Khởi nghiệp thành công từ liên kết chăn nuôi gia cầm

MINH HUỆ 02/02/2023 04:36

Sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo Thụy Việt đã thôi thúc ông Nguyễn Văn Thoa quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Năm 2011, ông bắt đầu khởi nghiệp từ chuồng trại nuôi gà thịt, gà giống.

>>>Thái Bình: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử

Quyết tâm thoát nghèo...

Sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo Thụy Việt - Thái Thụy - Thái Bình đã thôi thúc ông Nguyễn Văn Thoa quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Năm 2011, ông khởi nghiệp với việc đầu tư tất cả vốn liếng của gia đình để xây dựng chuồng trại nuôi gà thịt, gà giống.

Theo ông Nguyễn Văn Thoa – Chủ doanh nghiêp tự nhân Thoa Tuyết  cho biết: Gà và trứng gà là sản phẩm gia cầm quen thuộc đối với mọi người dân, mọi gia đình. Với ý tưởng đó tôi đã nghĩ ngay đến việc phát triển các mô hình trang trại áp dụng công nghệ cao, mô hình gà thả vườn... nuôi gà lấy trứng cũng như gà thịt, cho năng suất cao để mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo ông Thoa, để mở rộng quy mô sản xuất cũng như có được nguồn nguyên liệu trứng ổn định và bảo đảm chất lượng cung cấp cho lò ấp, đầu năm 2018, tôi đã liên kết cùng với các chủ trang trại, hộ chăn nuôi gà đẻ trứng trong toàn huyện thành lập tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi gia cầm giống Thoa Tuyết. Trung bình mỗi tháng cơ sở ấp nở khoảng 200.000 con giống gia cầm để cung cấp ra thị trường các tỉnh, thành trong cả nước.

Trang trại chăn nuôi gà từ mô hình liên kết

Trang trại chăn nuôi gà từ mô hình liên kết

Hiện nay, tổ hợp tác có 35 thành viên đến từ 16 xã trong huyện Thái Thụy. Các thành viên tham gia tổ hợp tác có quy mô chăn nuôi từ 2.000 - 5.000 con gà đẻ trứng và được cơ sở thu mua trứng với giá cả thỏa thuận và ổn định. Trong quá trình sản xuất các thành viên phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động chung như: sản xuất cùng loại con giống gà được thị trường ưa chuộng, tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.  

Sau 12 năm hoạt động, đến nay cơ sở sản xuất giống gia cầm của gia đình ông đã mở rộng quy mô sản xuất lên 7.000m2, trong đó đầu tư 28 máy ấp nở trứng gà hiện đại, chuồng trại nuôi gà được xây dựng khép kín, bảo đảm các tiêu chuẩn về nhiệt độ, môi trường, quạt gió và sử dụng công nghệ tự động cho ăn, dọn phân... Bình quân mỗi năm, cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 4 triệu con giống gia cầm các loại.

Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi gà ri đẻ trứng theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu nâng cao giá trị sản xuất, sản phẩm trứng gà ri Thái Bình của cơ sở sản xuất giống gia cầm Thoa Tuyết, xã Thụy Việt (Thái Thụy) đã dần khẳng định thương hiệu trên thị trường, được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thoa còn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi, sản xuất theo chuỗi để giúp các hộ chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, đồng thời nỗ lực gây dựng thương hiệu sản phẩm trứng gà ri Thái Bình. Ông cho biết: Với mong muốn đem lại sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, cơ sở đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi, liên kết với 20 trang trại, gia trại lớn trong và ngoài huyện để sản xuất ra sản phẩm trứng gà ri có chất lượng cao. Cùng với đó, cơ sở đã từng bước xây dựng sản phẩm trứng gà ri Thái Bình đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2021, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAP.

Máy ấp trứng gà hiện đại từ liên kết chăn nuôi gia cầm

Máy ấp trứng gà hiện đại từ liên kết chăn nuôi gia cầm

Hiện nay, mỗi thành viên tổ hợp tác chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Thoa Tuyết có quy mô từ vài nghìn đến vài vạn con gà ri đẻ trứng. Các thành viên cùng thực hiện chung một quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ông Vũ Văn Cường, xã Thái Xuyên (Thái Thụy), một thành viên của tổ hợp tác cho biết: Nhà tôi đang duy trì nuôi 5.000 con gà ri đẻ trứng, hàng ngày thu được hơn 4.000 quả trứng. Nhờ là thành viên của tổ hợp tác nên trứng gà của nhà tôi được thu mua hàng ngày với giá ổn định. Qua đó giúp nhà tôi chăn nuôi có lãi với thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm.

Những quả trứng gà ri của các thành viên được cơ sở sản xuất giống gia cầm Thoa Tuyết thu gom trong ngày, phân loại, làm sạch và lau khô để hoàn thiện đóng gói. Trên bao bì trứng gà ri Thái Bình được ghi đầy đủ thông tin về ngày đóng gói, thời hạn sử dụng. Sản phẩm đã có mặt trên thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện, để có được sản phẩm trứng gà ri Thái Bình, quá trình chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP; các khâu từ giống, thức ăn, thuốc thú y, nước uống đều sạch và bảo đảm cân đối dinh dưỡng để tạo ra sản phẩm tươi ngon, chất lượng. Đây là loại trứng gà có vỏ nhẵn, sạch, dày nên khó vỡ hơn các loại trứng khác khi vận chuyển, lòng đỏ đặc, có màu vàng đẹp, đồng nhất; quả trứng có hương vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, chứa các thành phần như protein, lipid, vitamin và chất khoáng...

