Bình Phước phát huy lợi thế, tạo lực thu hút đầu tư

Minh Linh 05/12/2018 11:31

Báo cáo đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của UBND tỉnh Bình Phước, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016-2018 là khá toàn diện.

Tính đến tháng 11/2018, có 6/18 chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, tiêu biểu như chỉ tiêu cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu… có 11/18 chỉ tiêu đạt theo tiến độ, có khả năng đạt và vượt kế hoạch.

p/Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Tỉnh Bình Phước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Tỉnh Bình Phước.

Đạt nhiều kết quả nổi bật trong giai đoạn 2016-2018

Theo ông Nguyễn Văn Trăm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, kết quả đáng khích lệ này có được là nhờ sự cải cách mạnh mẽ và điều hành năng động, quyết luyệt của UBND tỉnh và các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân và sự nỗ lực của các doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Phước hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững

    14:33, 30/11/2018

  • Hiệp hội Doanh nghiệp Bình Phước "kêu cứu khẩn cấp" vì bị trạm thu phí BOT “bủa vây”

    05:47, 30/11/2018

  • Tập đoàn FLC khảo sát đầu tư tại Bình Phước

    05:18, 23/11/2018

  • Đồng Xoài - Bình Phước: Hướng tới thành phố tHÔNG MINH

    11:23, 06/11/2018

Điểm qua những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế tính đến giữa kỳ thực hiện kế hoạch, ông Trăm nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2018 của Bình Phước đạt khá, khoảng 6,84%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản. Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 57,22 triệu đồng, tương đương 2.666 USD, cao hơn mức bình quân chung cả nước (2.540 USD).

Cũng theo ông Nguyễn Văn Trăm, thông qua việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, tỉnh Bình Phước đã phát huy được thế mạnh riêng, tập trung vào các chương trình kinh tế trọng tâm góp phần thay đổi tích cực mọi mặt của đời sống xã hội.

Đơn cử, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Bình Phước đã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp lâu năm như cao su, điều, hồ tiêu với diện tích lớn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách tiếp cận đất đai, hỗ trợ sản xuất, qua đó tạo động lực lớn cho sự chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh tích cực khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết các hợp tác xã, tổ hợp tác vào chuỗi sản xuất; chú trọng xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho hàng nông sản (thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh, chỉ dẫn địa lý hạt điều của tỉnh Bình Phước...).

Một dấu ấn nổi bật nữa là tình hình thu, chi ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công đảm bảo tài chính an toàn. Qua 3 năm, thu ngân sách năm sau đều cao hơn năm trước. Thu ngân sách năm 2018 ước đạt 7.658 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đề ra là 4.850 tỷ đồng. Chi ngân sách hằng năm được thực hiện theo hướng giảm chi thường xuyên, tiết kiệm để tăng chi đầu tư phát triển. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2016 chiếm 17,6%; 2017 chiếm 21,2%; 2018 chiếm 33,6%. Nợ công của tỉnh được đảm bảo an toàn và giảm dần qua các năm. Năm 2016 dư nợ công của tỉnh là 283,75 tỷ đồng, năm 2017 giảm xuống còn 170 tỷ đồng, năm 2018 tiếp tục giảm còn 78 tỷ đồng và đến năm 2019 tỉnh không còn nợ.

Trên các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, du lịch, thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới… cũng đạt nhiều kết quả khả quan.

Nỗ lực hoàn thành tốt nhất Kế hoạch 5 năm

Đáng chú ý, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2018 có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Bình Phước đã thu hút được 413 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 22.121 tỷ đồng, bằng 217% về số dự án và 136% về vốn so với cả nhiệm kỳ trước. Thu hút đầu tư vốn nước ngoài (FDI) được 62 dự án với tổng vốn đăng ký 326 triệu USD, bằng 122% về số dự án và 72,6% về số vốn so với cả nhiệm kỳ trước. Về phát triển doanh nghiệp, có 2.103 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 21.338 tỷ đồng, so với nhiệm kỳ trước tăng 62,4% về số doanh nghiệp và tăng 137% về số vốn đăng ký. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6.340 doanh nghiệp trong nước với số vốn đăng ký 52.839 tỷ đồng.

p/Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đi kiểm tra tiến độ Dự án Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đi kiểm tra tiến độ Dự án Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước.

Nhận định về 2 năm còn lại thực hiện kế hoạch 5 năm, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được và những thuận lợi trong nửa đầu nhiệm kỳ, tình hình thế giới và trong nước sẽ có tác động và ảnh hưởng nhất định đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2019-2020, kèm theo đó là những thách thức về năng lực, trình độ, quy mô, công nghệ của các ngành, lĩnh vực sản xuất, kết cấu hạ tầng còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu… đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước phải nỗ lực phấn đấu, quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Trên cơ sở kết quả thực hiện 3 năm (2016-2018), tỉnh Bình Phước dự kiến khả năng có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 01 chỉ tiêu không đạt (tăng trưởng kinh tế). Để đảm bảo thực hiện tốt nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trong thời gian 2 năm còn lại (2019-2020), UBND tỉnh Bình Phước đã xác định rõ những giải pháp thiết thực, trong đó trọng tâm là các giải pháp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 năm còn lại, nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả giai đoạn 5 năm là tăng 7,5%. Tỉnh cũng sẽ tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và xây dựng các chuỗi liên kết… Đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh định hướng phát triển mạnh công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến sau thu hoạch và phát triển mạnh các dự án năng lượng mặt trời.

Góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Phước sẽ tích cực hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, xây dựng quy hoạch phát triển đô thị và phát triển hạ tầng đô thị bền vững. Đặc biệt, tỉnh cam kết sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, cũng như tập trung xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, các cơ sở chế biến và trang trại chăn nuôi.

Trên bình diện vĩ mô, tỉnh Bình Phước tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII và Đề án 999 của Tỉnh ủy đảm bảo theo đúng nguyên tắc “4 tăng, 4 giảm” gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.

Minh Linh