Làng cháo vịt Thạch Tân cũ (nay là xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) nổi tiếng với các món ăn từ vịt hàng chục năm nay. Mỗi năm dịp Tết Đoan Ngọ (5/5), hai bên đường Nguyễn Xí luôn chật kín thực khách đến thưởng thức các món ăn được chế biến từ vịt.
Thế nhưng, năm nay xã Tân Lâm Hương là một trong những địa phương tại hà Tĩnh đang thực hiện cách ly y tế từ ngày 9/6 do ghi nhận 5 ca dương tính với COVID-19. Theo đó, làng vịt thuộc thôn Thắng Hòa và Trung Hòa cũng nằm trong vùng phải cách ly.
Chị Trần Thị Hiếu, chủ nhà hàng Hiếu Thảo buồn bã: “Cả tháng nay, nhà hàng đã chuẩn bị chu đáo mọi công đoạn để đón khách dịp Tết Đoan Ngọ. Không ngờ gần đến ngày chúng tôi nhận lệnh cách ly y tế do dịch bệnh. Đóng cửa vào thời điểm này sẽ thiệt hại rất lớn nhưng chúng tôi phải chấp hành để đồng hành cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh”.
Theo chị Hiếu, dịp Tết đoan ngọ những năm trước, nhà hàng của chị tiêu thụ từ 600 - 700 con, thu về gần 100 triệu đồng, năm nay buộc phải đóng cửa. “Khách hàng của chúng tôi ngoài người địa phương còn có khách từ các vùng khác như TP. Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên... Tuy nhiên, hiện tại TP. Hà Tĩnh cũng đang thực hiện cách ly y tế, tại chốt kiểm soát đường Nguyễn Xí nối Tân Lâm Hương với TP. Hà Tĩnh không được trao đổi thực phẩm nên nhiều người dân thành phố đặt mua về nhà ăn ngày tết mà không thể giao hàng”.
Được biết, xã Tân Lâm Hương hiện có gần 20 nhà hàng phục vụ các món ăn về gà, vịt. Tại thời điểm này, hầu hết đều phải đóng cửa, nhiều nhà hàng buộc phải chuyển sang bán hàng online hoặc bán đem về.
Nhiều nhà hàng treo biển không phục vụ tại quán, chỉ nhận ship hoặc bán đem về.
Không chỉ các nhà hàng lâm cảnh đìu hiu, các cơ sở chăn nuôi vịt cũng ế ẩm trong ngày Tết do phải thực hiện cách ly đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Để chuẩn bị cho dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, gia đình ông Trần Viết Sơn (thôn Bình Tiến, xã Tân Lâm Hương) đã nuôi hơn 1.000 vịt con để phục vụ cho các nhà hàng trên địa bàn. Hiện toàn bộ số vịt này đã đến kỳ xuất bán nhưng dịch bệnh bất ngờ bùng phát, cả làng nằm trong vùng cách ly nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Ông Sơn lo lắng: “Hiện tôi có khoảng 1.000 con vịt đã đến kỳ xuất bán, mỗi con đạt khoảng 2,5 - 3,5kg, giá giao động từ 75.000 - 100.000 tùy trọng lượng. Những năm trước tôi nhập cho các nhà hàng trên địa bàn, nhưng năm nay dịch bệnh các nhà hàng đều đóng cửa hết. Giờ chỉ có thể bán cho những gia đình xung quanh, ai đặt mua thì tôi sẽ làm thịt và giao tận nhà”.
Cũng theo ông Sơn, nếu bầy vịt này không thể xuất bán, mỗi ngày gia đình ông chịu lỗ khoảng 2 triệu đồng. “Đầu tư cả trăm triệu mong đến ngày này bán kiếm lời nhưng giờ chấp nhận chịu lỗ chứ chưa nói đến việc thu hồi vốn. Bán loanh quanh cho bà con xóm làng nhiều lắm cũng chỉ được khoảng 100 con thôi”, ông Sơn nói.
Có thể bạn quan tâm
Hà Tĩnh: Người đứng đầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch
12:08, 13/06/2021
Hà Tĩnh: Xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, một cơ sở sản xuất bún bị phạt 64 triệu đồng
17:30, 12/06/2021
Hà Tĩnh huy động cả hệ thống chính trị dập dịch COVID-19
04:13, 12/06/2021
TÂM ĐAN