Ươm vẫn chưa tạo
Dù được hỗ trợ nhiều mặt, nhưng các doanh nghiệp ở Cần Thơ vẫn chưa tận dụng được lợi thế của vườn ươm để bứt phá.
Công ty Phạm Nghĩa T&N (Cần Thơ) là đơn vị duy nhất trong số 40 doanh nghiệp được ươm tạo thành công sau hai năm tại Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP- Korea Viet Nam Incubator Park) với sản phẩm chả cá thát lát nhân trứng muối.
Tín hiệu mờ nhạt
Nói về vị thế và thành công ở vườn ươm công nghệ của doanh nghiệp mình, ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Phạm Nghĩa T&N nói: “Cái được nhất là nhờ các chuyên gia ở trường Đại học Cần Thơ tư vấn, quá trình nghiên cứu được đẩy nhanh và hoàn thiện”.
Cái được thứ nhì là nhờ trùng với lĩnh vực đầu tư của KVIP và được trung tâm này hỗ trợ trang thiết bị sẵn có giúp hoàn thiện quá trình chế biến sản phẩm. Và hiện nay công ty tiếp tục mở rộng nhà máy, nâng công suất chế biến từ 3 tấn/ngày lên 30 tấn trong vài năm tới.
Được xây dựng từ cuối tháng 11/2013 tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, phường Phước Thới, quận Ô Môn (Cần Thơ), KVIP có tổng số vốn đầu tư trên 21 triệu USD. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc là gần 17,7 triệu USD. Nguồn vốn đối ứng của Việt Nam do UBND thành phố Cần Thơ bố trí từ ngân sách hàng năm khoảng 3,4 triệu USD. KVIP vận hành theo công thức: thiết bị Hàn Quốc + chuyên gia bản xứ, nhờ đó họ không mất nhiều thời gian, nhân lực, tốn phí cho hoạt động nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hai năm ươm tạo, chỉ có một doanh nghiệp “tốt nghiệp”, so với con số 40 doanh nghiệp ban đầu thì đó là kết quả không như mong muốn. TS Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, từng là hiệu trưởng một trường đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kinh tế nhận xét, kết quả như vậy là “hẻo” quá!
Nếu vườn ươm biết cách truyền thông thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tham gia hơn
Phải làm sao trước thực trạng này? Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP ái ngại trước kết quả không như mong đợi. Theo ông, có cái khó khi mời gọi doanh nghiệp vào vườn ươm. Vườn ươm chỉ ươm tạo 3 lĩnh vực (chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí). Điều kiện để doanh nghiệp tham gia ươm tạo là phải có ý tưởng sản phẩm mới, liên quan đến 3 ngành này. Bên cạnh đó, việc quảng bá, giới thiệu vườn ươm còn chưa mang tính hệ thống, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận các doanh nghiệp tiềm năng; Có chính sách ưu đãi, nhưng vẫn gặp khó khi triển khai do chưa có cơ chế đồng bộ và cuối cùng là đội ngũ nhân viên tham gia KVIP tuy trẻ, nhiệt tình, nhưng chưa có kinh nghiệm trong quản lý, vận hành một cơ sở quy mô lớn", ông Quốc nói thêm.
Mọi thứ vẫn lơ lửng
Đã hai năm trôi qua, dù chính sách, cơ chế đặc thù phát triển KVIP được Thủ tướng Chính phủ cho phép như: Miễn phí văn phòng làm việc (không quá 60m2); Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê máy móc, thiết bị của vườn ươm; Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu làm chủ công nghệ, mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng trong quá trình thực hiện nghiên cứu thí điểm tại các cơ sở phòng thí nghiệm của vườn ươm… Song, các doanh nghiệp vẫn chưa hăng hái vào cuộc.
Chính phủ cũng hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để UBND TP Cần Thơ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nới rộng vườn ươm lên 200 ha để thu hút doanh nghiệp.
Trên thực tế, tiến độ tiếp nhận, lắp đặt, đưa vào vận hành các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu ươm tạo của doanh nghiệp tại đây quá chậm, dù tổng giá trị thiết bị chỉ khoảng 2,02 triệu USD (tương đương 44,24 tỷ đồng) trong tổng dự toán 5 triệu USD. ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng cho biết, ông đã đăng ký ươm tạo hơn một năm rồi mà hiện tại vẫn chưa biết chắc chắn mình sẽ được hưởng ưu đãi gì tại vườn ươm này.
Anh Nguyễn Trường Chinh, chủ cơ sở Chả hoa Năm Thụy (Trà Vinh), tham dự hội thảo và tham quan KVIP đánh giá: cơ sở vật chất, thực phẩm ở đây có đủ hết, rất tốt, nhưng thủ tục, cách tiếp cận như thế nào thì chưa rõ, chưa biết chi phí bao nhiêu? ĐBSCL có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ còn thiếu thốn kiến thức, công nghệ, máy móc… rất cần vườn ươm hỗ trợ. “Nếu vườn ươm biết cách truyền thông, lôi kéo các đối tượng này thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tham gia hơn”, anh Chinh nói.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thành phố được đánh giá là thủ phủ miền tây, nhưng theo Báo cáo chỉ số Thương mại Điện tử Việt Nam (EBI 2017), khảo sát doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ về chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam thực hiện, Cần Thơ đứng thứ 11 trong số những địa phương được khảo sát, với chỉ 17,3 điểm. Trong khi đó, Hà Nội là 93,7 điểm và TP.HCM là 85 điểm.
Năm 2017, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT INDEX) của TP Cần Thơ đứng trong top 10, xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố tăng 7 bậc so với năm 2016. Năm nay, TP Cần Thơ trình Chính phủ phê duyệt thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung với quy mô 20 ha tại quận Cái Răng. Tại đây hạ tầng CNTT được đầu tư, nâng cấp mở rộng, mạng truyền số liệu chuyên dùng được hoàn thiện và đã triển khai đến 100 % xã, phường, thị trấn, các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội... Có thể nói, nơi đây là khu vực thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và là nền tảng thiết kế cho thành phố thông minh.
Ở thành phố Cần Thơ, 661 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, doanh thu năm 2017 trên 3.000 tỷ đồng, nhưng nếu tính với hệ thống đào tạo nguồn nhân lực gồm 187 trường có giảng dạy tin học, trong đó có 7 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành CNTT với khoảng 1.140 sinh viên tốt nghiệp trong 1 năm, mới thấy nguồn lực không phải nhỏ.
Chủ một doanh nghiệp nói: “Làm ăn nhỏ nên chưa có người lo IT, chưa rành kỹ thuật số và chưa nghĩ tới thương mại điện tử, và cũng chưa tìm tới vườn ươm, vì chưa có ý tưởng gì mới”. Nếu đây là trường hợp phổ biến thì đó là bi kịch của hội chứng “ếch luộc” khi nhiệt độ thương trường nóng lên từng ngày.