Chuyện 2 chàng kỹ sư miền biển khởi nghiệp 0 đồng
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê bám biển, chứng kiến ngư dân gặp nhiều khó khăn, cực khổ, chàng trai Trần Thái Sơn và Nguyễn Văn Hòa luôn có khát khao được cống hiến, thay đổi nghề biển quê hương.
>>> Xây dựng các trường đại học khởi nghiệp
Trả lời phỏng vấn Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Trần Thái Sơn – Giám đốc công ty TNHH Hiệp lực Phát triển Việt (Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ, anh tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với chuyên ngành Cơ - điện tử. Năm 2012, anh giành được học bổng tại Đức.
Từ thời sinh viên, chàng trai miền biển đã tự mày mò, nghiên cứu chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt cho ngư dân đi đánh bắt xa bờ nhưng chưa thành công. “Vì vậy, khi giành được học bổng thạc sĩ, tôi đặt mục tiêu đi du học để có thêm cơ hội đào sâu nghiên cứu tại phòng thí nghiệm chuyên nghiệp, cùng sự hỗ trợ của giáo sư để chế tạo thành công chiếc máy đó”, anh Sơn tâm sự.
Hơn một năm trên đất nước Đức, anh Sơn nỗ lực không ngừng, vừa học, nghiên cứu vừa đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Từ tiền làm thêm, anh mua nguyên vật liệu, thiết kế, chế tạo thành công chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt đầu tiên, công suất 50 lít/giờ, có giá 150 triệu đồng.
Trở về Việt Nam năm 2013, tài sản lớn nhất là chiếc máy lọc nước được chế tạo và thử nghiệm trong phòng Lab đang cần một chủ tàu đồng ý dùng thử. Sau khi tìm hiểu, Sơn đến gặp chủ đội tàu Minh Song ở Bà Rịa - Vũng Tàu và thuyết phục thành công anh Lai dùng thử. Hơn 2 tháng vừa dùng vừa khắc phục, anh Lai nhận thấy máy lọc nước thực sự hữu ích, Sơn thuyết phục anh đầu tư để lắp chiếc máy thứ 2, với điều kiện ứng trước kinh phí 50% (Sơn cười) với giá 70 triệu.
Hơn một tháng sau, chiếc máy thứ 2 hoàn thành nhưng khi đưa vào thực tế thì không chạy được, anh Sơn đã phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, khắc phục. May mắn là chủ tàu đã ủng hộ và tạo cơ hội cho anh phát triển với việc đặt hàng 10 chiếc. Niềm tin cùng với đơn đặt hàng đầu tiên là động lực để anh tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình.
>> Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp Việt Nam vươn xa
>> Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông
Đến nay, công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt đã cung ứng cho hơn 10% tổng số tàu cá của ngư dân Việt Nam (khoảng hơn 2000 tàu).
Đặc biệt, doanh nghiệp đã trực tiếp lắp đặt 15 máy lọc nước biển thành nước ngọt tại Nhà giàn DK1, 23 máy tại các điểm đảo của Trường Sa, chạy bằng pin năng lượng mặt trời. Trong đó, máy lọc tại Trường Sa có công suất 200 lít/giờ.
Công suất trung bình máy lọc nước biển hiện nay là 5m3/ngày với chi phí lắp đặt chỉ khoảng 68 triệu đồng, chi phí bảo hành rất rẻ như đổi nước.
Việc ra đời máy lọc nước biển thành nước ngọt không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của ngư dân mà còn góp phần giảm thải rác thải nhựa trên biển.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tàu đánh cá, phần lớn trong số đó là tàu đánh bắt xa bờ. Khi ra khơi, ngư dân phải dự trữ lượng dầu diesel lớn, trong một khoảng thời gian dài. Do thời gian đánh bắt xa bờ kéo dài hàng tháng, không thể cập bến tiếp nhiên liệu nên ngư dân phải thu mua các loại dầu không đạt chất lượng. Bản thân dầu diesel nếu lưu trữ lâu xảy ra phản ứng polyme hóa, tạo ra các thành phần nặng hơn. Ngoài ra, khi bảo quản dầu diesel trong môi trường biển sẽ lẫn tạp chất như nước biển, muối, khi dầu đi tới động cơ tàu thì sẽ không còn đạt được yêu cầu như trước đây, dẫn đến thiết bị hoạt động kém năng suất, tốn nhiên liệu.
