Sớm xây dựng khuôn khổ chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn
Thành viên hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN khuyến nghị, Việt Nam cần đưa ra các khuôn khổ chính sách, quy định về việc tái chế trong lĩnh vực kinh tế xanh, cũng như hỗ trợ kinh tế tuần hoàn.
>>Cơ hội từ xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn
Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 15/11/2022, ông Nishchay Chadha, Thành viên hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, Điều hành công ty ACE Green Recycling khẳng định, Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục.
Thời điểm năm 1999, Việt Nam chưa có sự phát triển đường sá, giao thông nhưng đến nay đã vươn lên trở thành một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Đi kèm với phát triển kinh tế nhanh, chúng ta cũng có một số vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái.
“Liên quan tới tái chế, ACE Green Recycling đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực trong việc tái chế xanh. Chúng tôi tham gia rất nhiều hoạt động tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đặc biệt, pin lithium sau khi sử dụng có thể gây ảnh hưởng, tác động rất xấu đối với môi trường nếu không được thu gom, tái chế đúng cách. Do đó, chúng tôi đã quyết định tái chế và việc này rất quan trọng”, ông Nishchay Chadha phân tích.
Thực tế trên thế giới, các công ty hiện nay đã đầu tư nhiều vào công nghệ, dây chuyền, về tái chế pin lithium như ở châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam.
>>Kinh tế tuần hoàn: Hướng đi quan trọng của Việt Nam
Nhà điều hành công ty ACE Green Recycling chia sẻ thêm, hiện công ty đã tham gia trong việc thu gom và tái chế những ắc quy pin lithium. Đây là một thị trường rất lớn trên toàn cầu, tuy nhiên việc này nếu làm không đúng có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng đến không khí, chất thải rắn và gây ra môi trường làm việc không an toàn.
Tái chế đòi hỏi một chuỗi cung ứng, quản lý rất phức tạp và làm thế nào để chúng ta có thể có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên liên quan, gồm các công ty cơ khí chế tạo, hay các công ty về luyện kim. Nếu làm tốt, chúng ta có thể thu gom được rất nhiều sản phẩm nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất mà không phải nhập nguồn nguyên liệu mới.
“Có thể thấy ở một số quốc gia như Ấn Độ, Hoa Kỳ hay gần đây nhất là Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ các hoạt động về tái chế đúng cách. Ở Việt Nam, chúng ta cũng rất cần có những chính sách liên quan tới quy định, với tư cách là một công ty tư vấn tái chế, chúng tôi có thể đưa ra những ý kiến về việc tái chế thực hiện như thế nào, nhưng chính phủ Việt Nam cần phải đưa ra các khuôn khổ chính sách, quy định pháp luật về việc tái chế, cũng như hỗ trợ làm xúc tác cho việc thực hiện các hoạt động này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải tìm kiếm các đối tác phù hợp về công nghệ. Nếu triển khai thực hiện được dự án tái chế, chúng ta có thể đóng góp được rất nhiều cho việc tái chế các sản phẩm và đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là việc kiểm soát quản lý rác thải điện tử.
Tại Việt Nam, chúng tôi đang triển khai rất nhiều hoạt động hợp tác về tái chế pin ắc quy, bao gồm xây dựng hệ sinh thái về tái chế pin ắc quy xanh, giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và chúng ta có thể có rất nhiều lợi ích, về môi trường, công ăn việc làm trong lĩnh vực kinh tế xanh, cũng như hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn”, ông Nishchay Chadha bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội từ xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn
15:15, 15/11/2022
Kinh tế tuần hoàn: Hướng đi quan trọng của Việt Nam
14:53, 15/11/2022
Tăng cường thúc đẩy khởi nghiệp gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn
14:35, 15/11/2022
[TRỰC TIẾP] Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động
12:16, 15/11/2022