Hãy trao đi những giá trị cho cộng đồng
Cộng đồng khởi nghiệp đang rất cần những cố vấn (mentor) có trái tim, những người sẵn sàng trao đi vô điều kiện để nhận lại niềm vui cho riêng bản thân mình.
>>Việt Nam - Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Quyết định 188/QĐ – TTg ngày 9/2/2021 bổ sung cho Đề án 844 đã chỉ ra cần có sự tương tác, kết nối giữa các nguồn lực để có được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hiệu lực thực sự. Tuy nhiên, khi triển khai đề án, chúng ta thiếu những người cầm tay chỉ việc để xây dựng các thành tố trong hệ sinh thái.
Hành trình rất cô đơn
Khởi nghiệp được cho rằng đó là một hành trình rất cô đơn và người hỗ trợ khởi nghiệp cũng cô đơn không kém.
Trong quá trình làm việc với các tỉnh thành, tôi đã gặp nhiều cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Họ tâm sự với tôi nhiều câu tương tự: “Em được phân công phụ trách triển khai các hoạt động cho hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương nhưng không biết bắt đầu từ đâu, lộ trình thế nào. Em cứ phải vừa làm vừa mò mẫm, không có sự hướng dẫn, đồng hành của bất kỳ ai”.
>>FTU chung tay SYS lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Các trường đại học, cơ sở giáo dục cũng vậy. Những đơn vị này được giao nhiệm vụ quan trọng là xây dựng trung tâm hỗ trợ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên nhưng cũng không biết bắt đầu ra sao, hình thành mô hình hoạt động của Trung tâm thế nào. Những thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp như trung tâm tăng tốc, vườn ươm cũng trong tình trạng tương tự… Tất cả đều cảm thấy khó khăn và đang rất loay hoay với câu hỏi phải làm như thế nào.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là Quyết định 844/ QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Thực tế cho thấy cần có một đơn vị bảo trợ về chuyên môn để đồng hành, hỗ trợ hướng dẫn cho hành trình khởi nghiệp của startup hay những người hỗ trợ khởi nghiệp bớt phần cô dơn.
Chúng tôi đã có mặt
Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (VSMA) ra đời theo Quyết định số 0824/PTM-DĐDN ngày 12/6/2020 của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, VSMA có 25 thành viên. Việc tuyển chọn các thành viên gia nhập vào VSMA được tiến hành hàng năm và thực hiện hết sức chặt chẽ, trong đó một trong những tiêu chí mà Hội đồng đưa ra là cần những người mentor có những “trái tim nồng ấm”.
Kể từ khi được thành lập đến nay, VSMA đã triển khai nhiều chương trình liên quan đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia và địa phương. Trong quá trình thực hiện, VSMA đã nhận được sự hỗ trợ và đồng hành cùng nhiều đối tác trong nước và quốc tế như Swiss Entrepreneurship Program, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP về khởi nghiệp tạo tác động, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp liêm chính.
Hoạt động đào tạo (cố vấn, huấn luyện viên) cho các địa phương, các cơ sở giáo dục trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất của VSMA. Trên cơ sở đó Hội đồng cũng khuyến khích các tỉnh thành mạnh dạn hình thành mạng lưới các nhà đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST, chọn các mentor này làm nguồn để chuyển thành các nhà đầu tư thiên thần (angel investor). Hơn ai hết, mentor là những người đã đồng hành cùng các startup, hiểu được văn hóa khởi nghiệp, thông cảm với những nỗi đau và rủi ro mà startup đang đối mặt.
>>Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ngoài ra VSMA còn cố vấn và đào tạo cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp ở địa phương và các trung tâm thúc đẩy khởi nghiệp, qua đó, giúp họ nắm bắt được cách thức và lộ trình triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST một cách hiệu quả.
Trong thời gian tới, ngoài các hoạt động hiện tại VSMA sẽ tập trung nỗ lực đồng hành để hình thành các câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần ở các địa phương - mảnh ghép còn lại vô cùng quan trọng để hình thành thế kiềng ba chân startup – mentor – investor giúp cho hệ sinh thái vận hành một cách tự động bền vững trong tương lai khi mà vai trò kiến tạo của Nhà nước được rút dần ra.
Có thể bạn quan tâm