Đà Nẵng: Tạo cơ hội thu hút nguồn vốn trong nước và nước ngoài cho startup
Việc hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp về mặt thủ tục, pháp lý,... tại Đà Nẵng thường xuyên được triển khai song đối với nguồn vốn lại đang thiếu, đặc biệt là nguồn vốn từ nước ngoài.
>>Hướng Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Cụ thể hơn, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cho hay số dự án khởi nghiệp của địa phương được tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn rất ít. Điều này đòi hỏi những giải pháp, phương án làm tiền đề để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) phát triển mạnh mẽ hơn trong các năm tới.
Theo bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng trong những năm qua thành phố đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp nước ngoài như Swiss EP, ĐSQ Israel, chương trình Phần Lan IPP. Đồng thời, các nhà đầu tư khởi nghiệp của các nước cũng bắt đầu quan tâm và đánh giá Đà Nẵng là thành phố có sự sôi động về khởi nghiệp. Một số startup tại Đà Nẵng đã nhận được nguồn vốn đầu tư và tài trợ từ nước ngoài như Dat Bike, Selly, Hekate…
“Các dự án khởi nghiệp được tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn rất ít. Điều này đặt ra nhiều trăn trở cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng về việc đưa các startup đến với thị trường quốc tế. Do đó, rất cần một sự đánh giá lại tiềm năng cũng như các cơ hội của hệ sinh thái KNĐMST Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, tạo tiền đề đưa hệ sinh thái này phát triển mạnh mẽ hơn trong các năm tới”, bà Thục nói.
Theo ý kiến của cộng đồng khởi nghiệp, các đơn vị mong muốn địa phương có hoạt động cụ thể về kết nối startup với các nhà điều phối của quỹ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Trong đó, các quỹ đầu tư có thể “show” nguồn vốn có thể chi cho dự án, thời gian, lợi nhuận,... để startup có thể tìm hiểu và tiếp cận.
Tại địa phương, các đơn vị kết nối như Sở Khoa học và Công nghệ, vườn ươm, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp,... sẽ đóng vai trò kết nối cụ thể giữa các bên. Đồng thời, các đơn vị này có thể đóng vai trò xúc tiến, quảng bá mô hình để đưa dự án khởi nghiệp trên địa bàn được lan rộng và tạo điểm nhấn với nhà đầu tư, quỹ đầu tư,...
Ông Võ Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng thông tin thành phố Đà Nẵng tự đặt ra cho mình mục tiêu hình thành thành phố đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp, thân thiện, đặc trưng, tương thích theo xu hướng phát triển của các thành phố lớn trong nước và cả quốc tế. Trong đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ngày càng tạo ra những ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
“Đà Nẵng sẽ thiết lập các chương trình, hành động, dự án phát triển thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vươn tầm khu vực và tham gia mạng lưới thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu. Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành điểm kết nối, thu hút nghiên cứu và phát triển các yếu tố đổi mới sáng tạo”, ông Võ Đức Anh nói và kỳ vọng thông qua các hành động này có thể tìm được nguồn vốn sẵn có cho cộng đồng startup.
Trong khi đó, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết địa phương đã không ngừng nỗ lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với sự hình thành và phát triển không ngừng của các tổ chức hỗ trợ, các cơ sở ươm tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện tại, Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, đồng thời, xây dựng các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: hỗ trợ trực tiếp cho các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ,...
“Thành phố đã chú trọng phát triển cơ sở vật chất cho khởi nghiệp như bố trí trụ sở làm việc và không gian đổi mới sáng tạo trong Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm số 2 của thành phố, tòa nhà làm việc của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố và phối hợp với Bộ KH&CN để thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng. Với những nỗ lực đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố đang ngày càng phát triển, đã có các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá, gọi vốn thành công hàng triệu USD, thành phố cũng đã được Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam - Vinasa vinh danh Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2020 và 2022”, ông Cường cho hay.
Ở cấp độ cao hơn, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) đề xuất Đà Nẵng có chính sách cho phép tiên phong thử nghiệm mô hình, sản phẩm mới tại địa phương. Cụ thể như chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho công nghệ tự động, trí tuệ nhân tạo - AI, tương tác từ xa... Đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, kết nối chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, phân phối, mở rộng thị trường nội địa, xây dựng bản đồ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực...
“Đặc biệt là đào tạo sinh viên, giảng viên trong trường đại học, đào tạo đội nhóm nghiên cứu, lãnh đạo/quản lý, mentor/coach,... và đào tạo thí điểm nguồn nhân lực để tạo thành champion tiêu biểu về KNĐMST”, ông Quất đề xuất.
Có thể bạn quan tâm