Tiếng kêu cứu từ sinh vật biển Kỳ I: Những cuộc đánh bắt mang tên “tận diệt”

Lê Cường 01/11/2018 10:00

Những năm gần đây, tình trạng khai thác thủy sản tại Quảng Ninh diễn ra nghiêm trọng với các hình thức mang tính hủy diệt.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, nhiều loài thủy sản thường vùi sâu dưới đáy biển, ít vận động và săn mồi. Trong trường hợp này kích điện chính là phương pháp hữu hiệu nhất để đánh bắt thủy hải sản. Bởi vậy không ít ngư dân vì cái lợi trước mắt đã bất chấp, sử dụng kích điện công suất lớn để đánh bắt. Trong khi đó, đây là phương pháp khai thác có mức độ tận diệt cao, làm chết tất cả các sinh vật mà dòng điện chạy qua, kể cả trứng, ấu trùng thủy sản hay các loại rong rêu, phù du vốn là thức ăn cho thủy sản.

p/Hàng loạt tàu đánh bắt trái phép tại vùng lõi Hạ Long bị bắt giữ.

Hàng loạt tàu đánh bắt trái phép tại vùng lõi Hạ Long bị bắt giữ.

Chặn đường sống của sinh vật biển

Cũng theo ông Minh, ngoài kích điện, ngư dân còn sử dụng lồng bát quái liều lĩnh đánh bắt thủy sản trong vùng vịnh Hạ Long nhưng không lưu giữ lồng trên tàu mà chỉ vớt lên lấy thủy sản rồi lại đặt lồng lại các vị trí đáy biển.

Ngoài ra, ngư dân còn sử dụng cào sắt để cào đáy bắt nhuyễn thể, song khi lực lượng chức năng phát hiện thì sẵn sàng cắt đứt dây bỏ lại cào dưới biển. Chính bởi vậy công tác phát hiện, xử lý, răn đe các trường hợp vi phạm này rất khó khăn.

“Giã cào hay lồng bát quái cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng, chủng loại và môi trường sống của các loại thủy sản không kém gì loại hình kích điện. Trong đó, lồng bát quái chặn đứng đường di chuyển của các sinh vật biển tầng đáy và giã cào phá hủy môi trường tầng đáy”, ông Minh nhấn mạnh.

Bất chấp lệnh cấm

Có thể nói, chính việc khai thác, đánh bắt tận diệt này mà gần đây một số loài hải sản của biển Quảng Ninh đang trở lên khan hiếm hơn. Bà Nguyễn Thị Nhung chủ cơ sở Hải sản Hiền Nhung chia sẻ, hiện nay ốc nhảy, ngán, mực mai, cá kìm rất ít. Nhiều khách hàng hỏi, tuy nhiên chúng tôi không có để đáp ứng. “Lý do là bà con ngư dân trong quá trình đánh bắt bằng hình thức tận diệt đẫ khiến cho ấu trùng, trứng, con nhỏ bị chết. Trong khi, đây đều là những loại hải sản chưa thể nuôi được” - bà Nhung chia sẻ.

Cũng theo bà Nhung, là một người đi biển thường xuyên, đến các khu vực lồng bè của ngư dân để thu mua hải sản, tôi chứng kiến nhiều cuộc đánh bắt bằng giã cào, lồng bát quái rất lớn, các tàu thuyền dùng giã cào, lưới mắt nhỏ, khẩu độ rộng vài trăm mét và kéo mỗi mẻ từ 4-5 giờ đồng hồ. Khi lưới quét qua, tất cả các loại tôm, cá từ lớn đến bé đều bị quét sạch vào lưới. Kiểu đánh bắt này là tận diệt hết nguồn lợi thủy sản.

Bà Nhung cho biết thêm, đánh bắt giã cào có nguồn thu rất lớn. Trung bình mỗi giã, tàu thu được cả tấn cá lớn, bé các loại. Đưa vào bờ bán cho đầu nậu, hàng chục triệu đồng/giã. Nếu họ đi khoảng vài ngày đến 1 tuần thì thu nhập cũng tới cả trăm, thậm chí vài trăm triệu đồng.

Với nguồn thu lớn như vậy cũng dễ hiểu vì sao tình trạng đánh bắt vẫn luôn diễn ra bất chấp lệnh cấm. “Thậm chí, nhiều tàu đánh bắt trái phép dù bị phạt nặng vẫn tiếp tục tái phạm, hoặc ngang nhiên hoạt động trên vùng cấm. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện truy đuổi, chủ tàu có thái độ chống đối, hăm dọa” - Đại úy, Đặng Thế Hùng, Đồn phó đồn Biên phòng Hòn Gai cho biết. (còn tiếp)

Lê Cường