Quảng Nam: Vùng đất mở cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Tỉnh Quảng Nam có nhiều sáng tạo trong công tác hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn, qua đó tạo động lực để các chủ thể tự tin phát huy năng lực của mình hướng đến thành công.
>>Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo chiều sâu
Chia sẻ với Diễn Đàn Doanh Nghiệp, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay thời gian qua địa phương đã tích cực hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn và đang mang lại nhiều kết quả tích cực.
- Thưa ông, là một địa phương chú trọng công tác hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp, xin ông chia sẻ những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương do UBND Tỉnh/Thành phố ban hành có những nội dung nổi bật và khác biệt so với một số địa phương phố lân cận?
Căn cứ Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 02/11/2020 của HĐND tỉnh về quy định Nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 454/QĐ-UBND ngày 08/02/2020 để triển khai thực hiện Nghị quyết.
Theo đó, Quyết định 454/QĐ-UBND quy định nội dung, mức chi, điều kiện, thủ tục, trình tự, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.
Đối tượng áp dụng là cá nhân, nhóm cá nhân, hợp tác xã có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới được công nhận dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh. Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Các nội dung hỗ trợ bao gồm tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn và tham gia sự kiện khởi nghiệp vùng, quốc gia, quốc tế, cuộc thi/hội thi khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tổ chức nhiều lớp tập huấn và trao đổi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như “Tập huấn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ”, “Tập huấn Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam”, các lớp tập huấn và trao đổi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các hội khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động kết nối mạng lưới khởi nghiệp luôn được triển khai. Cùng với đó, tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng gian hàng khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu Quảng Nam tại các trung tâm thương mại lớn, siêu thị, cửa hàng trong cả nước. Hỗ trợ tham gia sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương khác, vùng, quốc gia và quốc tế.
Ngoài ra, khuyến khích ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh đạt giải cấp quốc tế, quốc gia, cấp vùng về khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị quyết 09/2020/NQ-HĐND. Hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ.
Chính sách hỗ trợ có khác biệt so với một số tỉnh, thành lân cận có thể kể đến như có gói hỗ trợ marketing cho mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp là 10.000.000 đồng để làm video, hình ảnh quảng bá thương hiệu; Quảng bá sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.... Bên cạnh đó, để vận hành hệ sinh thái mở, tích hợp, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên và duy nhất sáng tạo thành lập Ban Điều hành với chức năng điều phối và hỗ trợ các thành phần Hệ sinh thái linh hoạt, tự phát triển và tương tác. Ban Điều hành luôn hướng về phía trước, tạo động lực cho cộng đồng doanh nhân, cộng đồng startup đặt mục tiêu, phấn đấu đi lên.
- Hiện nay, tỉnh đang triển khai những hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận và tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường cho sản phẩm khởi nghiệp? Vậy việc mở rộng và kết nối khởi nghiệp của địa phương với các tỉnh/thành khác trong khu vực đang diễn ra thế nào, thưa ông?
Việc kết nối giao thương, mở rộng thị trường, kênh tiêu thụ là vấn đề sống còn với doanh nghiệp (DN), đặc biệt là những DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa. Chính vì vậy, UBND tỉnh và Ban điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh cũng thường xuyên tổ chức những ngày hội trưng bày và giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, tổ chức các phiên chợ,…
Thường xuyên tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo để các startup có cơ hội giao lưu, giới thiệu doanh nghiệp đến với các shark, nhà đầu tư. Kết nối sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào hệ thống siêu thị và các kênh phân phối.
UBND tỉnh đã kết nối với Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam (QNB) để hỗ trợ tiêu thụ, nâng tầm các sản phẩm khởi nghiệp và OCOP. Ví dụ như chương trình “Kết nối giao thương, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp và OCOP tỉnh Quảng Nam” đã hỗ trợ những người trẻ khởi nghiệp ở quê nhà trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Hay chương trình “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam” diễn ra tại công viên văn hóa Đầm Sen, TP. Hồ Chí Minh là dịp để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, khởi nghiệp và mời gọi các nhà đầu tư, kết nối giữa tỉnh nhà và bà con đồng hương Quảng Nam tại thành phố HCM và khu vực phía nam.
Thường xuyên cùng các startup Quảng Nam tham dự các ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các địa phương lân cận để giao lưu, học hỏi cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu rộng rãi hơn.
- Trong một số yếu tố cấu thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp, xin hỏi hiện tỉnh đang tập trung phát triển những yếu tố nào? Đồng thời, xin ông chia sẻ thêm về cơ sở và lý do triển khai?
Nhận thấy được khởi nghiệp đang tạo thành một “làn sóng mới”trong giới trẻ, đặc biệt trong sinh viên với nhiều ý tưởng đam mê, khát vọng, cùng khả năng tiếp thu thích ứng và đổi mới sáng tạo. UBND tỉnh cũng như Ban điều hành hiện đang tập trung phát triển yếu tố phát triển khởi nghiệp ở các trường đại học-cao đẳng-nghề. Sinh viên là lực lượng trí thức tương lai. Họ là người quyết định thành công cho chính họ và xã hội. Họ là thành tố cực kỳ quan trọng của Hệ sinh thái khởi nghiệp.
