Hải Phòng: Làng nghề trước nguy cơ chết yểu
Đã nhiều năm nay, tất cả làng nghề trên địa bàn đã có phản ánh thậm chí đơn đề nghị gửi lên các cấp chính quyền địa phương momg muốn được cơ chế hỗ trợ phát triển mà đến nay vẫn bặt vô âm tín.
Hải Phòng hiện có khoảng hơn 500 doanh nghiệp đang hoạt động tại các làng nghề. Trong đó, một số làng nghề đã có sản phẩm hướng tới phục vụ xuất khẩu. Điển hình, làng nghề đúc kim khí xã Mỹ Đồng hiện có 30% số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất của làng nghề đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt hơn 300 tỷ đồng.
Trao đổi với PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Đúc cơ khí truyền thống Mỹ Đồng cho biết: “Để nâng cao chất lượng sản phẩm đòi hỏi doanh nghiệp phải có mặt bằng sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ. Vì vậy, rất mong chính quyền hỗ trợ cho thuê đất, quy hoạch, hình thành những cụm công nghiệp và hỗ trợ ban đầu tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp có cơ hội phát triển”.
10 năm trước, ở làng nghề mộc Kha Lâm (Kiến An) chỉ có các hộ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay 5 hộ phát triển thành doanh nghiệp. Hiện ngày càng có nhiều hộ sản xuất đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thế nhưng, tình hình xem ra cũng không có nhiều tiến triển. Kha Lâm rất có nguy cơ phải xóa bỏ làng nghề nếu không được sự hỗ trợ vốn xây dựng xưởng mộc tập trung và hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ từ phía chính quyền và ngân hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để các làng nghề nắm bắt cơ hội, hội nhập thành công, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ tổng thể cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làng nghề Việt Nam. Hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ sản xuất tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch tạo vùng nguyên liệu bền vững, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng công nghệ.
Bên cạnh đó nghiên cứu mẫu mã, đào tạo cũng như xây dựng các hệ thống phân phối, tổ chức hội trợ triển lãm trong và ngoài nước. Đặc biệt xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề tập trung quy mô cả nước, khu vực.