Đồng bằng Sông Cửu Long đau đầu xử lý rác (Kỳ I): Vì sao Nhà máy xử lý rác lớn nhất ĐBSCL muốn “hưu non”

Huỳnh Khởi 02/08/2018 11:00

Thua lỗ kéo dài đã khiến chủ đầu tư nhà máy xử lý rác lớn nhất ĐBSCL phải xin tạm ngưng hoạt động.

Năm 2012, tỉnh Cà Mau đã mời Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắc là Cty Công Lý) đầu tư và đưa nhà máy xử lý rác trị giá 350 tỷ đồng, công 200 tấn/ngày đi vào hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết, chỉ năm đầu tiên Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau hoạt động là có lãi, các năm tiếp theo luôn trong tình trạng phải bù lỗ.

br class=

Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau tạm ngưng hoạt động 3 tháng kể từ ngày 27/7/2018.

Càng hoạt động càng lỗ

Nguyên nhân được doanh nghiệp chỉ ra là do nguồn phân compost không tiêu thụ được và lượng hạt nhựa trong rác đã bị đội ngũ thu gom bên Công ty môi trường “phỗng tay trên”, giảm từ 15% xuống còn 3-5%. Đó cũng là lý do liên tục nhiều năm liền, công ty đã đề nghị tăng mức hỗ trợ xử lý rác, từ 350 nghìn đồng lên khoảng 450 nghìn đồng/tấn nhưng chưa được chấp thuận.

“Xử lý mỗi tấn rác chúng tôi phải bù lỗ trên 100.000 đồng. Trong 6 năm hoạt động, số tiền doanh nghiệp phải bù lỗ không thể tính xiết. Không những vậy, mỗi tháng nhà máy phải trả lãi vay, nợ gốc cho ngân hàng hơn 3 tỷ đồng. Năm 2016, chúng tôi xin giao nhà máy lại cho địa phương nhưng không được chấp thuận” - ông Tô Hoài Dân, Giám đốc Cty Công Lý phân trần, đồng thời cho biết: “Chúng tôi đang tính đến phương án xin phá sản, nhưng nghĩ đến đội ngũ công nhân sẽ ra sao khi không còn công ăn việc làm, nên cố cầm cự”.

Đau đầu với rác

Mới đây, lãnh đạo của Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau đã có công văn xin chính quyền địa phương cho phép ngưng hoạt động khoảng 3 tháng để bảo trì thiết bị.

Do đây là nhà máy xư lý rác duy nhất của tỉnh Cà Mau nên khi nhà máy ngưng hoạt động thì rác thải sẽ ùn ứ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng cho thấy, các thiết bị của nhà máy hư hỏng không thể vận hành; lò đốt rác bị gãy ống khói và tại khu vực nhà máy phát tán mùi hôi nên không cho nhà máy tạm ngừng hoạt động cũng không xong. Do vậy, buộc lòng ngày 30/7 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã phải chấp thuận cho nhà máy xử lý rác thải này ngưng hoạt động 3 tháng để bảo trì kể từ ngày 27/7.

  Tại ĐBSCL, mỗi ngày có đến hàng chục ngàn tấn rác thải sinh hoạt nhưng chỉ có 3 nhà máy xử lý rác quy mô, trong đó, 2 nhà máy đang tạm dừng hoạt động.

Thực tế, xử lý rác thải là vấn đề đau đầu không chỉ ở Cà Mau. Tại ĐBSCL, mỗi ngày có đến hàng chục ngàn tấn rác thải sinh hoạt nhưng chỉ có 3 nhà máy xử lý rác quy mô lớn. Đó là: Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau, Hòn Đất - Kiên Giang và Phương Thảo - Vĩnh Long. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn duy nhất nhà máy ở Hòn Đất - Kiên Giang đang hoạt động nhưng chất lượng xử lý cũng chưa đạt yêu cầu; Nhà máy xử lý rác Phương Thảo - Vĩnh Long thì mới đi vào hoạt động đã phải đóng cửa vì ngành chức năng cho rằng công nghệ xử lý không đạt;
Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau thì đang gặp phải nhiều vấn đề như đã nêu trên. Còn lại các địa phương khác hiện tại cũng chỉ mới đầu tư kiểu “chữa cháy” bằng các lò đốt công suất nhỏ từ 3-10 tấn rác/ngày, số còn lại phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp tốn nhiều đất đai và ô nhiễm.

(Kỳ II: Giải pháp nào?)

Huỳnh Khởi