Nhiều vấn đề "nóng" tại Tọa đàm mùa Xuân 2018
Tọa đàm Mùa Xuân 2018 giữa Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TP Đà Nẵng với đại diện gần 500 doanh nghiệp trên địa bàn vừa diễn ra với nhiều vấn đề "nóng" được mổ xẻ.
Doanh nghiệp cần nhiều hơn sự đồng hành của chính quyền
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng mở đầu trình bày các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách xây dựng kết cấu hạ tầng – giao thông, về quỹ đất cho hoạt động doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, chiến lược phát triển ngành du lịch của TP Đà Nẵng… Trước đó, VCCI đã gửi chi tiết bảng kiến nghị các vấn đề đến Thành ủy Đà Nẵng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Cùng chung quan điểm này, ông Peter Ryder - Tổng giám đốc Công ty Indochina Cappital - một trong những người Mỹ đóng góp sớm cho sự phát triển của TP từ những năm 1992 (hiện làm việc tại Furama) khuyến nghị, Đà Nẵng nên tiếp tục tập trung phát triển du lịch vì đây là một ngành công nghiệp quan trọng. Khi được phát triển đúng đắn sẽ có tác động tích cực với TP và môi trường. “Hiện du lịch đóng góp 25% vào kinh tế thành phố nhưng tác động này sẽ phát triển cấp số nhân, Đà Nẵng hãy phát triển một ngành du lịch thân thiện và bền vững”, ông Peter nhìn nhận và đề xuất: chúng ta cần tập trung các nguồn lực để xây dựng hạ tầng và giữ gìn, bên cạnh đã có những tác động đối với môi trường và tác động vật lý nên phải cần một quy hoạch tổng thể.
Ông cũng nghĩ là việc xây dựng các tòa nhà 40 - 50 tầng ven biển là không tốt cho môi trường và chắn tầm nhìn. Ngoài ra, Giám đốc Indochina Cappital cũng yêu cầu cải thiện về thủ tục hành chính, giảm tệ quan liêu mà theo ông là kể cả ở Mỹ cũng phải đặt ra tiêu chí này "Tính minh bạch vô cùng quan trọng mà doanh nghiệp cần đối với chính quyền" - vị doanh nhân này nhắc đến việc một thủ tục triển khai dự án đầu tư cũng phải mất đến từ 9-10 tháng.
Trong khi đó, một đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, ông Takizawa Satoru – Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Nhật Bản lại kỳ vọng TP có thể giải quyết được câu chuyện nhân lực, đặc biệt lĩnh vực sản xuất. Ông cho biết, nhiều nhà máy đã nghĩ đến việc dời đến các nơi khác vì không có nhân lực. Ông đề xuất cải thiện môi trường sống của công nhân và các nhà đầu tư. “Chúng tôi sẽ hết lòng hết sức trong kỹ thuật và hoạt động doanh nghiệp nhưng chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ của chính quyền” - ông Takizawa Satoru chia sẻ.
Ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng thì đưa ra những con số cho thấy sự phát triển ngoạn mục của du lịch đồng thời cũng đang đặt ra những thách thức do phát triển quá nóng. Ông đặt câu hỏi vì sao du khách đến Đà Nẵng? Rồi kết luận lợi thế so sánh của ngành du lịch Đà Nẵng, điều thu hút du khách chính là cảnh đẹp tự nhiên, văn hóa, ẩm thực…Từ đó, khuyến nghị chính quyền không nên chủ trương xây dựng phát triển du lịch theo hướng bê tông hóa, từ bỏ sở trường mà lựa chọn sở đoản, nên phát triển du lịch đảm bảo xanh - sạch - đẹp và xu hướng bền vững. Ngoài ra, sự cạnh tranh thiếu bình đẳng cũng được ông nhắc đến, điều này không khuyến khích các doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ, chiến lược phát triển thiếu kết nối với Hội An, Huế…
Theo đó, nên điều chỉnh quy hoạch du lịch có sự tham gia của cộng đồng, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch (liên kết…), mở rộng không gian văn hóa, vui chơi giải trí cho du khách (đường sách, chợ đêm, phố đi bộ, viện bảo tàng,..), mở rộng thị trường, xây dựng các điểm giải trí.
Ông Đặng Minh Trường – Tổng giám đốc Sungroup lại có 3 đề nghị đề TP tiếp tục phát triển: Thứ nhất: mở thêm các đường bay; thứ hai: chính sách miễn thị thực 5 nước Châu Âu là một bước lùi TP nên cần có tiếng nói với Chính phủ để tiếp tục miễn thị thực; thứ ba, tạo điều kiện, cơ chế khuyến khích xã hội hóa, nhân lực năng lực cao; thứ tư, quảng bá bài bản để Đà Nẵng thực sự là điểm đến một lần trong đời như Thủ tướng nói.
“Chúng tôi sẽ đồng hành cùng quỹ hỗ trợ chiến dịch truyền thông ở nước ngoài”, ông Trường cho biết.
“Lợi cho doanh nghiệp dù nhỏ cũng phải làm”
Ông Nghĩa rất đồng tình các ý kiến và đề nghị doanh nghiệp du lịch cần nghiên cứu sớm có thêm các sản phẩm kéo dài thời gian ở ngoài đường của Đà Nẵng, về phần chính quyền sẽ điều chỉnh các quy hoạch để giữ gìn không gian và môi trường ven biển.
