh doanh thì dịch tai xanh bùng phát trên diện rộng. Thông thường khi mua thịt heo về dùng cho gia đình, nấu chín rồi mới ăn người tiêu dùng họ đã lo lắng rồi, vậy mà sản phẩm của Trường Foods là thịt heo chín bằng cách lên men tự nhiên, khách hàng họ sợ chứ, tâm lý con người mà.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hoa

Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hoa

May mắn ngay từ ban đầu chúng tôi đã xác định tuyển chọn nguyên liệu đầu vào là thịt heo sạch nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, giá thành cao đi đôi với chất lượng, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng để khách hàng yên tâm. 

Dịch heo tạm lắng xuống thì dịch Covid-19 người bùng phát trong hai năm 2020, 2021. Chúng tôi phải tinh giảm đội ngũ, thu gọn bộ máy nhân sự, tập trung tìm kiếm khách hàng online. Trong nguy có cơ, nhờ thế mà tôi tập trung nhiều hơn cho truyền thông, tăng nhận diện thương hiệu, xây dựng chính sách đãi ngộ dành cho khách hàng chuyên nghiệp hơn. Bước nhảy vọt từ OFF sang ONL cho Trường Foods thêm cơ hội để tìm kiếm những Nhà phân phối, Đại lý online đam mê kinh doanh. Chính họ cũng đã dạy tôi rất nhiều về việc thu thập thông tin, kết nối với khách hàng. 

Trong thời điểm rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì dịch bệnh, các lệnh cấm, Trường Foods may mắn lội ngược dòng, liên tục tăng trưởng dương từ năm 2019 đến năm 2021. Hiện nay công ty tôi đã có hơn 5.000 điểm bán, hơn 1 triệu sản phẩm được bán ra thị trường.

- Để có thành công như hiện nay, theo bà điều gì là quan trọng nhất ?

Để có được thành công như hôm nay, một phần đóng góp không nhỏ chính là đội ngũ công nhân viên tại Trường Foods. Có nhiều công nhân gắn bó với tôi từ khi xưởng mới thành lập, đến nay đã 12 năm. Nhân sự công ty, đặc biệt là các bạn quản lý, trưởng phòng cũng đã dành phần lớn thanh xuân của mình để đồng hành cùng tôi trên hành trình phát triển công ty.

Công nhân chế biến nguyên liệu thịt chua

Công nhân chế biến nguyên liệu thịt chua

Con đường khởi nghiệp luôn gặp phải những khó khăn không thể lường trước, phải đánh đổi rất nhiều. Có những ngày liên tục tôi chỉ ngủ từ 2 - 3 tiếng, không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Nhiều lúc tủi thân, mình cũng là phụ nữ mà, hay là như người ta đi, cứ buông bỏ hết nhẹ nhàng về chăm lo cho gia đình khỏi phải suy nghĩ nhiều. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ hiện lên một giây thoáng qua thôi, xong là tôi quyết định dập tắt ngay. Vì trên đôi vai này không chỉ là trách nhiệm tôi dành cho cho gia đình, mà là trách nhiệm để lo cho cuộc sống tất cả những lao động tại doanh nghiệp, trách nhiệm với quê hương, trách nhiệm với lời hứa đưa đặc sản thịt chua Đất Tổ đến mọi miền tổ quốc và xuất khẩu đặc sản Việt Nam ra nước ngoài.  Xa hơn nữa, mục tiêu của tôi trong tương lai là “mang thịt chua đến mọi miền tổ quốc”, mở rộng quy mô các điểm bán trên cả nước.

Trong suốt quá trình khởi nghiệp, tôi nhận thấy điều quan trọng nhất để thành công là luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo. Thứ hai là luôn đặt tâm huyết vào sản phẩm. Thứ ba là luôn luôn kiên định với con đường mình đã chọn và bằng mọi cách phải tìm ra giải pháp để đạt được mục tiêu.

- Xin cảm ơn bà

Có thể bạn quan tâm

  • Trào lưu những bà mẹ làm khởi nghiệp: Lý do nào đã giúp họ thành công?

    Trào lưu những bà mẹ làm khởi nghiệp: Lý do nào đã giúp họ thành công?

    03:14, 31/07/2022

  • Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19

    Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19

    16:39, 26/07/2022

  • Vội vàng, thiếu vốn khiến người trẻ khởi nghiệp thất bại

    Vội vàng, thiếu vốn khiến người trẻ khởi nghiệp thất bại

    05:10, 27/07/2022

KHÁNH LINH