Quảng Nam: Xuất hiện "đảo cát" bất thường ngoài biển Cửa Đại Hội An
Bãi cát hình khủng long hình thành bên ngoài biển Cửa Đại là chuyện lạ, nó chắn ngang đường di chuyển của tàu thuyền gây cản trở giao thông cho bà con ngư dân.
Hơn 2 năm trước, người dân nơi làng chài Cửa Đại làm lễ gọi cát về. Thế nhưng sự khẩn cầu vẫn vô vọng, biển vẫn nuốt trôi hàng trăm m bờ biển và công phá đánh bay bờ kè bê tông ăn sâu vào đất liền. "Qui luật muôn đời nay là bên lở thì bên bồi. Nhưng chuyện bãi cát hình khủng long hình thành bên ngoài biển Cửa Đại hơn một năm nay là chuyện lạ. Bãi cát chắn ngang đường di chuyển của tàu thuyền từ biển về Cửa Đại gây cản trở giao thông cho bà con ngư dân", lão ngư dân Nguyễn Hùng (67 tuổi) ở Cửa Đại Hội An nói.
"Đảo cát" hình thành giữa biển nơi cửa sông
Ngay sau khi rừng dương phòng hộ dọc ven biển làng chài Cửa Đại bị xóa sổ nhường đất cho các khu nghỉ dưỡng, resots với kè chắn bê tông đã không chịu đựng nổi sức công phá của sóng biển. Hàng trăm m kè bê tông kiên cố bị sóng biển đánh tan tành, cuốn trôi bờ biển ăn sâu vào đất liền hàng trăm m gây sạt lở bờ biển Cửa Đại (Hội An) đe dọa hàng loạt công trình dân sinh, khu nghỉ dưỡng đầu tư hàng trăm triệu USD. Trong khi đó, khu vực cửa sông Thu Bồn chảy ra biển đã bị cát bồi lấp. Phía ngoài cửa biển Cửa Đại đã hình thành một "đảo cát" hình khủng long tuyệt đẹp.
Vệt cát này hình thành và lớn dần thành "đảo cát" hình khủng long từ gần 2 năm nay có nguy cơ chặn dòng chảy cửa sông Thu Bồn và gây khó khăn cho tàu thuyền từ biển vào Cửa Đại.
Lý giải hiện tượng cát bồi thành đảo ngoài khơi và bồi lấp Cửa Đại, Ths.Nguyễn Ngọc Thế, Trưởng khoa Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường (Trường cao đẳng công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung), cho rằng nguyên nhân do xói lở bờ bắc Cửa Đại và đợt mưa năm 2017 đưa cát từ thượng lưu sông Thu Bồn tạo thành bãi cát này.
“Đối với dòng chảy bình thường như mọi năm thì không đủ sức để đưa bùn cát từ thượng lưu Thu Bồn về Cửa Đại, tuy cũng có nhưng số lượng rất nhỏ. Đặc biệt, từ những đợt mưa lũ lớn như vào năm 2017 và các thủy điện xả lũ, khi năng lượng dòng chảy của sông lớn, kéo theo lượng bùn cát trên thượng lưu theo đó chảy về Cửa Đại. Thứ hai, do cơ chế xói lở ở bờ biển Cửa Đại, khi có gió mùa đông bắc, sóng lớn gây xói lở bờ biển phía bắc, từ đó lấy đi lượng cát rất lớn”-Ths. Nguyễn Ngọc Thế phân tích và cho hay qua nghiên cứu, lượng bùn cát sạt lở từ bờ tập trung tại cửa sông Thu Bồn.
Qua nghiên cứu nhiều năm về sạt lở bờ biển mà đặt biệt là khu vực bờ biển Cửa Đại, Hội An, Ths. Nguyễn Ngọc Thế cho rằng khi xuất hiện gió mùa tây nam, đông nam, theo cơ chế sóng tác động mang lượng bùn cát bên ngoài đưa ngược lại vùng ven bờ. “Tuy nhiên, cơ chế này hiện không đủ sức điều hòa lượng bùn cát cho khu vực bờ biển phía bắc Cửa Đại, mà chỉ đủ sức tập trung bùn cát tại cửa sông Thu Bồn mà thôi.
