Gỡ “nút thắt” cho du lịch Điện Biên

Phan Nam 20/03/2019 11:32

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị “Điện Biên thu hút đầu tư các điểm du lịch có quy mô, có tầm vóc để tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm bản săc văn hóa, lịch sử”.

Tuy nhiên, nếu dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo cảng hàng không (CHK) Điện Biên Phủ không sớm được triển khai thì du lịch Điện cũng khó “cất cánh”.

Có thể bạn quan tâm

  • Lễ hội Hoa Ban - Sức hút của núi rừng Điện Biên

    18:56, 16/03/2019

  • Điện Biên: “Thỏi nam châm” vùng cực Bắc

    03:46, 16/03/2019

  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Điện Biên thu hút đầu tư các điểm du lịch có quy mô

    23:00, 16/03/2019

  • Vietjet Air đề xuất xây dựng nhà ga hành khách sân bay Điện Biên

    07:04, 20/03/2019

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Cảnh quan hùng vĩ cùng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa hòa quyện cùng sắc đẹp hoa ban đã làm Điện Biên - Tây Bắc trở thành một khu du lịch tiềm năng, một điểm đến lôi cuốn đối với nhiều người. Tiềm năng du lịch của Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung còn rất lớn, rất cần được quan tâm chỉ đạo, thu hút đầu tư để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân".

p/Đầu tư, xây dựng mở rộng Cảng hàng không nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông vận tải, tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên thu hút đầu tư, phát huy tiềm và năng lợi thế.

Đầu tư, xây dựng mở rộng Cảng hàng không nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông vận tải, tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên thu hút đầu tư, phát huy tiềm và năng lợi thế.

Rào cản lớn

Theo Phó Thủ tướng: Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung cần có chương trình, dự án đầu tư lớn để nâng cấp hạ tầng giao thông; thu hút đầu tư các điểm du lịch có quy mô, có tầm vóc để tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm bản săc văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, cần tập trung phát triển mạnh du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đặc sắc nơi đây trên cơ sở giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và thúc đẩy việc kết nối hình thành các tuyến du lịch gắn với các địa danh du lịch, các địa phương có di sản văn hóa, lịch sử trong nước và quốc tế.

Với rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng trên thực tế, hạ tầng giao vẫn là trở ngại lớn nhất để du lịch Điện Biên cất cánh. Điển hình như trong những ngày tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2019 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VI vừa qua, rất nhiều chuyến bay từ Hà Nội lên Điện Biên đã bị hoãn huỷ. Thậm chí ngày 15/3/2019, cả hai chuyến bay lên Điện Biên đều phải huỷ do điều kiện thời tiết xấu, máy bay không thể hạ cánh. Nhiều du khách quốc tế và trong nước đã vào phòng chờ nhưng phải nhận lại hành lý và di chuyển bằng đường bộ để lên Điện Biên.

Đến ngày 17/3/2019, rất nhiều du khách đã bị lỡ chuyến bay từ Điện Biên về Hà Nội do chỉ có một chuyến về.
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đồng Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Vietlink Travel cho biết: Chúng tôi đang đi khảo sát để mở tour tới Điện Biên nhưng với điều kiện giao thông hiện tại, nhất là hàng không rất khó để phát triển du lịch. Đặc biệt là thu hút khách du lịch quốc tế.

CHK Điện Biên là sân bay cấp 3C, hiện có 03 vị trí đậu,đảm bảo khai thác các loại tàu bay ATR72 và tương đương. Công ty Bay dịch vụ hàng không – VASCO (Chi nhánh của Vietnam Airlines) là đơn vị khai thác đường bay Hà Nội – Điện Biên với tần xuất trung bình 2 chuyến/ngày. Bên cạnh đó, giá vé tuyến bay Điện Biên - Hà Nội trong một giờ là trên 1,985 triệu đồng/lượt/người, cao nhất khu vực và đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Gỡ “nút thắt”

