Điện Biên chuyển hoá chất lượng điều hành thành tăng trưởng

Phan Nam - Lê Trang 11/01/2019 10:26

Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2019, Điện Biên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7,2%.

Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Thời gian qua, Điện Biên đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính như công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình, quy định hành chính để doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận dễ dàng nhất; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong đó tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo động lực, sự đột phá về thu hút đầu tư vào tỉnh.

br class=

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 của Điện Biên vươn lên thứ 48 với 60,57 điểm

Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Điện Biên.

Có thể bạn quan tâm

  • Điện Biên: Doanh nghiệp là động lực quan trọng của cải cách

    11:25, 11/01/2019

  • Điện Biên đa dạng hoá nguồn lực đầu tư

    15:21, 12/12/2018

  • Huyện Nậm Pồ (Điện Biên): Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

    12:07, 21/11/2018

  • Điện Biên tạo chuỗi liên kết trong nông nghiệp

    11:54, 21/11/2018

Thực chất - hiệu quả

Bên cạnh thuận lợi trong thu hút đầu tư các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho các dự án thủy điện, trồng cây mắc ca, các dự án phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã được cấp phép và phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai thực hiện trong năm 2019, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng được tăng cường nhiều hơn so với năm 2018. Bởi vậy, Điện Biên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7,2%. Đồng thời, tạo chuyển biến thực chất hơn trong việc tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo ông Mùa A Sơn: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội”.

Cụ thể, theo ông Sơn, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đồng bộ để cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, hướng tới ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Nâng cao chất lượng điều hành

Cũng theo ông Mùa A Sơn, năm 2019, Điện Biên tập trung đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư;

Đồng thời, tăng cường thực thi các chủ trương, chính sách về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để phát triển doanh nghiệp; đặc biệt là việc thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng cường thực hiện công khai, minh bạch đặc biệt là các thủ tục hành chính; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp, người dân đồng tình ủng hộ, tạo nên sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với việc cải thiện môi trường kinh quanh, thu hút đầu tư, từ đó hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho hoạt động của doanh nghiệp.

Trong đó, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức PPP đã cho Chủ trương đầu tư; các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị để làm cơ sở thu hút, theo đúng định hướng và có chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án; ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực có tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển... Phấn đấu năm 2019, số lượng các dự án kêu gọi đầu tư đạt ít nhất 15 dự án, với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, trong đó có ít nhất 01 dự án FDI.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, trong năm 2018, Điện Biên đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án và 4 dự án đang hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký trên 4.900 tỷ đồng; Cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho 5 dự án, dự ước năm 2018 có 7 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 114,8 tỷ đồng.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 150 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 26 nghìn tỷ đồng. UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các nhà đầu tư và các cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời đang tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư và đã có một số nhà đầu tư lớn đang tham gia nghiên cứu như tập đoàn TH Truemilk, Vietjet, Vingroup, FLC.

Qua đánh giá của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 của tỉnh Điện Biên đạt 60,57 điểm, xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố (Tăng 5 bậc so với năm 2016). Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2017 tỉnh Điện Biên đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh đạt 24/63, tỉnh thành phố tăng 18 bậc (năm 2016 là 42/63).

Nỗ lực trên đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2018, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá so sánh năm 2010) đạt 10.482 tỷ 240 triệu đồng, tăng 7,15% so với thực hiện năm 2017.

Bùi Đức Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6: Thực thi mạnh mẽ hơn

Cùng với Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thời gian qua, các cấp chính quyền Điện Biên đã có nhiều giải pháp, chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tuy đạt được một số kết quả ban đầu nhưng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp lớn hơn và thực thế tỉnh vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Để tạo ra cú huých cho kinh tế Điện Biên phát triển trong thời gian tới cần phải có những nhà đầu tư lớn làm đầu tàu. Chính quyền rất quyết tâm trong việc mời gọi đầu tư, nhưng có thu hút được hay không cần phải xây dựng được một cơ chế rõ ràng, minh bạch và thuận lợi.

Trước tiên, từ lãnh đạo đến chuyên viên trong hệ thống chính quyền phải thay đổi toàn diện về tư duy. Lưu ý rằng, Điện Biên không có nhiều lợi thế, nếu không quyết liệt bứt phá, nếu không có giải pháp và hành động phù hợp sẽ tụt hậu.

Chúng ta nói nhiều đến chính quyền kiến tạo phục vụ, điều đó thể hiện mong muốn, kỳ vọng nhưng làm sao để biến những ý tưởng đó thành hiện thực thì phải có sự hành động, thực thi mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền.

Trần Đăng Ninh, Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH ĐT TM và DV Hoàng Anh: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Những năm qua, Điện Biên đã có nhiều giải pháp, chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt chính quyền luôn coi người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, Việt Nam tham gia một loạt FTA thế hệ mới, đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do lớn (CPTPP, RCEP, Việt Nam - Israel, khối EVFTA) mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Điện Biên nói riêng. Vì vậy, Điện Biên cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các chỉ số thành phần còn thấp, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, hỗ trợ vốn, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp... Để cải thiện tốt những vấn đề trên, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh cũng như các Sở ban ngành thì các cán bộ công chức cần nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Khắc Lãng ghi

Phan Nam - Lê Trang