Vướng tư duy cũ, lao động trẻ đánh mất cơ hội từ HTX
Mô hình HTX ngày càng phát triển nhưng không ít HTX đang rơi vào tình trạng thiếu lao động trẻ có trình độ.
Tuy nhiên, do vẫn chưa hiểu rõ về bản chất của HTX kiểu mới nên không ít thanh niên có tâm lý e ngại với khu vực kinh tế tập thể.
>>Khát vọng vươn lên làm giàu của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La (Thừa Thiên Huế) cho biết dù rất muốn có thêm lao động trẻ để cải tổ mô hình theo hướng chuyên nghiệp nhưng dù tự tìm kiếm, nhờ các cấp ngành nhưng đến nay, từ thành viên đến Ban giám đốc HTX vẫn chủ yếu là người lớn tuổi, chưa qua đào tạo trường lớp.
Chưa hiểu đúng về HTX
Việc thiếu lao động trẻ có lẽ là chuyện của không hiếm HTX hiện nay. Tình trạng lao động trẻ ly hương, lựa chọn thành phố là nơi lập nghiệp chính là nguyên nhân khiến các vùng nông thôn, trong đó có các HTX nông nghiệp rơi vào cảnh thiếu lao động.
Thống kê trong 2 năm qua cho thấy, số lao động ly hương chủ yếu là lao động nông thôn. Trong đó, gần 90% là lao động trẻ với độ tuổi bình quân khoảng dưới 35 tuổi. Điều này phần nào lý giải sự thiếu hụt lao động trẻ, nhất là lao động nông nghiệp chất lượng cao ở các HTX hiện nay. Bởi khoảng 65% HTX trên cả nước đang tập trung ở khu vực nông thôn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do có những HTX sản xuất kinh doanh theo mô hình nhỏ, chưa chuyển đổi được sang quy mô lớn chuyên nghiệp nên chưa tạo được tiếng vang trên thị trường như các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn là vì trong suốt một thời gian dài, lớp trẻ luôn có suy nghĩ rằng HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp không phải là sự lựa chọn để họ làm việc, cống hiến. Và nông thôn cũng không phải nơi đáng sống.
Ông Hoàng Văn Long (Viện Phát triển Kinh tế hợp tác-Liên minh HTX Việt Nam), cho biết hiện nay, không hiếm thanh niên hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về bản chất, nguyên tắc của HTX kiểu mới. Nhất là nhiều thanh niên còn bị ảnh hưởng bởi mô hình HTX kiểu cũ nên chưa mạnh dạn tham gia các mô hình kinh tế tập thể (KTTT).
Điều này cũng đồng nghĩa với việc thanh niên đánh mất đi nhiều cơ hội việc làm, khởi nghiệp vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Và nông nghiệp chính là ngành nghề tạo nên và giữ gìn bản sắc kinh tế - văn hoá của quốc gia. Chính vì vậy mà hiện nay, Nhà nước đang có những chính sách nhằm hỗ trợ nông dân, nông nghiệp và KTTT, HTX phát triển.
Thực chất, HTX kiểu mới là mô hình hoạt động liên kết làm ăn, kinh doanh rất linh hoạt giữa các doanh nghiệp, các cá nhân… Và mối liên kết đó được quản lý bằng pháp luật, trên cơ sở các thỏa thuận với nhau bằng sự tự nguyện, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ, dựa trên sở hữu của các thành viên..., chứ không phải là mô hình kinh tế kiểu "đánh kẻng, ghi công" như trước đây.
Ngay tại Hội nghị toàn quốc triển khai học tập Nghị quyết Trung ương 5 (ngày 21/7), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, quan điểm xuyên suốt của Đảng về KTTT đó là KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX…), trong đó HTX là nòng cốt…
Ngay trong thực tế đã có một số thanh niên hiểu đúng về vai trò của mô hình HTX và lựa chọn đây là nơi khởi nghiệp và gặt hái được những hiệu quả nhất định về kinh tế xã hội. Tiêu biểu như anh Trầm Minh Thuần (30 tuổi, ngụ ấp Chợ, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, Trà Vinh) sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Luật Kinh tế đã về quê thành lập HTX nông nghiệp Long Hiệp, chuyên sản xuất gạo sạch. Mô hình này không chỉ tạo việc làm cho các thanh niên khác trên địa bàn mà còn đang giúp thu về tiền tỷ mỗi năm.
