Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Hỗ trợ doanh nghiệp bằng hành động thiết thực
Bám sát Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng như triển khai Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, UBND huyện Thọ Xuân đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Lê Đình Hải, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, năm 2017, toàn huyện đã thành lập mới trên 125 doanh nghiệp, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Để đạt được kết quả trên, theo ông Hải, năm 2017, với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân, công tác tiếp xúc, hỗ trợ doanh nghiệp cũng được huyện hết sức quan tâm chú trọng. UBND huyện công khai đường dây nóng; chọn ngày 21 hàng tháng tổ chức các hội nghị đối thoại các lãnh đạo trực tiếp với các hộ kinh doanh; hỏi - đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử huyện. Nhờ đó, 100% kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp được trả lời kịp thời, công khai. Bên cạnh đó, huyện giảm thiểu tối đa thời gian hội họp, dành thời gian để cán bộ các phòng, ban chuyên môn đi cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình, đề xuất các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh việc Thành lập 3 tổ tư vấn phát triển doanh nghiệp trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, kinh tế, trong năm 2017, huyện đã tổ chức được 7 hội nghị tư vấn doanh nghiệp cho 128 đối tượng là chủ hộ kinh doanh, 60 chủ trang trại, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.
Đặc biệt, cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngoài các cơ chế, chính sách của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền huyện Thọ Xuân đã xây dựng một số chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Cụ thể như: hỗ trợ tư vấn các doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động, doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, các hộ kinh doanh, chủ trang trại có điều kiện thành lập doanh nghiệp; cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về khởi sự và quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ doanh nhân; hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đoàn tìm kiếm, mở rộng thị trường, tham quan học hỏi kinh nghiệm, kết nối cung cầu sản phẩm; hỗ trợ chi phí thành lập doanh nghiệp, lệ phí môn bài; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động với mức thấp nhất 600.000 đồng/1 lao động; hỗ trợ thấp nhất 300.000.000 đồng/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư dự án mới có tổng mức đầu tư hoàn thành từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng, sử dụng từ 30 lao động trở lên.
Trao đổi với Phóng viên báo DĐDN, ông Nguyễn Duy Hoa, Giám đốc Công ty CP nhà máy giấy Mục Sơn cho hay: Từ khi thành lập cho đến nay, huyện đã tạo mọi điều kiện để cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, từ khi quy mô nhà máy sản xuất nhỏ lẻ cho đến hiện tại, Công ty đã có quy mô mở rộng, hệ thống máy móc hiện đại. Các phòng ban giải quyết thủ tục hành lang pháp lý nhanh gọn, không gây phiền hà, đồng thời hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp các nội dung quan trọng về thuế, hồ sơ vay vốn...
Chính nhờ sự thuận lợi về chính sách và các cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của huyện ngày càng được cải thiện, Thọ Xuân, với lợi thế là một trong tứ giác tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, việc quy hoạch Cảng hàng không Thọ Xuân thành sân bay hỗn hợp quân sự - dân dụng, cũng như hình thành và phát triển của khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, tiến hành các dự án giao thông... là điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Huyện Thọ Xuân phấn đấu giai đoạn 2017-2020 đạt 850 doanh nghiệp, gấp 4,7 lần giai đoạn 2012-2016. Để đạt mục tiêu trên, thời gian tới, huyện tiếp tục đưa ra các giải pháp, tạo điều kiện tốt nhất để tăng số lượng doanh nghiệp, khuyến khích các cá nhân kinh doanh thành lập doanh nghiệp mới; hỗ trợ các doanh nghiệp phù hợp với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của địa phương.