Bỏ phố về quê để khởi nghiệp với nấm
"Tại sao người nông dân lại đốt bỏ công sức của mình làm ra, trong khi mình có thể tạo thêm thu nhập từ chúng. Thế là mình quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp."
Đó là suy nghĩ của Phạm Thị Phước Vân (quê Đồng Tháp) sau nhiều năm đi học đi làm trên con đường với hai bên là ruộng lúa, chứng kiến cảnh người nông dân gieo hạt, cấy lúa, chăm bón, thu hoạch, và đặc biệt là cảnh đốt rơm khói nghi ngút khiến Vân thấy tiếc.
>>> Khởi nghiệp trong nông nghiệp ngày càng được quan tâm, chú trọng
Suy nghĩ: Tại sao người nông dân lại đốt bỏ công sức của mình làm ra, trong khi mình có thể tạo thêm thu nhập từ chúng" đã đưa cô gái Đồng tháp đến quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp. Đây là một quyết định táo bạo đối với đứa sinh viên mới ra trường không tiền bên cạnh với vốn kinh nghiệm ít ỏi, Phước Vân nhắc lại.
Trước đó, cô gái Phước Vân tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học An Giang và đã có một công việc ổn định tại thành phố Sa Đéc. Tuy nhiên, sau 2 năm làm việc tại thành phố, từ những trăn trở về khởi nghiệp và những hình ảnh tại quê nhà, cô đã tìm một lối đi riêng cho mình, đó là bỏ phố về quê và trồng nấm.
Khi mới bắt tay vào khởi nghiệp Phước Vân quan niệm: Khởi nghiệp trước hết phải có ích cho xã hội, mang lại niềm vui cho mình và phải làm ra tiền “có thể không quá nhiều nhưng cũng phải để sống được”.
Chia sẻ với PV một cách dí dỏm, cô gái Phước Vân cho biết: cô vốn dĩ thích ăn nấm, nhưng vì nấm đắt đỏ ngang với thịt, nên từ nhỏ cô đã tò mò và luôn thắc mắc về nấm.
Phước Vân kể lại: Ngày nhỏ tôi đã tự hỏi là tại sao nấm lại đắt đến thế, chúng chỉ là một loại rau thôi mà; Tại sao người ta không trồng nhiều để bán cho thật giàu? - Tôi đã suy nghĩ những điều như vậy, và từ suy nghĩ đó, cô bé ấy đã tự đi xe đạp ra thị xã để tìm mua…hạt giống nấm về trồng. “Tất nhiên là, chẳng có một cửa hàng nào bán hạt giống nấm cả”, Vân cười.
“Từ đó trở đi, tôi dành thời gian tìm hiểu và quyết tâm phải trồng ra được cây nấm, và có lẽ con đường khởi nghiệp với nấm của tôi bây giờ đã được ấp ủ trong tôi ngay từ khoảnh khắc tuổi thơ đó” – Phước Vân nói thêm.
>>> KPI đo lường hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương
Khởi nghiệp, nhưng số tiền dành dụm trong 2 năm đi làm không thấm vào đâu, Phước Vân phải “gọi vốn” từ cha mẹ, anh chị trong nhà để đầu tư máy móc, nguyên vật liệu.
Vạn sự khởi đầu nan, lúc mới bắt tay vào làm Phước Vân gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm thực tế, sản phẩm hư hỏng hàng loạt.
“Những lúc đó em chán nản cực kì, cũng có suy nghĩ hay là mình nên xin đi làm lại. Nhưng vì bản tính hiếu thắng, nếu đi làm lại thì chứng tỏ mình thất bại, nên dù buồn một chút rồi mình lại lẳng lặng tìm hiểu nguyên nhân vì sao bị hỏng”, Vân nói.
Cuối cùng, sau nhiều lần làm đi làm lại thì số lượng sản phẩm hỏng cũng nằm trong tầm kiểm soát được. Và thì Phước Vân đã duy trì sản xuất ổn định đến ngày hôm nay”
Phước Vân đã dành nhiều ngày nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện và dần đưa ra được phôi nấm chất lượng nhất để giúp mọi người có thể dễ dàng tự tay trồng được nấm tại nhà, vừa tiết kiệm chi phí và vừa đảm bảo an toàn.
Cô lựa chọn nghiên cứu các phôi nấm dễ trồng, ngắn ngày như: nấm bào ngư xám ngắn ngày, nấm Hồng Ngọc, nấm Hoàng Kim. Trên trang cá nhân của mình, cô thường xuyên chia sẻ cách trồng, chăm sóc nấm chi tiết và chế biến các món ăn từ nấm để mọi người tham khảo.
Giờ đây, sau hơn 1 năm startup với công việc mình yêu thích, mỗi tháng Phước Vân duy trì sản xuất từ 2.000-3.000 bịch giống cung cấp cho bà con nông dân tại địa phương, đạt doanh thu 40-60 triệu đồng/tháng.
>>> Founder và CEO Trường Foods: 4 yếu tố để khởi nghiệp thành công
“Mình sẽ hoàn thiện quy trình trồng các loại nấm, sau đó kết hợp với nông dân để nhân rộng mô hình trồng nấm, kết hợp bao tiêu, phát triển kênh bán hàng. Ngoài ra, mình vẫn tiếp tục mở lớp online chia sẻ cách trồng nấm cho các những ai muốn học nghề, khi đủ điều kiện sẽ đầu tư thêm máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất giống nấm” – Vân nói.
Thời gian tới, cô gái Đồng Tháp dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất với quy mô lên gấp 5-10 lần để cung cấp đủ giống nấm cho bà con, tiếp tục phát triển các kênh Fanpage FB, Tiktok, Shopee,… và tiếp tục nghiên cứu, tạo thêm nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo, chất lượng hơn nữa để làm phong phú sản phẩm cho cơ sở,…
Để được như hôm nay, theo Phước Vân điều đầu tiên là phải chăm chỉ học hỏi, có nhiều kiến thức chuyên môn về lĩnh vực mình yêu thích, mình đam mê. Ngoài ra, đức tính kiên trì, chịu khó luôn cần phải có trong người, bên cạnh đó là không bao giờ từ bỏ khi chưa thật sự cố gắng hết sức.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2025: Hà Nội đặt mục tiêu thu hút 300 nhà đầu tư mạo hiểm và 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp
04:23, 18/09/2022
Khởi nghiệp trong nông nghiệp ngày càng được quan tâm, chú trọng
02:16, 18/09/2022
KPI đo lường hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương
06:01, 17/09/2022
Quảng Nam sẽ có Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
10:42, 15/09/2022