Thanh Hóa: Giá mía “tụt dốc”, người trồng mía và doanh nghiệp lao đao
Gần đây, giá mía “tụt dốc” liên tục khiến người trồng mía ở Thanh Hóa vô cùng lo lắng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài cả người trồng và doanh nghiệp đều sẽ quay lưng lại với cây mía.
Tại Thanh Hóa, cây mía trước đây là một trong những cây trồng chủ lực, là loại cây có vị trí và vai trò to lớn trong công tác giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu. Thế nhưng, hiện nay cây mía đang lâm vào tình trạng khó khăn, giá mía liên tục giảm. Diện tích mía đang dần bị thu hẹp, người trồng mía không còn mặn mà với cây trồng này, thậm chí quay lưng để đến với loại cây trồng khác.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chuyên môn, đây không phải là giải pháp tốt, mà cần có sự thay đổi tích cực hơn về tư duy sản xuất.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có diện tích cây mía lớn, niên vụ ép 2017 - 2018 toàn tỉnh có khoảng hơn 25 nghìn héc ta, với năng suất bình quân đạt 59,48 tấn/ha, giá mía khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tấn.
Bước sang niên vụ ép 2018 - 2019 diện tích cây trồng này đã giảm xuống còn khoảng hơn 24 nghìn héc ta (giảm hơn 900 ha), năng suất bình quân dự kiến đạt 60,4 tấn/ha, giá thu mua mía bình quân chỉ còn từ 750 - 850 nghìn đồng/tấn.
Tính ra, trừ chi phí, công thu hoạch, vận chuyển thì người nông dân lời lãi chẳng còn lại là bao.
Bước sang niên vụ mới 2019 - 2020, mặc dù cây mía vẫn là một trong những cây trồng chủ lực nhưng diện tích đang dần bị thu hẹp, người dân có chiều hướng phá mía để trồng loại cây khác đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng gỡ khó cho ngành mía đường
06:01, 21/12/2018
Làm sao để mang "trái ngọt" cho ngành mía đường?
11:00, 28/09/2018
Mía đường Việt lại ngồi trên "đống lửa"
02:43, 19/09/2018
Xăng dầu, mía đường và bệnh “ngửa tay”
11:19, 09/07/2018
Mục tiêu 2 triệu tấn có "quá sức" với ngành mía đường Việt?
11:00, 14/05/2018
Mía đường lại ngồi trên "chảo lửa"
11:00, 02/05/2018
Bà Lê Thị Cần - người trồng mía xã Xuân Bái cho biết: Gia đình bà đã “chung thủy” với cây mía đã nhiều năm. Gia đình bà cố gắng bám trụ với loại cây trồng từng giúp gia đình vượt khó, hi vọng năm này qua năm khác giá mía sẽ có sự chuyển biến tăng lên. "Thế nhưng, giá mía ngày càng giảm sâu, chúng tôi không thể bám trụ được nữa. Thu hoạch xong vụ này chắc gia đình tôi cũng chuyển hướng trồng cây khác". - bà Cần nói.
Theo ông Lê văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Xuân Bái, vụ ép năm nay, giá thu mua mía giảm hơn 300 nghìn đồng/tấn so với năm trước, hơn nữa, do giá thấp nên việc đánh giá chất lượng mía cũng khắt khe hơn, lượng mía loại 2 và 3 chiếm tỉ lệ cao. Mặt khác, chi phí thuê nhân công từ 250 đến 300 nghìn đồng/người/ngày, tính ra lời lãi từ trồng mía không đáng là bao nên nhiều hộ không muốn thu hoạch.
"Người trồng mía ở xã Xuân Bái rất “thủy chung” với cây mía nhưng với tình hình hiện nay, người dân đang xu hướng dần quay lưng lại với cây mía sang trồng cây trồng khác", ông Toàn cho biết thêm.
Ông Đỗ Văn Kỳ - Trưởng phòng trồng trọt Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tại Thanh Hóa giá mía những năm trở lại đây luôn bất ổn và giảm mạnh. Hiện nay so với các cây trồng khác như cây sắn, cây thanh long, các keo, các loại cây ăn quả khác...thì đều cho thu nhập gấp đôi, ba lần so với cây mía. Hiện không ít hộ đã bỏ nhiều diện tích trồng mía và loay hoay chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tốt, mà cần có sự thay đổi tích cực hơn về tư duy sản xuất. Tỉnh Thanh Hóa cũng đang tích cực cùng với doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn tìm giải pháp và hướng đi tích cực cho cây mía.
Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân giá mía niên vụ 2018 - 2019 tiếp đà giảm giá so với niên vụ trước được cho là do ảnh hưởng chung từ giá đường trên thế giới giảm và trữ lượng đường trong nước đang còn tồn dư cao.
Ông Phạm văn Trinh - Chánh văn phòng Công ty Mía Đường Lam Sơn cho biết: Giá đường hiện nay đã gần như ở mức thấp nhất so với 2 năm trước, giảm xuống đến 25%. Hiện nay, trong kho nhà máy đang còn tồn trên 30 nghìn tấn đường. Chính vì giá đường thấp nên kéo theo giá mía cũng “tụt dốc”. "Với cơ chế thị trường như hiện nay cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan ban ngành để tìm giải pháp cho ngành mía đường trong nước. Song song với đó, sở tại cần thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ đất, thâm canh, đưa khoa học kỹ thuật vào thâm canh sản xuất để giảm giá thành trồng trọt cây mía, có như vậy chi phí sản xuất thấp thì giá mía mới được đảm bảo", anh Trinh cho biết thêm.
Trước những khó khăn trên, tỉnh Thanh Hóa đã có những chỉ đạo yêu cầu các nhà máy mía đường phải công bố giá cả và chính sách đầu tư, hỗ trợ rõ ràng. Tránh tình trạng mỗi nơi, mỗi nhà máy một giá khác nhau. Và nếu, giá mía tiếp tục giảm, cần phải tính toán, cân đối.
Như vậy, tình trạng người dân cũng như doanh nghiệp tại Thanh Hóa cũng đang “lao đao” không còn mấy mặn mà với cây mía là rõ. Nếu không sớm có “chính sách” níu chân người trồng mía, hỗ trợ doanh nghiệp mía đường thì việc quay lưng, từ bỏ loại cây trồng này chỉ là chuyện sớm muộn. Và như vậy, mục tiêu kế hoạch duy trì số diện tích cây mía sẽ đứng trước nhiều khó khăn.