Theo Quyết định 2501 ngày 28/8/2017 của Bộ GTVT phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK Điện Biên, đây là CHK nội địa có hoạt động bay quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Giai đoạn đến năm 2020, cảng có công suất 300.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm, với 3 vị trí đỗ tàu bay phục vụ các loại tàu bay A320, A321 và tương đương. Định hướng đến năm 2030, cảng có công suất 2 triệu hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm với 6 vị trí đỗ tàu bay gồm 3 vị trí cho tàu bay ATR72 và 3 vị trí cho tàu bay A320.

p/Nhiều du khách đợi ở phòng chờ sân bay Nội Bài để lên Điện Biên ngày 15/3/2019 nhưng phải quay về vì máy bay không thể cất cánh do thời tiết xấu.

Nhiều du khách đợi ở phòng chờ sân bay Nội Bài để lên Điện Biên ngày 15/3/2019 nhưng phải quay về vì máy bay không thể cất cánh do thời tiết xấu.

Trong thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án giao UBND tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc sớm đầu tư và xây dựng mở rộng CHK đáp ứng quy mô quy hoạch là cần thiết, nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông vận tải, nâng cao năng lực vận tải hàng không và tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là về du lịch; Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Điện Biên và miền Tây bắc của Tổ quốc.

Nhưng do điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc đề xuất nghiên cứu đầu tư và xây dựng mở rộng CHK Điện Biên theo hình thức PPP được đánh giá là phù hợp.

Mới đây, UBND tỉnh Điện Biên đã có công văn số 242 gửi Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất đầu tư nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Điện Biên với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.000 tỉ đồng của Vietjet...

Theo đề xuất, Vietjet sẽ xây dựng mới 1 nhà ga hành khách hiện đại, 2 cao trình, diện tích sàn khoảng 16.000m2, công suất 2 triệu hành khách/năm, 800 hành khách/giờ; đảm bảo đỗ cùng lúc 4 tàu bay A320/B737.

Tổng mức đầu tư dự án là 4.465 tỉ đồng (dự kiến hoàn thành các thủ tục liên quan và ký kết các hợp đồng dự án trong quý 4-2019, nghiệm thu và đưa vào vận hành toàn bộ các công trình của dự án trong quý 4-2021) trong đó chi phí xây dựng là 2.242 tỉ đồng (nhà ga hành khách 693,8 tỉ đồng, khu bay 807 tỉ đồng...); chi phí thiết bị 394 tỉ đồng; giải phóng mặt bằng là 1.101 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án là 21 tỉ đồng; lãi vay 103 tỉ đồng...

Vietjet đề nghị công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ do UBND tỉnh Điện Biện sắp xếp, bố trí vốn; các công trình khu bay (đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay, đường lăn nối) sẽ sử dụng 100% ngân sách.
Đối khu nhà ga hành khách, Vietjet đề xuất áp dụng theo hình thức BOT, thời gian thực hiện hợp đồng là 55 năm.

UBND tỉnh Điện Biên nêu rõ, việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ theo quy hoạch được duyệt là rất cấp bách. Cảng hàng không Điện Biên được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc, được sửa chữa gần đây nhất vào năm 2004, chỉ khai thác được máy bay ATR72 và tương đương trở xuống.

Do đó việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp sân bay sẽ nâng cao năng lực vận tải hàng không, mở thêm các tuyến bay mới, tạo điều kiện cho địa phương phát triển đồng bộ, nhanh chóng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.

Theo thông tin của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, cuối tháng 3/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về phương án đầu tư nâng cấp, cải tạo CHK Điện Biên. Hy vọng “nút thắt” đối với du lịch nói riêng và vận chuyển hàng không của Điện Biên sẽ sớm được tháo gỡ.

“Điện Biên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, Đoàn thể Trung ương; sự phối hợp giúp đỡ của các tỉnh thành trong cả nước, của các doanh nghiệp để đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của Khu vực Tây Bắc.”- ông Mùa A Sơn đề xuất.

Phan Nam