Người chăn nuôi lâm vào cảnh "đường cùng" vì dịch tả lợn châu Phi

Lê Linh 09/03/2019 11:01

Các chủ trang trại nuôi lợn tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình đang rơi vào tình cảnh không có đường lui vì lệnh cấm trong dịch tả lợn Châu Phi.

Huyện Quỳnh Phụ đang là nơi bùng phát dịch tả lợn Châu Phi lớn nhất của Thái Bình. Toàn huyện đều “nóng” lên vào cuộc để phòng tránh. Hiện nay trên toàn huyện có khoảng 139.534 con lợn. Trong đó có 297 con đực, 23.007 con lợn nái và 116.230 lợn thịt, lợn choai, lợn con.

Và đến nay đã có 8 xã phát hiện ra ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Diễn biến ngày càng một phức tạp hơn, dịch lan tỏa ngày một nhanh. Với quân số chỉ có 10 cán bộ công nhân viên của phòng nông nghiệp thì không thể đạt hiệu quả cao trong chiến dịch phòng chống bệnh dịch được. Chính quyền buộc phải “huy động” thêm các phòng ban khác để phối kết hợp cùng người dân trong công tác phòng chống dịch.

Quỳnh Phụ cấm thịt lợn nhưng người dân lại nhập thịt lợn từ Haiỉ Dương về, nơi cũng đang có dịch tả lợn Châu Phi.

Quỳnh Phụ cấm thịt lợn nhưng người bán lại nhập thịt lợn từ Hải Dương về, nơi cũng đang có dịch tả lợn Châu Phi.

Trước nguy cơ về khả năng có thể bùng phát dịch lớn hơn, chính quyền đã khuyến cáo người dân không nên ăn thịt lợn và tại những xã đang có dịch bệnh thì nghiêm cấm giết, mổ bán thịt lợn. Các chốt kiểm tra dịch để phòng mua bán thịt lợn không rõ nguồn gốc cũng được lập ra nhiều hơn để kiểm soát.

Một không khí ảm đạm bao phủ lên khắp cả huyện, khắp nơi được rắc vôi bột, chợ quán thì đìu hiu. Ngay cửa ngõ của huyện có một hàng bầy bán nội tạng của lợn. Người bán hàng cho biết là phải lấy từ Hải Dương (cũng có dịch tả lợn Châu Phi) về nhưng cũng bán rất chậm vì người dân không mua.

Chị H. một người bán hàng thịt lợn tại chợ huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: “Tôi với chị dâu chung nhau nửa con lợn mà bán suốt từ sáng sớm đến giờ vẫn không hết. Người dân họ không ăn”.

Chỉ có nửa con lợn nhưng bán cả ngày không hết

Chỉ có nửa con lợn nhưng bán cả ngày không hết

Thịt lợn là nguồn thức ăn dinh dưỡng và phổ biến trên mâm cơm của người Việt. Thay thế thịt lợn bằng nguồn dinh dưỡng khác thì chênh lệch về tài chính khá cao và với thói quen ăn nhiều năm cũng khiến cho người dân bị “khát” thịt lợn. Có lợn không bị bệnh đấy nhưng người dân vẫn không dám ăn. Mặc dù chính quyền chỉ khuyến cáo về việc sử dụng thịt lợn nhưng hầu hết người dân đều “nói không” với lợn.

Với người chăn nuôi thì con lợn là cơ nghiệp. Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì khủng hoảng không lớn nhưng với hộ chăn nuôi có trang trại lợn thì đây là một trong những thách thức đe dọa đến tài chính và có nguy cơ bị phá sản rất cao. Chưa kể những doanh nghiệp, công ty chế biến và xuất khẩu thịt lợn cũng đang đứng trước khó khăn.

Chính quyền hỗ trợ 25 kg vôi chỉ đủ để rắc ngõ.

Chính quyền hỗ trợ 25 kg vôi chỉ đủ để rắc ngõ với những trang trại lớn.

