Tiếng kêu cứu của sinh vật biển (KỲ II): NGƯ DÂN VỀ ĐÂU?

Lê Cường 04/11/2018 06:00

Cấm đánh bắt thủy sản trong vùng lõi Hạ Long là một chủ trương hợp lý, nhằm ngăn chặn nguy cơ tận diệt thủy sản. Nhưng, hàng nghìn ngư dân họ sẽ về đâu, làm gì? - là bài toán không hề đơn giản.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.500 lao động sử dụng 1.286 tàu đang khai thác thủy sản có sử dụng lồng bát quái, chiếm khoảng 10,5% tổng số lao động và 18% số tàu khai thác thủy sản toàn tỉnh. Những người ngư dân này sẽ buộc phải chuyển đổi sang hình thức khai thác thủy sản phù hợp với quy định nhà nước nếu muốn bám biển hoặc chuyển đổi sang nghề trên đất liền.

p/Chèo thuyền cho khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long là công việc được nhiều ngư dân lựa chọn khi chuyển đổi nghề. Ảnh Lê Cường

Chèo thuyền cho khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long là công việc được nhiều ngư dân lựa chọn khi chuyển đổi nghề. Ảnh Lê Cường

Ngư dân Bùi Văn Kiêm, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn chia sẻ, đa số ngư dân chúng tôi là những người đã theo nghề đi biển, đánh bắt thủy hải sản cùng gia đình từ nhỏ, không có điều kiện học hành, không có bằng cấp. Chúng tôi không biết làm nghề gì để kiếm sống, chúng tôi cần có phương án, giải pháp lâu dài để định hướng, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân.

Mong muốn là vậy, nhưng thực tế việc chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân lại không hề dễ dàng. Bao đời nay, ngư dân quen sống với biển, nếu không đi biển, họ có thể làm gì? Những lao động đã lớn tuổi, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như chuyển sang một nghề mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiếng kêu cứu từ sinh vật biển Kỳ I: Những cuộc đánh bắt mang tên “tận diệt”

    Tiếng kêu cứu từ sinh vật biển Kỳ I: Những cuộc đánh bắt mang tên “tận diệt”

    10:00, 01/11/2018

 Điều này cũng đã được minh chứng, việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ nhiểu năm nay. Đặc biệt, tỉnh này đã có một đề án lớn nhằm di dời tất cả ngư dân làng chài dưới biển lên đất liền sinh sống vào năm 2012.

Hơn 300 căn hộ tái định cư được xây dựng tại phường Hà Phong, TP. Hạ Long đáp ứng cho hàng nghìn nhân khẩu. Không những được ở nhà mới khang trang vững chãi, ngư dân làng chài còn được hỗ trợ tích cực cho việc đào tạo và chuyển đổi ngành nghề. Những chợ việc làm được mở để bà con có thể lựa chọn cho mình công việc phù hợp nhất.

Trong 2 năm đầu tiên lên bờ 2012 và 2013, TP Hạ Long đã đào tạo hai lớp học nghề nuôi trồng thuỷ sản và đan lưới cho 70 học viên là những đối tượng trước đây ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long, nay đã chuyển lên đất liền sinh sống. Cùng với đó, thành phố đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, điều tra về nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và học nghề của người dân khu tái định cư.

Đã có nhiều người tham gia vào làm việc tại các khách sạn, nhà hàng, nhưng rồi cũng đành bỏ dở.
Chị Nguyễn Thị Mến, khu tái định cư làng chài Hà Phong cho biết, công việc thu nhập thấp, chỉ vài 3 triệu đồng, trong khi đó nơi làm việc lại rất xa, mỗi ngày làm việc tôi phải bắt xe bus 2 chuyến đi và về, một tháng cũng mất gần triệu bạc. Trong khi đó, đi biển, có ngày chúng tôi đánh bắt cho thu nhập vài triệu bạc mà lại không phải đi lại xa xôi cũng như gò bó giờ giấc như vậy.

Bà Lê Thị Loan, phường Hà Phong, TP. Hạ Long trải lòng: “Bọn tui ít chữ, viết tên mình còn chưa xong thì đi đâu làm được. Học hành tiếp thu cái mới rất khó khăn, cái sự học hành ấy có lẽ chỉ tốt và dành cho con em chúng tôi”.

Lê Cường