Cần giải pháp dài hạn hơn cho các vấn đề môi trường trong nước

DIỄM NGỌC - Ảnh: TUẤN NGỌC 15/11/2022 14:43

Theo đại diện UNDP Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều, nhưng cũng cần phải có các giải pháp dài hạn hơn cho các vấn đề về môi trường trong nước.

>>[TRỰC TIẾP] Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động

Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 15/11/2022, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho biết, kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua đã phát triển rất tốt và được coi như một ngôi sao mới nổi, trong việc phát triển kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng nổi lên như một hệ sinh thái khởi nghiệp lớn nhất, hình thành tam giác vàng về khởi nghiệp cùng với Singapore và Indonesia.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP)

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP)

“Mặc dù tôi mới đảm nhận vị trí này tại Việt Nam vài tuần, nhưng tôi rất ấn tượng với số lượng những người trẻ tham gia khởi nghiệp và có cân nhắc nhiều tới tác động về môi trường xã hội, cho thấy đây là một thế hệ mới của doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam, cam kết mô hình kinh doanh mới, đảm bảo tác động tích cực với con người và hành tinh.

Trong 5 năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ cho rất nhiều doanh nghiệp với hành trình của Youth Colab được hỗ trợ bởi UNDP. Chương trình Youth Colab đã hỗ trợ cho thanh niên đi trước, tiên phong trong việc giải quyết các thách thức của chúng ta. Youth Colab được triển khai ở 28 quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và bắt đầu triển khai ở Việt Nam năm 2018. Hiện nay đã đào tạo hơn 500 chủ doanh nghiệp trẻ, hơn 30% từ cộng đồng dễ bị tổn thương hoặc bị thiệt thòi. Dự án này cũng đã đào tạo hơn 110 chuyên gia cố vấn khởi nghiệp và 35 doanh nghiệp khởi nghiệp nhận được hỗ trợ về tài chính kĩ thuật, cùng hơn 500 đối thoại ở cấp trung ương cũng như địa phương được triển khai”, bà Ramla Khalidi chia sẻ.

>>Khoa học công nghệ ở đâu trong kinh tế tuần hoàn?

Cũng theo vị đại diện UNDP, Việt Nam hiện nay là quốc gia dễ biến đổi khí hậu với đường bờ biển dài hơn 3.200 cây số, cùng nhiều thành phố, vùng châu thổ nằm dưới mực nước biển. Chính vì thế, chúng ta rất cần tính đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh chính đã đưa ra cam kết về việc phát thải ròng bằng 0 đạt được vào năm 2050 tại hội nghị COP26. Việt Nam đã cùng với 70 quốc gia khác đưa ra cam kết cụ thể để giải quyết vấn đề nóng nhất hiện nay trên hành tinh chúng ta.

Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động”

Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động”

Tháng 6/2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký Quyết định 687 phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn với một số mục tiêu, tham vọng. Quyết định này nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường quan tâm về đầu tư cho các doanh nghiệp tham gia vào kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi kinh tế tuần hoàn cho chúng ta cơ hội để có một khuôn khổ hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam trong việc trở thành một quốc gia thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Kinh tế tuần hoàn có thể tạo động lực cho sự phát triển của 4.500 tỷ USD và tạo hàng triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.

Theo một nghiên cứu của tập đoàn Lego (Đan Mạch), tập đoàn này đã đầu tư 1 tỷ USD cho nhà máy trung hòa carbon đầu tiên ở Bình Dương và sẽ tạo ra 4000 việc làm trong vòng 5 năm tới.

“Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chúng ta còn cần có cách tiếp cận với toàn xã hội, với các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp, các cơ quan, viện, trường, các doanh nghiệp trẻ, cũng như các tập thể liên quan đến quy định đầu tư, nghiên cứu đổi mới sáng tạo hướng tới mục tiêu chung.

Việc thiết lập trung tâm kinh tế tuần hoàn, UNDP hiện nay đang cố gắng thu hẹp lại khoảng cách giữa người tiêu dùng và người sản xuất các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, các thể chế tài chính, các cơ quan nghiên cứu các bộ, các bên tham gia chuỗi giá trị trong việc tăng cường đối thoại tạo ra tri thức, có hành động cụ thể hướng tới kinh tế tuần hoàn.

Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều cho thấy, chúng ta cũng là một hệ sinh thái rất tốt, nhưng cũng cần phải có các giải pháp dài hạn hơn cho các vấn đề về môi trường trong nước”, đại diện UNDP Việt Nam khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • [TRỰC TIẾP] Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động

    12:16, 15/11/2022

  • Công ty khởi nghiệp Hopper huy động thành công 96 triệu USD từ Capital One 

    02:15, 15/11/2022

  • Việt Nam - Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    01:34, 15/11/2022

  • 15/11: Diễn đàn khởi nghiệp quốc tế: Kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động

    11:20, 14/11/2022

  • Chung kết cuộc thi Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long

    08:03, 13/11/2022

DIỄM NGỌC - Ảnh: TUẤN NGỌC