Nhiều hạn chế khiến khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng khó thu hút đầu tư
Đà Nẵng có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô, chất lượng,... ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và hợp tác các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế.
>>Bức tranh khởi nghiệp ở Nghệ An: Nhiều gam màu sáng
Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệ đổi mới sáng tạo (ĐMST), TP. Đà Nẵng đã tự đặt ra cho mình những mục tiêu nhất định như hình thành thành phố ĐMST chuyên nghiệp, thân thiện, đặc trưng, tương thích theo xu hướng phát triển của các thành phố lớn trong nước và cả quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy ĐMST, ngày càng tạo ra những ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Cùng với đó, Đà Nẵng đã thiết lập các chương trình, hành động, dự án phát triển thành phố khởi nghiệp ĐMST vươn tầm khu vực và tham gia mạng lưới thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu. Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành điểm kết nối, thu hút nghiên cứu và phát triển các yếu tố đổi mới sáng tạo.
Theo ông Võ Đức Anh - Phó Giám Đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND thành phố phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện thí điểm “Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo ở địa phương” tại 20 tỉnh, thành phố. Tại đây, Đà Nẵng xếp hạng thứ 2 và cũng trong năm này, thành phố lần thứ 2 nhận được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam xét tặng.
“Việc xây dựng Đề án Đà Nẵng - thành phố ĐMST, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là hết sức cần thiết bởi ĐMST là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra các giải pháp, công nghệ và ý tưởng ĐMST, các sản phẩm và dịch vụ mới tăng cường sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, triển khai các dự án đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm mới cho cộng đồng. Điều này sẽ giúp thành phố tăng cường sự cạnh tranh và thu hút nghiên cứu, đầu tư và phát triển các yếu tố đổi mới sáng tạo. Đồng thời, xây dựng thành phố ĐMST có thể tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp truyền thống và cung cấp các cơ hội mới cho các ngành công nghiệp sáng tạo như công nghệ thông tin, nghệ thuật truyền thông, thiết kế...”, ông Võ Đức Anh nói.
Đồng thời, vị này cũng cho rằng ĐMST giúp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường như giao thông, năng lượng và quản lý tài nguyên. Đà Nẵng cần phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực chuyên môn, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch Vườn Ươm doanh nghiệp Đà Nẵng nhận thấy Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành Điểm cầu quốc gia trong kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, ông Chương cũng cho rằng địa phương cân lưu ý một số thách thức cần vượt qua để đạt được mục tiêu này.
Trong đó, ông Chương cho hay Đà Nẵng có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô, chất lượng,... Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút và hợp tác hiệu quả với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế.
“Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Năng lực của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp còn hạn chế về nguồn lực, kinh nghiệm,... Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng kết nối Đà Nẵng với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Cộng đồng khởi nghiệp ĐMST còn nhỏ và chưa đủ mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và khả năng kết nối Đà Nẵng với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế”, ông Chương lý giải.
Về các giải pháp, ông Chương đề xuất Đà Nẵng cần tăng cường đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy hợp tác giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Song song là đẩy mạnh hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, đảm bảo đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Đà Nẵng cần tăng cường năng lực của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như nâng cao nguồn lực, kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, mở rộng mạng lưới đối tác. Để phát triển cộng đồng khởi nghiệp ĐMST, cần tập trung vào các hoạt động như tổ chức các sự kiện, hoạt động kết nối, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức và doanh nghiệp trong thành phố, Đà Nẵng có thể vượt qua những thách thức và trở thành Điểm cầu quốc gia trong kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế”, ông Chương nói.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cũng đề xuất Đà Nẵng cần có chính sách cho phép tiên phong thử nghiệm mô hình, sản phẩm mới tại địa phương. Cụ thể hơn, vị này cho rằng cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho công nghệ tự động, trí tuệ nhân tạo - AI, tương tác từ xa...
Cùng với đó, ông Quất cũng đề xuất Đà Nẵng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, kết nối chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, phân phối, siêu thị. Đồng thi, địa phương có chính sách mở rộng thị trường nội địa, thúc đẩy sản phẩm OCOP địa phương và xây dựng bản đồ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực...
Có thể bạn quan tâm