Cũng liên quan đến sự phát triển của Đà Nẵng, đối với ngành dịch vụ logistics, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc cảng Đà Nẵng đề nghị chính quyền TP cần xác định Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm dịch vụ logistics của miền Trung mà cảng Đà Nẵng và Liên Chiểu là một khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ. Ông Sia cho rằng, TP Đà Nẵng cần thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài về logistics, quy hoạch, thiết kế… Ngoài ra, ông Sia còn kiến nghị sớm thành lập chính quyền cảng Đà Nẵng để sớm thúc đẩy việc xây dựng cảng Liên Chiểu.
Về vấn đề này, theo ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, sự tồn tại của Cảng Đà Nẵng hiện đã gây ra xung đột, riêng cảng Liên Chiểu nên gắn logistics và sau lưng cảng đã được quy hoạch là các khu công nghiệp, cảng Liên Chiểu sẽ thúc đẩy KCN, hiện Bộ cũng đã đồng ý cho Đà Nẵng làm chủ đầu tư đối với dự án này, đây là điều kiện thúc đẩy tốt, ông Nghĩa nhận xét.
Trong khi đó, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ - yêu cầu quyết liệt ở quy hoạch tầm nhìn cho TP đến 20 - 30 năm sau, trong đó hạ tầng có sự kết nối, đường sắt, đường bộ, cảng biển, sân bay... Ông cũng đề xuất dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng. Đồng thời đề xuất cơ chế xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực; với doanh nghiệp nhỏ và vừa mong có cơ chế hỗ trợ, nhất quán thuận tiện trong chính sách trả tiền thuê đất, xây dựng chỉnh trang khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch các chính sách hỗ trợ các thông tin thu hút đầu tư. "Việc thu hồi đất lâu dài cấp thành 40 - 50 năm đang làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp, TP nên kiến nghị Chính phủ xem xét lại điều này", ông Bình chia sẻ.
Về điều này, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho biết, thành phố đang xây dựng văn bản, đây là việc thận trọng, và quyết tâm sớm chấm dứt câu chuyện khúc mắc trong đất đai, văn bản sẽ được gửi đến Trung ương. “Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ có ý kiến với Trung ương”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận, Bí Thư Đà Nẵng cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; luôn đồng hành, sát cánh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. “Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ trở thành những người định hình nên diện mạo đô thị và nền kinh tế Đà Nẵng trong những năm đến, trở thành động lực quan trọng thực hiện ước mơ và khát vọng phồn vinh của người dân Đà Nẵng”.
Theo đó, “Thành phố xin ghi nhận các ý kiến đóng góp. Chủ trương của lãnh đạo thành phố là cái gì có lợi cho doanh nghiệp thì dù nhỏ cũng phải làm, cái gì gây khó khăn cho doanh nghiệp thì dù lớn đến đâu cũng phải tháo gỡ”, ông khẳng định.
Ông Nghĩa cũng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ thành phố rà soát, đánh giá lại chính sách để đề xuất giải pháp tốt hơn; tham mưu các chính sách phù hợp đồng thời, tăng cường vai trò phản biện, đề xuất, hiến kế của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp.
14 kiến nghị VCCI gửi đến Thành ủy Đà Nẵng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Một là, TP cần rà soát và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để định vị, tạo động lực, không gian phát triển cho trước mắt và kiến tạo tương lai phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Hai là, đi đôi với công tác rà soát, hoàn thiện quy hoạch, công khai minh bạch quy hoạch là việc TP xây dựng cơ chế, chính sách, lập các dự án kêu gọi đầu tư
Ba là, TP cần rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi đôi với việc ban hành các chính sách hỗ trợ mới phù hợp hơn với bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Bốn là, TP cần có chính sách ổn định và tiến tới giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào để tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Đà Nẵng và lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào Đà Nẵng so với các địa phương khác.
Năm là, TP cần có chiến lược tạo nguồn nhân lực cho khu vực doanh nghiệp.
Sáu là, TP nên hợp nhất các cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp để chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp do khu vực công thực hiện.
Bảy là, TP nên có đề án hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể lên loại hình doanh nghiệp.
Tám là, TP nên có chương trình chung về xúc tiến thương mại đầu tư với tỉnh Quảng Nam.
Chín là, kiện toàn hệ thống hiệp hội doanh nghiệp của TP.
Mười là, rà soát lại quỹ đất công, tài sản công và xây dựng kế hoạch sử dụng đất công, tài sản công vừa giúp giữ, giảm thất thoát đất công, tài sản công, đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất công, tài sản công của TP.
Mười một là, đề xuất Trung ương cho cơ chế để Đà Nẵng thành lập trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm của khu vực
Mười hai là, Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ đặt mục tiêu tốt nhất Việt Nam mà cần sớm xác lập môi trường kinh doanh, đầu tư cạnh tranh hơn, đạt chuẩn mực các nước có môi trường kinh doanh cao trong khu vực ASEAN
Mười ba là, định hướng phát triển khu vực huyện Hòa Vang là nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới.
Mười bốn là, TP nên tổng điều tra doanh nghiệp nhằm nắm rõ hiện trạng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng để có cơ sở trong ban hành các chính sách phát triển doanh nghiệp phù hợp.