"Mỏ vàng" khởi nghiệp tại Đà Nẵng
Với hàng loạt dự án mới được đăng ký, Đà Nẵng đang sở hữu “mỏ vàng” khởi nghiệp, qua đó tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xứng tầm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tầm cỡ đến đây.
>>Vực dậy ngành du lịch Tiểu vùng Mê Công
Về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng đã tập trung xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Khởi nghiệp trong môi trường giáo dục
Trong những năm qua, chính quyền Đà Nẵng, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và bản thân doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Mặc dù còn non trẻ, song cách làm đột phá, sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã góp phần rất lớn vào việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Nhằm tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh, Đà Nẵng chú trọng vào hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, qua đó tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp ĐMST, tạo tiền đề để xây dựng mối liên kết các thành phần của hệ sinh thái vùng với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế.
Vừa tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thiết bị điện STC Electric đã thành lập doanh nghiệp với sản phẩm đầu tay là Relay an toàn phao bơm trong sinh hoạt. Hiện tại, doanh thu của doanh nghiệp này ước tính khoảng 250 triệu đồng/tháng và đã có 158 đại lý trên toàn quốc. Theo anh Cường, việc ý tưởng khởi nghiệp được thực hiện sau khi bản thân tham gia nhiều chương trình nghiên cứu khoa học từ môi trường đại học.
“Bước đầu khi hình thành sản phẩm gặp nhiều khó khăn, đối với startup, phải nghỉ đến việc phát triển những sản phẩm mà thị trường chưa có. Thứ hai là về nguồn vốn, bởi vì sinh viên mới ra trường thì không có vốn, nên phải đi vay vốn từ ngân hàng. Để hỗ trợ cộng đồng startup, các địa phương cần có nhiều hơn nữa các chương trình kết nối trên toàn quốc cũng như liên quốc gia để có thể quảng bá sản phẩm, đi nhanh và đi xa, bền vững hơn”, anh Cường chia sẻ.
TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á cho hay trong chương trình ươm tạo khởi nghiệp, nhà trường luôn đặt ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên vào một chương trình học. Qua đó, sinh viên sẽ được thực hiện các chương trình khởi nghiệp ngay trong các môn học, được hướng dẫn cụ thể để phát triển nội lực từ các giảng viên hiện có tại nhà trường.
“Từ trước đến nay Đại học Đông Á đã hỗ trợ, phát triển 700 sản phẩm khởi nghiệp từ đội ngũ sinh viên, giảng viên,... Sau khi ra trường, đội ngũ sinh viên đã tiến hành thành lập doanh nghiệp để tiếp tục phát triển sản phẩm, dần hình thành đội ngũ doanh nhân trẻ có đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương”, TS. Đào thông tin.
Khai thác tiềm năng khởi nghiệp
Trong thời gian tới, để Đà Nẵng khai thác được thế mạnh và tiềm năng sẵn có, chính quyền và Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng đã nỗ lực tạo điều kiện nuôi dưỡng và ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong các lĩnh vực như Du lịch, Dịch vụ Ẩm thực, Công nghệ tài chính,... Cùng với đó, Đà Nẵng đã tận dụng được tối đa lợi thế về địa lý, nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vươn lên khẳng định vị thế trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung,... tiến tới trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.
Ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng cho biết trong 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, các đơn vị đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp kinh phí để startup phát triển sản phẩm như làm mô hình, marketing, tham dự các cuộc thi,... cùng với sự hỗ trợ của các vườn ươm doanh nghiệp. Cùng với đó, ông Đức cho hay các hoạt động kết nối với chuyên gia, doanh nghiệp, quỹ đầu tư để có sự hướng dẫn, đầu tư vào các dự án khởi nghiệp luôn được Trung tâm triển khai.
“Hiện tạị, hệ sinh thái khởi nghiệp đang có nhiều thuận lợi với hơn 22 trường Đại học, Cao đẳng với hơn 100.000 sinh viên chưa kể đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu và 40 tổ chức khoa học công nghệ. Đây chính là “mỏ vàng” về trí tuệ, chất xám để thành phố khai thác một cách có hiệu quả. Từ chất xám trí tuệ của đội ngũ khởi nghiệp với chính sách hỗ trợ của thành phố, chắc chắn các startup trong hệ sinh thái sẽ gặt được các thành công nhất định. Cùng với đó, môi trường khởi nghiệp tại Đà Nẵng hiện nay đang rất sôi động, được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm”, ông Võ Đức Anh nhận định.
Theo ông Anh, Đà Nẵng có nhiều vườn ươm và mỗi vườn ươm sẽ có một tôn chỉ mục đích khác nhau. Đặc biệt, các vườn ươm sẽ làm những việc mà xã hội không làm được.
“Để một dự án khởi nghiệp thành công, cần có nhiều phẩm chất khác nhau vào từng thời điểm, trước hết phải dựa vào con người, tài năng và nội lực. Thứ hai là công nghệ, mô hình khởi nghiệp đang phát triển có tính bền vững hay không? Thứ ba là sự kết nối cộng đồng và cuối cùng là phải phù hợp với bối cảnh”, vị này chia sẻ thêm.
Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng, trong thời gian qua HĐND và UBND thành phố đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động chuyển chuyển đổi số. Trong đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực và sức lực cạnh tranh trên thị trường theo Nghị quyết số 18 của HĐND và Quyết định số 36 của UBND thành phố về quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
“Đây là chính sách đặc thù của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghề đã được triển khai có hiệu quả trong thực tế, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, Sở đã hỗ trợ đã hỗ trợ 63 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí hơn 7,426 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp KH&CN. Thông qua các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã giúp các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm mới, chất lượng tương đương sản phẩm ngoại nhập, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh và doanh thu cho doanh nghiệp”, bà Hậu chia sẻ.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Trong đó, đã thực hiện hỗ trợ 22 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với kinh phi hỗ trợ gần 4 tỷ đồng để phát triển sản phẩm, hoàn thiện công nghệ và xây dựng chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ.
“Khởi nghiệp trong chuyển đổi số” được giới trẻ rất quan tâm, lý do chính là chuyển đổi số, là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực và ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình hình thành và phát triển các startup trong lĩnh vực công nghệ số sẽ diễn ra nhanh hơn các ngành, lĩnh vực khác nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, các dự án về công nghệ số có khả năng tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, đồng thời có khả năng tạo ra giá trị lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Ngoài ra, có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các dự án, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số”, bà Vũ Thị Bích Hậu nói thêm.
Có thể bạn quan tâm