Từ thực tế đó, anh Trần Thái Sơn và anh Nguyễn Văn Hòa đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá hoạt động tốt, bảo vệ môi trường, lượng nhiên liệu giảm từ 10 đến 15%, mang lại lợi ích kinh tế cho ngư dân. Sản phẩm đã được công ty sản xuất, thương mại hóa và bán ra thị trường.
Mỗi chuyến biển từ 5-6 tháng sẽ tiêu tốn khoảng 50.000 lít dầu diesel. Khi lắp thiết bị lọc dầu diesel trên tàu cá, giúp máy móc hoạt động trơn tru, ổn định hơn, ngư dân sẽ tiết kiệm hơn 1.000 lít dầu/chuyến.
Anh Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, sau một thời gian có mặt trên thị trường, đến nay đã có nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định đã lắp đặt thiết bị này.
Với hiệu quả thiết thực, thiết bị lọc nhiên liệu này sẽ được phổ biến rộng rãi giúp ngư dân tiết kiệm được các chi phí khi ra khơi đánh bắt dài ngày.
Hiện nay, công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt đã phối hợp với Tập đoàn VNPT triển khai thành công thiết bị vệ tinh cho tàu đánh cá, giúp hỗ trợ theo dõi, giám sát hành trình tàu cá, dễ dàng liên hệ về đất liền. Thiết bị cũng cập nhật thường xuyên thông tin thời tiết, dự báo mưa bão cho ngư dân.
So với thiết bị định vị tàu cá thông thường, sản phẩm này tiêu tốn ít điện năng trên thuyền. Nhờ sử dụng công nghệ vệ tinh, nên độ phủ sóng toàn cầu, tín hiệu truyền từ tàu về bờ ổn định, chính xác. Vì vậy, vị trí và hành trình của tàu cá được theo dõi trực tiếp trong suốt chuyến đi biển, ngư dân có thể gửi tin nhắn, liên lạc về đất liền.
Thay vì phải lắp thiết bị giám sát cồng kềnh như "hộp đen", công nghệ này cho phép tận dụng điện thoại bàn liên lạc trên biển có chức năng định vị. Việc kết nối với module phát wifi có kích thước nhỏ bằng lòng bàn tay, giúp phục vụ tối đa 10 thiết bị trên tàu với trạm đất liền cho quá trình số hóa tàu thuyền.
Việc cung cấp sóng wifi còn nhằm mục đích yêu cầu người sử dụng khai báo thông tin cá nhân, hành trình đánh bắt thông qua ứng dụng nhật ký điện tử được cài đặt vào điện thoại thuyền viên. Vì thế, không chỉ cơ quan quản lý, mà người thân ở nhà cũng có thể theo dõi hành trình tàu cá thông qua ứng dụng. Các thông tin thuyền viên được gửi về đất liền còn nhằm phục vụ quá trình theo dõi nếu xuất hiện sự cố trên biển.
Việc phát wifi trên tàu cá còn mở ra khả năng ứng dụng giải pháp IoT trên biển, phục vụ quá trình nghiên cứu, thăm dò, từng bước cùng với Chính phủ, chính quyền địa phương kiểm soát tốt phạm vi khai thác thủy sản, quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Đẩy mạnh hoạt động mentoring, coaching trong trường đại học đổi mới sáng tạo mở
14:22, 15/04/2023
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học
02:13, 14/04/2023
Techfest Việt Nam - Hàn Quốc: Chung tay thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
16:43, 13/04/2023
Tổ hợp nghiên cứu, đổi mới sáng tạo thứ 2 của CMC được chấp thuận chủ trương đầu tư
00:34, 13/04/2023