Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc Nội trú Bắc Kạn: Chất lượng - hiệu quả đào tạo là thương hiệu cốt lõi

Nguyễn Hà 05/10/2018 11:30

Từ một ngôi trường chưa có trụ sở làm việc, nhà xưởng phải đi thuê, các lớp học tạm thời, đến nay nhà trường đã trở thành một trong những ngôi trường hiện đại nhất các tỉnh miền Bắc.

Đây là chia sẻ của ông Trịnh Tiến Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc Nội trú Bắc Kạn sau chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển. Trường Cao đẳng Nghề dân tộc Nội trú Bắc Kạn từ một trường học với các lớp học tạm thời, được sự tài trợ của chính phủ Luxembourg, đến nay nhà trường đã có một cơ sở khang trang, rộng rãi, khuôn viên xanh - sạch - đẹp cả về nội dung và hình thức với đầy đủ các trang thiết bị dạy nghề hiện đại đáp ứng yêu cầu và nhu cầu đào tạo và học nghề ngày càng cao, trở thành một trong những ngôi trường hiện đại nhất trong các tỉnh miền Bắc.

Ông Trịnh Tiến Long - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, sau 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay nhà trường đã có diện tích đất sử dụng 87,910ha với đầy đủ các hạng mục với hàng nghìn máy móc, thiết bị dạy nghề hiện đại;. Ông Long cũng cho biết, cơ sở hạ tầng với lối kiến trúc Châu Âu, thân thiện môi trường, tạo nên một khuôn viên xanh - sạch - đẹp, thực sự cuốn hút đối với bất cứ ai có tâm hồn yêu thiên nhiên.

Trường tiền thân từ Trường Trung cấp nghề Bắc Kạn với 5 người thầy đặt nền móng đầu tiên, đến nay nhà trường đã trở thành một tập thể với trên 90 CBGV, trong đó có trên 30% giáo viên có trình độ thạc sỹ, hầu hết giáo viên tâm huyết nghề nghiệp, có năng thực hành cao, đủ khả năng đào tạo ra nguồn lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa.Trải qua nhiều thế hệ giáo viên nhà trường, có người đã nghỉ hưu, có người đã chuyển công tác…nhưng dù ở thời điểm nào, dù khó khăn hay đã có điều kiện thuận lợi hơn, tập thể CBGV nhà trường vẫn luôn luôn là một tập thể đoàn kết, biết tương trợ giúp đỡ nhau, biết vượt qua khó khăn để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với mục tiêu chung là xây dựng nhà trường ngày một phát triển, xây dựng một trường Đào tạo nghề có thương hiệu ở khu vực các tỉnh phía Bắc và trong cả nước. “Nhà trường phát triển được như ngày hôm nay là nhờ có sự quan tâm của các Bộ, ngành, sự chỉ đạo đúng đắn, sát sao của tỉnh uỷ, uỷ ban tỉnh, của Đảng bộ, BGĐ Sở Lao động – TBXH, của Chi bộ, BGH nhà trường, nhưng đó cũng là kết quả của sức mạnh đoàn kết của cả bộ máy quản lý và tập thể cán bộ giáo viên nhà trường”, ông Long chia sẻ.

Nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường gắn liền với doanh nghiệp và ra trường có việc làm ngay… là những mục tiêu quan trọng nhất mà nhà trường đặt ra cho những năm học tới.

Đánh giá về những hạn chế, tồn tại của trường hiện nay, với đặc thù hầu hết người học nghề tại trường là người dân tộc thiểu số (chiếm trên 90%), có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hiệu trưởng Trịnh Tiến Long cho biết, khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thứcvề vấn đề nghề nghiệp và việc làm trong thời kỳ mới của các bậc phụ huynh cũng như bản thân các em học sinh, với tâm lý thụ động trong lựa chọn nghề nghiệp, chưa sẵn sàng gia nhập thị trường lao động, do đó họ luôn lo lắng sau khi ra trường thường khó tìm được việc làm, chậm thích nghi với môi trường làm việc mới.

p/Giảng viên đang dạy nghề Công nghệ Ô tô tại phòng thực hành.

Giảng viên đang dạy nghề Công nghệ Ô tô tại phòng thực hành.

“Nhà trường cũng đã nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đảm bảo đầu ra ổn định cho các em học sinh”, ông Long chia sẻ.

Hiệu quả thấy rõ từ năm học 2016 – 2017, tới đây bên cạnh các ngành nghề sơ cấp và trung cấp theo dự án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, nhà trường sẽ mở thêm ngành nghề đào tạo mới như dịch vụ, du lịch, ngoại ngữ, quản trị nhà hàng, khách sạn… để khai thác lợi thế tiền năng phát triển du lịch địa phương. Đặc biệt từ năm học 2018 – 2019 nhà trường bắt đầu ký cam kết ra trường có việc làm đối với học sinh, sinh viên học các ngành, nghề trọng điểm cũng như trường sẽ đưa Chương trình học kỹ năng mềm thành môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo cho tất cả các ngành nghề. Đây là giải pháp mang tính đột phá trong giai đoạn tới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, ông Long chia sẻ.

“Đây cũng có thể được ví như một vết “dầu loang”,chỉ có chất lượng và hiệu quả trong đào tạo mới đem đến niềm tin cho phụ huynh, học sinh và doanh nghiệp với ngôi trường này”, ông Long bày tỏ.

Nguyễn Hà