Đà Nẵng - Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung
Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành các chương trình, kế hoạch, quyết định để triển khai, sớm đưa Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (KNĐMST) quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị, đến năm 2030 “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Cơ sở để triển khai
Để xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST, thành phố đã thành lập Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng; thành lập Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST Đà Nẵng làm đầu mối kết nối mạng lưới hệ sinh thái KNĐMST trong và ngoài nước. Thành phố hiện đã có 01 Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST thành phố; 02 Trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học; 09 vườn ươm; 04 không gian sáng tạo; 09 không gian làm việc chung; 04 Quỹ đầu tư khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường Đại học, Cao đẳng cùng cộng đồng doanh nghiệp KNĐMST. Thành phố cũng đang xúc tiến thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.
Bắt đầu từ năm 2020, thành phố đã hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao năng lực dịch vụ cho KNĐMST, hỗ trợ các vườn ươm triển khai chương trình ươm tạo, tăng tốc với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 850 triệu đồng. Bình quân mỗi vườn ươm đã thực hiện ươm tạo, tăng tốc cho 6 đến 8 dự án KNĐMST/năm. Hiện đã có 163 dự án KNĐMST thương mại hóa được sản phẩm, thành lập 61 doanh nghiệp KNĐMST, trong đó đã có các doanh nghiệp phát triển mạnh, tăng trưởng nhanh, gọi được vốn hàng triệu USD...
Hàng năm, các sự kiện, cuộc thi KNĐMST được tổ chức với quy mô ngày càng lớn và thành phần tham dự đa dạng nhằm phát triển mạng lưới, kết nối các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp được tổ chức. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai nhiều hoạt động kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các đối tác tại thành phố Osaka (Nhật Bản), Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Hoa Kỳ... để trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách khởi nghiệp, quản lý không gian đổi mới sáng tạo, thu hút các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác về KNĐMST.
Giải pháp liên kết vùng
Thành phố đã hình thành và phát triển hệ sinh thái KNĐMST với nhiều thành tố đa dạng được kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Hoạt động KNĐMST của thành phố đã có các kết quả tích cực và đi vào chiều sâu. Năm 2020 và năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã 2 lần nhận được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam vinh danh.
Tuy nhiên, để “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, Đà Nẵng cần thiết phải có những giải pháp phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm liên kết thành phố với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cụ thể như sau:
Một là, đổi mới tư duy và nhận thức đối với các chính quyền địa phương về sự cần thiết dựa vào nhân tố khoa học và công nghệ, ĐMST và nguồn vốn con người để đạt được các mục tiêu phát triển; cho phép thử nghiệm chính sách mới (Sandbox) nhằm thúc đẩy ứng dụng các sáng kiến, mô hình ĐMST và công nghệ mới; khuyến khích văn hóa KNĐMST ở các địa phương.
Hai là, xây dựng cơ chế hợp tác tăng cường liên kết hoạt động KH&CN, ĐMST của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng. Xây dựng bộ khung pháp lý làm nền tảng về liên kết vùng kinh tế.
Ba là, mở rộng và thu hút nguồn tài chính cho các dự án liên kết vùng về KH&CN, ĐMST; Dành nguồn ngân sách cần thiết kết hợp với các nguồn lực tư nhân và nước ngoài để hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp; Thu hút vốn thông qua hình thức hợp tác công tư.
Bốn là, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ. Phát triển các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp KNĐMST trong vùng.
Năm là, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao. Trong đó, quan tâm sớm hình thành Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Có thể bạn quan tâm