Lượng bùn cát tạo thành đảo và bãi bồi như ta thấy hiện nay là do lượng cát này và cát từ ngoài khơi theo gió mùa, chứ không phải lượng cát đổ từ sông Thu Bồn về. Bởi năng lượng của dòng chảy sông Thu Bồn không đủ sức đưa bùn cát về bồi lắng như vậy được”- Ths. Nguyễn Ngọc Thế, nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Thế Hùng, một chuyên gia nghiên cứu nhiều năm hệ thống sông Thu Bồn-Vu Gia cho biết kể từ khi chính quyền Quảng Nam cho xây dựng hệ thống 8 nhà máy thủy điện bậc thang cùng hàng chục nhà máy thủy điện nhỏ và vừa trên đầu nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn đã khiến dòng chảy bị cạn kiệt và không còn lượng bùn cát theo dòng chảy đưa về bồi lấp.
"bãi cát hình thành ngoài biển Cửa Đại là do sóng làm xói lở khu vực bờ biển Cửa Đại (Hội An) và bờ biển Duy Xuyên theo dòng chảy của gió mùa bồi lấp hình thành. Đây là hiện tượng bất thường không theo qui luật bên lở bên bồi của tự nhiên sau khi hàng loạt dự án thủy điện được xây dựng trên đầu nguồn của hệ thống Vu Gia-Thu Bồn."-Ông Hùng lý giải.
Ném tiền qua Cửa Đại vẫn không giữ được bờ biển
Bắt đầu từ năm 2013, tình trạng sạt lở bờ biển phía bắc Cửa Đại diễn ra ngày càng khốc liệt. Được sự hỗ trợ của T.Ư và tỉnh Quảng Nam, UBND TP.Hội An đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng kè biển bằng bê tông, kể cả sử dụng đê bao bằng cát để bảo vệ bờ biển phía bắc dài hơn 7,5 km.
Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, nên chỉ làm được trên 1,35 km. Qua nhiều hội thảo quốc tế có, trong nước có, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp để cứu bờ biển Cửa Đại. Nhưng sức người có hạn trước sự tàn phá của thiên nhiên sau khi hàng nghìn ha rừng phòng hộ dọc vùng ven biển này bị xóa sổ để phát triển du lịch.
Cuối tháng 2.2019, tại TP.Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức hội thảo để nghe các chuyên gia đầu ngành góp ý cho một số giải pháp, trong đó giải pháp tạo bãi nuôi bờ chống xói lở bờ biển.
Tại Hội thảo này, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng cho rằng giải pháp tạo bãi nuôi bờ - thi công đê ngầm kết hợp nuôi bãi và làm thêm đê bảo vệ bờ, có tính khả thi cao nhất. “Qua theo dõi thực tế từ 2013 đến nay, xu thế sạt lở bờ biển Hội an càng ngày càng diễn biến phức tạp. Các giải pháp mà TP.Hội An thực hiện thời gian qua chỉ mang tính tạm thời, cấp bách trước mắt. Nếu giải pháp này được triển khai cho 7,5 km bờ biển Cửa Đại sẽ tạo nên sự ổn định, yên tâm cho người dân và các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực ven biển Hội An."
Nói về hiện tượng "đảo cát" mới hình thành ngoài biển Cửa Đại cản trở dòng chảy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đồng tình với nhận định của chuyên gia về cơ chế hình thành đảo cát. Đảo cát này hình thành cách đây hơn 5 năm với kích thước nhỏ. Đến nay, "đảo cát" này ngày càn rộng nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ để tìm nguyên nhân.
"Đảo cát" này ngày càng lớn và đang có nguy cơ cản trở dòng chảy tại cửa sông, và gây nguy hiểm cho luồng tuyến của tàu thuyền ngư dân ra vào cửa biển này.
Theo ông Lê Trí Thanh, UBND tỉnh Quảng Nam đang yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh và nhờ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu để đưa ra giải pháp hữu hiệu bảo vệ bờ biển Hội An, khơi thông dòng chảy tại Cửa Đại đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào.
Sau khi có nghiên cứu đầy đủ, tỉnh sẽ nghiên cứu phương án thăm dò có thể hút cát từ đảo mới hình thành để phun trả về phía bờ biển Cửa Đại đang bị biển xâm thực gây sạt lở nặng nhằm bảo vệ các công trình tại khu vực này. Đồng thời khơi thông dòng chảy Cửa Đại để đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực cửa biển quan trong này.