Gập ghềnh con đường phát triển ĐBSCL (Bài 1): Gian nan đường về Miền Tây
Cứ sau Tết thì tuyến độc đạo quốc lộ 1 từ Miền Tây về TP HCM lại rơi vào “căn bệnh” kẹt xe, hàng vạn người phải nhích từng tấc để tiến về Sài Gòn.
Câu chuyện kẹt xe khủng khiếp trên quốc lộ 1 A hôm mùng 6 Tết một lần nữa đặt lên vai nhà chức trách về trách nhiệm phát triển vùng ĐBSCL.
Nhiều ý kiến cho rằng, ùn tắt giao thông trong những ngày cao điểm không thể đổ lỗi hết cho đường sá, tuy nhiên, cũng phải thừa nhận đường sá nhỏ hẹp, độc đạo là nguyên nhân chính gây nên ùn tắt giao thông trong những ngày cao điểm.
Không ai có thể phủ nhận trong thời gian 10 năm trở lại đây, nhiều công trình giao thông trọng yếu, quy mô lớn được xây dựng tại vùng ĐBSCL.
Xác định đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không là những điều kiện cơ bản để thu hút đầu tư, đánh thức tiềm năng kinh tế của vùng ĐBSCL mà Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL lần thứ hai, năm 2008 (MDEC) diễn ra tại TP Cần Thơ đã chọn có chủ đề “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL”
Tại thời điểm đó, mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL còn rất thưa thớt, hàng trăm xã chưa có đường ô tô, 30.000 cầu nông thôn cần được xây dựng. ĐBSCL có 13 tỉnh thành, trong đó chỉ có hai tỉnh là Long An, Tiền Giang do nằm tiếp giáp TP HCM nên có thể “dùng chung” hạ tầng của TP HCM để phát triển, còn lại 11 tỉnh thành khác thì gần như cam chịu.
Năm 2009 - 2010 ĐBSCL đón nhận tin vui khi 2 cây cầu lớn nhất ở khu vực là Rạch Miễu và Cần Thơ được đưa vào sử dụng. Tiếp sau đó hàng loạt dự án khác như: mở rộng tuyến Quốc lộ 1A từ Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến tránh thành phố Bạc Liêu, cầu Hàm Luông, Cổ Chiên trên QL 60; dự án đường hành lang ven biển phía Nam đoạn Rạch Giá - Cà Mau; QL 61B kết nối Cần Thơ-Hậu Giang; cầu Mỹ Lợi bắt qua sông Vàm Cỏ nối liền QL50 từ TP HCM đến Tiền Giang, cầu Cao Lãnh, bắt qua sông Tiền... hoàn thành đưa vào sử dụng.
Mới đây, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi cũng đã thông xe nối liền mảnh đất tận cùng của tổ quốc đã góp phần cải thiện mạng lưới giao thông của vùng.
Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2010 - 2015, tổng kinh phí Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông vận tải đã hoàn thành tại ĐBSCL là hơn 58.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực đường bộ đã đầu tư hoàn thành khoảng 34 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng; xây dựng và nâng cấp mở rộng hơn 1.000 km đường, hơn 60 km cầu. Sự phân bổ vốn đầu tư tập trung cho đường bộ chiếm đến 80%, đã cho thấy sự quan tâm ưu tiên đầu tư cho cho loại hình vận tải này.
Mặc dù vậy, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế: Với thời gian di chuyển nhanh chóng tiện lợi nên phương thức vận tải đường bộ đang được ưa chuộng tại vùng này. Tuy nhiên, các trục đường kết nối liên vùng như tuyến nối các tỉnh Miền Tây đến TP HCM đến bây giờ vẫn là “độc đạo”; cả nước đã có hàng ngàn km đường cao tốc thì cả vùng này chỉ có hơn 40km.