Ông bà Khanh Thanh, người đang có khoảng 200 con lợn thịt thất thần cho biết: “Nhà tôi có số lượng lợn tương đối lớn và đến nay chưa bị nhiễm bệnh. Mỗi ngày tôi phải sử dụng hết 5 triệu tiền cám, 2,4 triệu tiền thuốc chưa kể vôi rắc đến nay đã là vài tạ rồi. Từ lúc có dịch đến giờ các cửa hàng cám cũng không cho mua chịu nữa, chính quyền thì hỗ trợ được 25 cân vôi để rắc, thịt lợn thì cấm bán, thương lái thì ép giá 37.000 đồng/1 kg hơi. Mỗi ngày lợn to ăn càng tốn, chúng tôi phải chịu chi phí gần chục triệu một ngày. Một vài ngày còn cầm cự được nhưng đến giờ vài tuần rồi, chúng tôi đường cùng rồi không biết sẽ như thế nào nữa. Vay mượn khắp nơi rồi giờ người ta cũng không cho vay nữa”.

Có thể bạn quan tâm

  • Thịt lợn ế ẩm vì dịch tả lợn Châu Phi

    01:46, 08/03/2019

  • Hải Dương: Tiêu hủy hơn 2 tấn lợn dịch tả lợn châu Phi ở xã Đại Đồng

    22:03, 04/03/2019

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện “5 không” để chống dịch tả lợn châu Phi

    11:31, 04/03/2019

  • Dịch tả lợn châu Phi lây lan do… giá đền bù thấp 

    10:00, 04/03/2019

  • Thanh Hoá: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, bà nội trợ lo sợ, người nuôi lao đao

    01:58, 27/02/2019

  • Thanh Hóa: Nỗ lực khống chế dịch tả lợn Châu Phi

    19:01, 26/02/2019

Bên cạnh các hộ chăn nuôi là các công ty giết mổ và chế biến lợn xuất khẩu cũng gặp phải bế tắc và đường cùng trước nguy cơ dịch lợn kéo dài. Chị Vũ Thị Phương, Giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm chia sẻ “Bắt đầu từ khi có dịch công ty của tôi đã phải đóng cửa rồi. Hàng ngày chúng tôi chuyên cấp hàng cho các khu vực lân cận và xuất khẩu lợn con đi Trung Quốc. Nhưng bây giờ thì hàng bị ứ quá nhiều và cũng không có lợn để giết mổ. Chúng tôi đang phải tính phương án khác để vượt qua khủng hoảng này”.

trung bình 1 ngày các hộ có số lượng lớn phải dùng hết 2,4 triệu tiền thuốc phòng ngừa cho lợn.

Trung bình 1 ngày các hộ có số lượng lớn phải dùng hết 2,4 triệu tiền thuốc phòng ngừa cho lợn.

Việc chưa dập tắt được dịch tả lợn châu Phi ngày nào là mối nguy hại lớn ngày ấy đối với người chăn nuôi, trong khi đó, tại Thái Bình, địa phương lại chưa có bất kỳ một cơ chế nào để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi lớn ngoài việc phát 25 kg vôi miễn phí (chỉ đủ để rắc ngõ).

Thiết nghĩ, khi chính quyền đưa ra lệnh cấm và phong tỏa thì cũng phải đưa ra giải pháp tháo gỡ cho người chăn nuôi chứ không thể cứ ra lệnh phong tỏa còn người chăn nuôi vượt qua như thế nào thì lại không có biện pháp.

Đặc biệt là các công ty kinh doanh thức ăn chăn nuôi, khi chưa có dịch bệnh thì luôn cho người chăn nuôi mua chịu cám và khi nào xuất chuồng thì mới lấy tiền. Thế nhưng vừa có thông tin về dịch đã lập tức “quay lưng” lại với những người chỉ mới hôm qua còn là khách hàng thân thiết của mình. Bên cạnh đó cũng cần thiết có các cơ chế chính sách cho người chăn nuôi vay vốn không lãi để vượt qua khủng hoảng này.

Chứng kiến những giọt nước mắt của người nông dân chăn nuôi mới thấy hết những cơ cực và xót xa của họ. Cả cuộc đời họ gắn liền với làng quê, lấy chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính. Khi nạn dịch xảy ra họ chỉ biết oằn mình lên chống chọi và không có cách nào khác để xoay chuyển tình thế.

Với diễn biến phức tạp của dịch như vậy không biết trong vài ngày tới họ sẽ cầm cự… như thế nào?

Lê Linh