Nhận thức được vai trò quan trọng của sinh viên trong hệ sinh thái khởi nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách trong việc thúc đẩy vai trò của họ. Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 844), được ban hành vào ngày 18/5/2016 đã thể hiện sự cần thiết phải có một hệ sinh thái quốc gia đầy đủ chức năng cho khởi động sáng tạo vào năm 2025. Quyết định 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đề án 1665 nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kĩ năng về khởi nghiệp tại các nhà trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợhọc sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ýtưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Dựa trên những cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã phối hợp cùng Ban điều hành và các trường đại học/cao đẳng – nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để thường xuyên tổ chức nhiều sự kiên, chương trình nhằm tạo sân chơi vừa là bệ phóng, chắp cánh cho những ước mơ sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên. Có thể thấy trong thời gian qua đã có nhiều chương trình như Hội thảo khoa học sinh viên lần thứ 7 “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số” được tổ chức tại trường đại học Quảng Nam, “Sinh viên Quảng Nam tại Huế với KNĐMST”, …Sắp tới cũng sẽ có Chương trình học sinh, sinh viên nghề với khởi nghiệp Quốc gia,…
- Cùng với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của trung ương đã có các đề án 844, 1665,… vậy những chính sách của địa phương đã góp phần mang lại hiệu quả thế nào trong các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp những năm qua?
Xác lập mô hình Khởi nghiệp tích hợp. Là địa phương duy nhất tích hợp Đề án 844 khởi nghiệp sáng tạo, Đề án 939 hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp, Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Chính phủ, Chương trình Thanh niên khởi nghiệp của Trung ương Đoàn và sáng tạo trong hỗ trợ nông dân khởi nghiệp.
Quảng Nam – tỉnh đầu tiên và duy nhất sáng tạo thành lập Ban Điều hành với chức năng điều phối và hỗ trợ các thành phần Hệ sinh thái linh hoạt, tự phát triển và tương tác. Đây là “đòn bẩy” quan trọng, quyết định để kết nối Nhà nước vận hành Hệ sinh thái năng động và giàu nhiệt huyết.
Trong Hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia, Quảng Nam tiên phong và là tỉnh duy nhất thành lập Hội Khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện – tổ chức nghề nghiệp theo Nghị định 45 của Chính phủ; tạo mái nhà chung để ý tưởng, dự án khởi nghiệp học hỏi, phát triển. Đến nay đã vượt 200% chỉ tiêu và có đến 17/18 huyện ban hành chương trình khởi nghiệp.
Vinh danh, khuyến khích và công nhận ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh là cách Quảng Nam xây dựng Hệ sinh thái theo quy mô, hình thức và hướng đến giá trị sáng tạo. Công nhận dự án khởi nghiệp cấp tỉnh là dịp quảng bá, gắn kết tinh thần dám bứt phá để mang đến ý tưởng độc đáo của các startup. Quảng Nam hiện có 148 dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh, 25 dự án khởi nghiệp cấp vùng, quốc gia.
Tạo lập và lan tỏa Văn hóa khởi nghiệp sâu rộng. Với bài hát Xứ Quảng bài ca khởi nghiệp – Quảng Nam trở thành địa phương độc nhất có bài hát cho riêng mình, được chuyển tải trên nền dân ca ngọt ngào xứ Quảng và tân nhạc để cổ vũ, khích lệ phong trào. Ngoài Cổng thông tin Khởi nghiệp sáng tạo kết hợp Sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Quảng Nam xây dựng chuyên mục Khởi nghiệp sáng tạo trên Báo Quảng Nam, Đài PT-TH tỉnh, bản tin chuyên ngành và trên tất cả kênh mạng xã hội. Cuộc thi báo chí viết về tấm gương khởi nghiệp, trao giải báo chí viết về khởi nghiệp hàng năm. Các hình thức báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử đồng hành cổ vũ, khích lệ Hệ sinh thái khởi nghiệp xứ Quảng.
Dẫn đầu tổ chức sự kiện cấp vùng, quốc gia. Bên cạnh đó, hàng năm, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tập huấn,….về khởi nghiệp diễn ra thường xuyên, sôi động nhiều cấp độ khác nhau; vượt 300% chỉ tiêu đề ra.
Hoàn thiện hệ thống văn bản để vận hành Hệ sinh thái. Trong Hệ sinh thái, nhà nước đóng vai trò bà đỡ và tạo liên kết, tương tác và quyết định để các thành phần khác phát triển. UBND tỉnh ban hành tất cả các văn bản đề vận hành Hệ sinh thái; trong đó, nổi bật nhất và là địa phương duy nhất ban hành Quyết định công nhận dự án khởi nghiệp cấp tỉnh và Đề án đào tạo chuyên gia nguồn khởi nghiệp… Gần 10 văn bản ban hành, vượt 800% chỉ tiêu đề ra.
Xây dựng tư duy khởi nghiệp mở. 14 Chương trình hợp tác, trong đó, 3 chương trình cấp tỉnh đã huy động nguồn lực, nhất là đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp hàng đầu về với Quảng Nam, trở thành địa phương dẫn đầu hợp tác về khởi nghiệp. Sáng kiến của Quảng Nam được Bộ Khoa học & Công nghệ chọn làm đầu mối tạo lập mạng lưới khởi nghiệp vùng Miền Trung – Tây Nguyên. Khởi nghiệp xứ Quảng tham gia trách nhiệm và giàu màu sắc tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia tại thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và tham gia Ngày hội khởi nghiệp vùng tại Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Đắk Lắk, Bến Tre,…
- Từ thực tế triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương, xin ông trao đổi thêm về những bài học rút ra và những đề xuất, kiến nghị về quá trình triển khai?
Trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương nhận thấy rằng còn gặp nhiều bất cập trong quy trình, thủ tục triển khai từ cấp trên xuống các hội khởi nghiệp huyện, xã. Phải qua nhiều quy trình làm mất nhiều thời gian.
Trong thời gian qua UBND tỉnh và Ban điều hành cũng tạo cơ hội kết nối sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào siêu thị và các kênh phân phối. Song thực tế, việc tham gia vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại là việc không dễ dàng do các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã…
Hiện tại vẫn đang tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới để các sản phẩm khởi nghiệp được đến tay người tiêu dùng nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm