Sa Pa - Chợ tình ai bán mà mua...?
Mùi rượu cay nồng, tiếng kèn lá, tiếng sáo và cả tiếng khèn dìu dặt tha thiết… Đêm cứ thế trôi và để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng những du khách lần đầu tới Chợ tình Sapa.
Thị xã Sa Pa có một phiên chợ nổi tiếng, được khách du lịch những năm đầu của thế kỷ 19 gán cho nó một cái tên là "Chợ Tình".
Đã gọi là chợ thì ở đó phải có người mua, kẻ bán. Nhưng cái "Tình" ở đây thì không ai bán, cũng chẳng ai mua, mà chỉ đơn giản là trước đây "phiên chợ" là dành cho những người yêu nhau lấy chợ làm nơi hò hẹn.
Bởi vậy, nôm na có thể hiểu chợ tình Sa Pa là nơi hò hẹn, trao gửi tình cảm, cử chỉ yêu thương diễn ra ở chợ theo phong tục, tập quán tùy từng địa phương. Điều này cũng dễ hiểu vì đối với đồng bào dân tộc vùng cao, chợ là đầu mối, là điểm nút của hầu hết những sinh hoạt văn hóa.
Theo thời gian, chợ tình Sa Pa - phiên chợ của người dân tộc vùng cao đã có nhiều thay đổi. Trước đây, chợ tình Sa Pa mỗi năm chỉ họp 1 lần vào ngày 29/3 âm lịch, ngày nay, phiên chợ tình Sa Pa không chỉ là nơi hẹn hò của đôi lứa mà còn là điểm du lịch độc đáo và thu hút đông đảo du khách mỗi khi đến với Sa Pa nên phiên chợ đều đặn diễn ra vào mỗi thứ tối thứ 7 và sáng chủ nhật hàng tuần.
Người dân tộc Mông, Dao ở Sa Pa trước đây cả năm quần quật trên nương, rẫy. Sáng ngủ dậy mắt vướng núi, bước chân khỏi nhà là vướng đá, cây rừng. Vì vậy chỉ có một ngày để dứt ra dành trọn vẹn cho tình yêu đôi lứa.
Vào ngày chợ, chỉ với tiếng khèn, điệu múa trai gái tìm nhau giữa chợ, vợ gặp người yêu cũ, chồng tìm bạn gái xưa. Chỉ một ngày thôi rồi ai về nhà nấy, đôi nam nữ nào tìm thấy nhau thì về lo đám cưới, ai chưa tìm thấy nhau lại nuối tiếc chờ cơ hội lần sau. Hết buổi chợ tình, họ lại quần quật vì miếng cơm manh áo. Thương nhau, nhớ nhau phải chờ đến tận năm sau.