Anh Thuần cho biết, các phân khúc thị trường đã được phân hóa mạnh mẽ cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại giúp các bạn thanh niên có thể xây dựng cho mình mô hình kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường đang cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến các tập đoàn đa quốc gia với sự chuyên nghiệp về nhân sự, phương án kinh doanh… Điều này sẽ khiến nhiều bạn trẻ dễ bỏ cuộc và không thể vượt qua được nếu lựa chọn mô hình doanh nghiệp. Sau khi tính toán đến khả năng bền bỉ, trụ vững trên thị trường, anh đã lựa chọn mô hình HTX để khởi nghiệp.
>>'Chắp cánh' cho người trẻ làm giàu trên đồng đất quê hương
Để HTX đến gần với thanh niên
Có thể thấy, nếu có tư tưởng đúng đắn về mô hình HTX cũng như nông nghiệp nông thôn thì đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, làm việc và cống hiến. Theo thống kê, hằng năm có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó có không ít hộ thành công nhờ đi lên từ mô hình tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX sản xuất với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng khó khăn nhất hiện nay vẫn là việc nhận thức của thanh niên về KTTT, HTX còn mơ hồ. Hầu hết, các bạn trẻ vẫn chưa hiểu cặn kẽ các giá trị cốt lõi của mô hình HTX bởi mô hình này chưa được đưa vào giảng dạy trong các trường học. Thanh niên cũng chưa nhận ra một điều hiển nhiên rằng các sản phẩm và dịch vụ mà họ và người thân đang sử dụng hàng ngày phần lớn là do chính các mô hình kinh tế tập thể, HTX sản xuất.
Do vậy, theo các chuyên gia, điều quan trọng hiện nay là phải để mô hình HTX đến gần hơn với học sinh, sinh viên bằng cách đưa mô hình HTX vào đào tạo ở trong nhà trường. Cần có những so sánh thiết thực giữa mô hình HTX và doanh nghiệp để thanh niên có những lựa chọn phù hợp để khởi sự. Bên cạnh đó cần tạo các cơ hội việc làm nhiều hơn cho thanh niên ở các HTX để từ đó giúp họ hiểu rõ hơn về tính chất của một HTX hiện đại...
PGS.TS Nguyễn Phú Sơn, Trường đại học Cần Thơ, cho biết thu hút lao động trẻ, đặc biệt là lao động trẻ có tri thức về làm việc chính là cách giúp mô hình HTX phát triển theo hướng chuẩn hóa và giải bài toán thiếu lao động nông thôn. Muốn vậy cần có chiến lược lâu dài, có thể đưa sinh viên đào tạo theo hệ có địa chỉ để 4-5 năm sau, HTX được bổ sung nguồn lao động trẻ có trình độ. “Khi có chính sách tốt, có tài chính tốt mà không có con người tốt thì HTX cũng khó phát triển được”, ông Sơn nói.
Còn theo Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La Võ Văn Dinh, để thu hút lao động trẻ về làm việc tại HTX, ngoài chính sách hiện hành, Nhà nước cần có cơ chế, tạo điều kiện cho các địa phương liên kết với các trường đại học, cao đẳng tổ chức đào tạo cử tuyển sinh viên phục vụ công tác tại các HTX sau khi tốt nghiệp.
Một giải pháp khác là các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện hỗ trợ vốn ưu đãi cho thanh niên. Đây cũng là cơ sở để các bạn trẻ đến gần hơn với KTTT và gắn bó với các vùng nông thôn.
Có thể bạn quan tâm