Cần Thơ: Tìm giải pháp giúp 1/3 doanh nghiệp “èo uột” trong năm 2018 vươn lên
Đó là lời chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống tại buổi Tọa đàm đối thoại chính quyền và doanh nghiệp vào ngày 8/1.
Ông Thống đánh giá, năm 2018 địa phương đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đáng chú ý là tốc độ tổng sản phẩm (GRDP) đạt khá cao, trên 7,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cán mốc 2 tỷ USD, doanh nghiệp thành lập mới đạt kế hoạch đề ra…
“ răn trở của địa phương là số lượng doanh nghiệp làm ăn phá huề, thua lỗ năm 2018 còn đến 2.234,chiếm 1/3 doanh nghiệp đang hoạt động, nếu phần lớn doanh nghiệp này phát triển thì tốc độ tổng sản phẩm (GRDP) của địa phương sẽ là con số ấn tượng hơn, song song đó là tỷ lệ lao động có việc làm và thu nhập của người dân sẽ còn cao hơn chứ không còn ở mức 80,48 triệu đồng/người/năm. Do đó, việc tìm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vực dậy sản xuất kinh doanh được xem là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong năm 2019 và các năm tiếp sau”, ông Thống chia sẻ.
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT TP.Cần Thơ, năm 2018, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 7,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tỷ trọng khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 60%, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 8,15%, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt trên 120.000 tỷ đồng. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư do địa phương tổ chức đã ghi nhận 19 dự án nghiên cứu đầu tư với số vốn trên 85.000 tỷ đồng, qua đó đã có 5 dự án với số vốn gần 17.000 tỷ đồng đã được trao quyết định chủ trương đầu tư.
Trong năm đã có 1.395 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 7.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 7.856 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục thuế, số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ năm 2018 tuy có giảm hơn 356 doanh nghiệp so với năm 2017 nhưng con số 2.234 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ chiếm 1/3 số doanh nghiệp đang hoạt động là con số đáng quan tâm.
Tại buổi đối thoại đã có hàng chục doanh nghiệp trực tiếp nêu lên những vướng mắc của doanh nghiệp mình đang gặp phải, ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp khác cũng đã gởi kiến nghị đến cơ quan chức năng địa phương nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp mình.
Cụ thể: Một số doanh nghiệp thủy sản và chế biến thực phẩm kiến nghị Chính quyền có phương thức hỗ trợ để doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp cho việc mở rộng đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng và công nghệ thay thế lực lượng lao động phổ thông trong tương lai.
Theo các doanh nghiệp này, họ còn gặp khó khăn trong việc đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động do nộp hồ sơ bằng đường bưu điện nên khi có sửa đổi điều chỉnh thì rất lâu, mất nhiều thời gian, hướng dẫn không cụ thể khó thực hiện.
Một số doanh nghiệp may mặc thì đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành may mặc vì chủ yếu kinh doanh gia công, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, an sinh xã hội.
Đáng chú ý là các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực môi trường.
Doanh nghiệp chế biến thực phẩm như trứng muối, rau quả, rác thải là vỏ trứng vịt, vỏ trái cây nếu đối với hộ gia đình thì chỉ là rác thải hữu cơ sinh hoạt bình thường nhưng đối với công ty thì theo áp đặt của cơ quan chức năng nó trở thành rác thải công nghiệp. Hiện nay ở Cần Thơ chưa có công ty có chức năng thu gom rác thải công nghiệp nên các công ty ở Cần Thơ phải liên hệ công ty ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Do khoảng cách xa nên chi phí rất cao hàng trăm lần với mức xử lý từ 2.900 - 3.500 đồng/kg làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cho biết: Ban quản lý đã từng hỗ trợ tìm đơn vị thu gom rác thải côn
g nghiệp cho công ty trong Khu công nghiệp (KCN) nhưng giá tối thiểu cũng đến 1.600 đồng/kg. Biết được khó khăn của doanh nghiệp, Ban Quản lý cũng đã kêu gọi đầu tư và thu hút được Công ty Cổ phần môi trường Tây Nam Bộ đầu tư xây dựng “Khu liên hợp tái chế - xử lý chất thải Tây Nam Bộ” tại KCN Trà Nóc 2.
Tuy nhiên, do KCN Trà Nóc 2 không nằm trong quy hoạch địa điểm xử lý chất thải chung của thành phố nên Công ty Cổ phần môi trường Tây Nam Bộ đã có văn bản xin UBND thành phố chọn địa điểm và phê duyệt cho công ty triển khai thực hiện. Nếu được UBND thành phố chấp thuận thì trong năm 2019 sẽ giải quyết được vấn đề vướng mắc đối với rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại của xí nghiệp và của các doanh nghiệp trong thành phố Cần Thơ nói chung.