Theo ông Thoa, Chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho cơ sở có cơ hội khẳng định chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trứng gà ri Thái Bình, bên cạnh đó còn có thể đưa những sản phẩm chất lượng, an toàn đến người tiêu dùng ở nhiều địa phương trong cả nước chứ không chỉ thị trường trong tỉnh. Đồng thời, cũng là cơ hội để chúng tôi từng bước phát huy tiềm năng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động hơn nữa.

Việc áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của cơ sở. Minh chứng là số lượng trứng tiêu thụ năm nay tăng khoảng 20% so với năm trước, đạt trên 5 triệu quả/năm với doanh thu hơn 14 tỷ đồng. Thời gian tới, cơ sở tiếp tục nâng cấp quy trình sản xuất, mở rộng quy mô liên kết chăn nuôi nhằm tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp tới người tiêu dùng, ông Thoa chia sẻ.

Trứng gà của cơ sở Thoa Tuyết được xuất bán ra thị trường

Trứng gà của cơ sở Thoa Tuyết được xuất bán ra thị trường

Theo lãnh đạo UBND huyện Thái Thụy: Hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao tại một số địa phương trong tỉnh. Trong đó, mô hình liên kết, hợp tác sản xuất chăn nuôi tại cơ sở sản xuất gia cầm giống Thoa Tuyết ở xã Thụy Việt (Thái Thụy) là một điển hình.

Theo ông Phạm Văn Tuân – Thụy Dân – Thái Thụy: Hai năm trước, gia đình ông nuôi gà đẻ trứng với quy mô từ 1.000 - 2.000 con/năm. Do chăn nuôi theo hộ gia đình nên có thời điểm gặp không ít khó khăn khi không chủ động được đầu ra sản phẩm, có lúc đàn gà bị bệnh dịch gây thiệt hại kinh tế...

Vì thế thu nhập từ việc chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình không ổn định. Năm 2018, ông Tuân bắt đầu tham gia vào tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi gia cầm giống Thoa Tuyết. Trong đó, được cơ sở sản xuất gia cầm giống Thoa Tuyết cung cấp giống gà đẻ trứng để chăn nuôi rồi cung cấp trứng cho cơ sở này thực hiện việc ấp nở.

Ông Tuân cho biết thêm: Hiện nay, gia đình tôi duy trì chăn nuôi gà đẻ trứng với quy mô 5.000 con, hàng ngày thu về gần 3.000 quả trứng. Toàn bộ số trứng này được cơ sở sản xuất gia cầm giống Thoa Tuyết thu mua theo giá thỏa thuận. Nhờ việc liên kết chăn nuôi nên tôi chỉ phải tập trung vào sản xuất, không phải lo đầu ra sản phẩm, giá cả ổn định. Vì vậy, việc chăn nuôi của gia đình được phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao, trung bình thu nhập hàng năm đạt hơn 300 triệu đồng.  

Cũng là một trong những thành viên tham gia tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi gia cầm giống Thoa Tuyết, ông Vũ Văn Cường, xã Thái Xuyên hiện duy trì chăn nuôi gần 3.000 con gà đẻ, hàng ngày thu về hơn 1.500 quả trứng. Ông Cường cho biết: Trước kia, việc chăn nuôi gà đẻ của gia đình tôi luôn phụ thuộc vào thị trường, giá trứng bấp bênh nên hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng từ khi tham gia tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi gia cầm giống Thoa Tuyết giúp việc chăn nuôi của gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước đây. Ngay cả khi thời điểm giá gia cầm xuống thấp thì gia đình tôi vẫn duy trì quy mô, số lượng đàn gà đẻ và chăn nuôi có lãi.

Cơ sở sản xuất gia cầm giống Thoa Tuyết, xã Thụy Việt (Thái Thụy)

Cơ sở sản xuất gia cầm giống Thoa Tuyết, xã Thụy Việt - ảnh báo Thái Bình

Có thể thấy, tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi gia cầm giống Thoa Tuyết từ khởi nghiệp để thoát nghèo, nay với mô hình hợp tác xã liên kết, cơ sở này đang là mô hình kinh tế tiêu biểu ở huyện Thái Thụy. Mô hình này đã tạo ra sự liên kết trong sản xuất chăn nuôi, cải thiện đầu ra sản phẩm, từ đó mang đến nguồn thu nhập ổn định, giúp các hộ chăn nuôi nâng cao đời sống kinh tế và còn tạo việc làm cho rất nhiều lao động địa phương trong tỉnh hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp Thái Bình tăng tốc sản xuất ngay sau Tết

    Doanh nghiệp Thái Bình tăng tốc sản xuất ngay sau Tết

    00:30, 30/01/2023

  • Về Thái Bình xem hội múa Kéo chữ độc đáo

    Về Thái Bình xem hội múa Kéo chữ độc đáo

    12:45, 25/01/2023

  • Ấm áp phiên

    Ấm áp phiên "Chợ Tết 0 đồng" tại Thái Bình

    16:04, 15/01/2023

MINH HUỆ