Hai chuyện chưa kể hay giới hạn của một vùng kinh tế
Làm thế nào để phát huy cực hạn sức mạnh liên kết của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam - cốt lõi của vùng đất đỏ “miền Đông anh dũng kiên cường”? Câu hỏi này chắc chắn được đặt ra không phải chỉ ở bây giờ, càng không phải chỉ để xác lập một không gian kinh tế với những giới hạn.
Tầm vào khoảng đầu tháng 9, 10/2017 Ban Tổ chức Diễn đàn Đông Nam Bộ 2017 - Ban Kinh tế TW và VCCI - được sự đồng ý của Văn phòng Ban Bí thư TW Đảng đồng ý cho phép phối hợp và cùng UBND các tỉnh vùng Đông Nam Bộ tổ chức sự kiện Diễn đàn Thường niên lần thứ 2, tôi được phân công đi làm việc, trao đổi cùng cố vấn chính của chương trình, người đã cố vấn chương trình Diễn đàn Thường niên lần I/2016, TS Vũ Thành Tự Anh.
“Ngồi lại với nhau”
TS Tự Anh có chia sẻ riêng với tôi một ý: Hệ thống thể chế Việt Nam hiện tại đã có một sự phân quyền và trao quyền đầu tư cho địa phương khá đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta lại đang vướng mắc ở chỗ vì được phân quyền rồi, trong giới hạn rồi, chịu trách nhiệm rồi nên cứ… tỉnh nào cũng chỉ lo cho tỉnh đó. “Nếu ngồi lại được, mỗi năm, nếu các tỉnh cùng đồng lòng thống nhất “xin” đầu tư ưu tiên cho một dự án trọng điểm nào đó về hạ tầng, ví dụ, năm tới gom vốn ưu tiên cho dự án tỉnh A, năm sau gom ưu tiên tập trung vốn cho dự án tỉnh B… thì chắc chắn không xa trong vài năm, cơ sở hạ tầng liên kết các tỉnh trong vùng kinh tế sẽ hoàn thiện. Sẽ không có chuyện tỉnh này muốn mở đường đến tuyến N, nhưng tỉnh kia lại muốn mở đường đến tuyến Z và nhất định không kết nối N, vừa lãng phí, kém hiệu quả, vừa phản tác dụng tư duy kinh tế vùng”…
“Ngồi lại với nhau” thực tế là điều mà các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mỗi năm vẫn thực thi. Các sự kiện thể hiện tính liên kết trong vùng cũng đang khá dày. Bản thân vùng kinh tế còn có riêng một hội nghị, đã được tổ chức 2 năm, một Hội đồng Vùng đã được lập và đang đề xuất cơ chế hoạt động… Nhưng tất cả trước hết vẫn đang nằm ở chỗ hình thức. Dĩ nhiên, bên cạnh đó là đã xuất hiện những liên kết tự nguyện trong bắt buộc của phát triển, vì không thể không liên kết để cùng nhau đi lên, một cách chất lượng.
Rõ ràng, vẫn còn đó những “giao lộ” để ngỏ, khó cắt nhau, liền lạc hoặc liên thông nhau, mà chúng ta kỳ vọng và nôm na gọi là “liên kết”…
“Đông Nam Bộ lớn hơn nhiều”…
Cũng trong khoảng thời gian được làm việc, trao đổi cùng các chuyên gia kinh tế, tôi đảm trách nhiệm vụ… nhắn tin nhắc TS Trần Du Lịch. Sợ ông Lịch… quên, tôi nhắc nhiều đến nỗi không lâu trước khi trước Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ, chính thức điểm giờ G, ông Lịch chia sẻ qua điện thoại: “Thật ra mà nói, muốn viết thật đúng chất nghiên cứu khoa học kinh tế, đầy đủ và nghiêm túc về Đông Nam Bộ, tôi cần thời gian không chỉ vài tháng. Đông Nam Bộ lớn hơn nhiều. Lớn hơn cái ranh giới 6 tỉnh của Kinh tế trọng điểm phía Nam mà chúng ta đang đặt ra. 6 tỉnh hay 8 tỉnh là chưa đúng. Và cũng chưa đủ!”.
Điều ông Lịch chia sẻ, quả khớp với những Ban Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ, đến tận năm thứ 2 của chương trình thường niên, phải băn khoăn. Mặc dù, trong quá trình tổ chức Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ, ngay từ năm đầu tiên, với chỉ đạo của Ban Kinh tế TƯ, sự chỉ đạo của VCCI, sự tham vấn đầy nhiệt thành của nguyên Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Giảng dạy Kinh tế Fulbright nay là Giám đốc Nghiên cứu của Trường ĐH Fulbright, Diễn đàn đã được xác lập sẽ tuân theo và “vạch” ranh giới phạm vi liên kết vùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các văn bản, quy định của Chính phủ quy định giới hạn vùng, phân vùng, các tỉnh thuộc vùng tới đâu, Diễn đàn “liên kết”tới đó.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó, nếu xét nội hàm “Đông Nam Bộ” gồm 9 tỉnh miền Đông trong truyền thống, cùng sự nhiệt thành của Lãnh đạo và các doanh nghiệp tỉnh lẫn thực tế liên kết kinh tế - giao thương của Lâm Đồng, Diễn đàn lần 1 đã có sự “mở rộng”. Và 2017, tại Diễn đàn Thường niên lần 2, cũng đã xuất hiện những quan điểm chắc chắn khiến các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách muốn được lắng nghe, cân nhắc lại: 1 trong 8 tỉnh của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, họ thuộc phân vùng kinh tế Tây Nam Bộ - xét cả về mặt địa lý, liên kết địa lý, liên kết phát triển kinh tế - đầu tư - giao thương…
Vẫn biết ranh giới “lõi” 6 tỉnh Đông Nam Bộ trước đây, 9 tỉnh mở rộng, hay 8 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đều chỉ ranh giới phân vùng được xác lập để “khoanh” lại một khu vực và đó là cơ sở để xác định những đối tượng chịu hay nhận sự điều chỉnh của các quy định. Việc liên kết các tỉnh, vùng, khu vực lại với nhau, cơ bản mục tiêu cũng là để nhằm gia tăng, phát huy và thúc đẩy trước hết sức mạnh nội hàm của từng phân khu, từ đó lan tỏa mà nằm trong thể thống nhất của một nền kinh tế. Ranh giới nào cũng không phải là đông cứng hoặc cố định, duy nhất. Nhưng chừng nào vẫn còn những băn khoăn, những “vết mờ” trên nếp nhăn bộ tiêu chí xác lập dành cho một vùng kinh tế, dù chỉ ở góc độ ranh giới phân vùng vốn không đông cứng, thì chừng đó, hẳn độ chính xác của các chính sách, mục tiêu, động lực phát triển cho vùng… vẫn còn còn bị giới hạn.