Kỳ cuối: Lấy doanh nghiệp là trung tâm thu hút các vệ tinh
“Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC cũng không nên cứng nhắc mà phải làm từng phần, từng khâu để đạt chất lượng. Chúng ta không nên lấy số lượng phát triển mô hình là bao nhiêu mà cần đặt chất lượng sẽ như thế nào” - Đây là khẳng định của ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nghệ An khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề tìm lối đi cho nông nghiệp ứng dụng CNC ở Nghệ An trong thời gian tới.
- Quan điểm của ông như thế nào về nông nghiệp ứng dụng CNC?
Lâu nay, chúng ta thường có suy nghĩ cứng nhắc về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là phải đầu tư máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến mới làm được. Điều này chưa hẳn vì phải phụ thuộc vào từng khâu, từng giai đoạn cụ thể. Đâu cứ phải làm nhà lưới mới là ứng dụng CNC vào nông nghiệp? Nếu làm như vậy thì khác nào dùng búa tạ để đập ruồi?
Thực tế, chúng ta phải lựa chọn từng đối tượng, từng vùng miền để áp dụng. Và phải làm từ cao xuống thấp, từ miền núi làm xuống miền xuôi. Dựa vào khí hậu, thổ nhưỡng đất đai mà làm từng khâu, từng phần cho tốt chứ không nên làm đại trà, đầu tư ồ ạt.
- Vậy, đối tượng nào thì nên đầu tư vào lĩnh vực này thưa ông?
Nhà nước cần phải ưu tiên cho doanh nghiệp đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật, thị trường bao tiêu sản phẩm để khuyến khích họ tham gia. Chúng ta cần lấy doanh nghiệp để làm trung tâm thu hút các vệ tinh thu hút các mô hình hợp tác xã, nông dân…tham gia.
Nghĩa là, các hợp tác xã nhỏ lẻ chỉ cần làm tốt từng khâu cho chất lượng rồi liên kết với doanh nghiệp. Đơn cử, hợp tác xã A làm tốt khâu tuyển chọn giống, hợp tác xã B sẽ làm khâu gieo trồng, cơ giới hoá…rồi doanh nghiệp đứng ra làm “bà đỡ” sẽ tốt hơn. Tương tự, người dân cũng sẽ xoay quanh vệ tinh của doanh nghiệp để thực hiện.
Hợp tác xã kết nối với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ và lựa chọn một khâu nào đó để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Thực tế, để triển khai chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi quy trình rất chặt chẽ. Chính vì vậy, lựa chọn doanh nghiệp đủ tầm sẽ có “đề kháng” tốt hơn bởi họ có năng lực tài chính, tìm được thị trường tốt hơn...
- Nghĩa là phải chuyên nghiệp hoá?
Đúng vậy. Làm được như thế chúng ta sẽ tránh được rủi ro về sâu bệnh ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra sản phẩm. Ở các tỉnh như Đà Lạt, Nam Định, Sơn La... họ cũng đã làm như vậy và rất thành công. Các tỉnh họ đã triển khai ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng thuỷ canh, khí canh cho ra những nông sản sạch, an toàn về chất lượng lại cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Thực ra, ngành nông nghiệp ứng dụng CNC đã xuất hiện rất sớm ở Nghệ An. Tuy nhiên, chúng ta đang triển khai một cách manh mún, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp. Trừ các tập đoàn kinh tế lớn như TH họ đã ứng dụng CNC vào nông nghiệp như chăn nuôi bò, sản xuất rau sạch ở vùng Phủ Quỳ rất thành công vì các khâu ứng dụng rất chuyên nghiệp.
- Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cũng cần phải làm những gì?
Bên cạnh triển khai hiệu quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, chúng ta phải chú trọng xây dựng thương hiệu. Đây là yếu tố quan trọng để sản phẩm làm ra đứng vững trên thị trường.
Chúng ta phải tạo mối liên kết chuỗi từ nông dân đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mà làm được điều đó cần phải tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm cho tốt.
Điều này cũng cần phải dựa vào doanh nghiệp. Các hợp tác xã sẽ đứng ra kết nối với doanh nghiệp vì họ có đủ năng lực để kết nối với thị trường bên ngoài.
- Thế còn nhà nước cần phải làm gì thưa ông?
Nhà nước phải mang tính khâu nối trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm. Nhà nước không nên để doanh nghiệp, người nông dân “tự bơi” khiến tình trạng sản phẩm rất dễ đánh đồng giữa bẩn và sạch.
Ngoài ra, nhà nước phải cụ thể hoá các chính sách, cơ chế ưu tiên đối với doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC. Vấn đề này ở Đà Lạt họ làm rất bài bản, nhanh gọn. Ngay như chi phí để phân tích về thổ nhưỡng, khí hậu, ở Đà Lạt họ đã hỗ trợ 100% khi doanh nghiệp vào đầu tư.
Ở Nghệ An, chúng ta mới chỉ hỗ trợ về thủ tục để công nhận thương hiệu sản phẩm sạch, VietGAP…
Hy vọng đề án và quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì sẽ được triển khai toàn diện, đầy đủ hơn.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng để Nghệ An có thể phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC?
So với hiệu quả để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thì Nghệ An chưa thể bằng các tỉnh như Sơn La hay Đà Lạt được.
Tuy nhiên, các tỉnh này lại không có những điều kiện như Nghệ An. Đơn cử, Nghệ An có ưu thế thuộc vùng đa dạng tiểu khí hậu, đa dạng sinh học nên tạo sự khác biệt về đặc sản sản phẩm vùng miền.
Dựa vào những yếu tố này, doanh nghiệp phải nghiên cứu, lựa chọn đặc trưng riêng để ứng dụng cho hiệu quả. Đặc biệt, doanh nghiệp phải biết lựa chọn ứng dụng từng khâu sao cho phù hợp với vùng miền mới phát triển bền vững được.
- Xin cảm ơn ông!