Quảng Ninh: Xây dựng Hệ thống thông tin đất đai có kịp trước 2020?
Hiện, các ngành chức năng Quảng Ninh đang thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt hệ thống thông tin đất đai tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, khoảng 80% số đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn có liên quan đến lĩnh vực đất đai. Để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu khiếu kiện, thúc đẩy tính minh bạch, hiện đại hóa trong công tác quản lý đất đai, Quảng Ninh đang chú trọng vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Từ ví dụ một thửa đất, hai nguồn gốc
Thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu phía nam QL18A (đoạn từ Km5 đến Km8), hộ bà Nguyễn Thị Tiến (trú tổ 3, khu 4, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) bị thu hồi 70m2 đất. Theo phương án bồi thường của hộ bà Tiến, trong tổng diện tích đất bị thu hồi, phần diện tích 24,7m2 thuộc thửa 119/36/BĐĐC được xác định là đất giao thông, do vậy không bồi thường hỗ trợ. Không đồng ý với phương án, bà Tiến đã có đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền.
Liên quan đến việc xác minh nguồn gốc sử dụng phần diện tích này, phường Hồng Hà có các văn bản báo cáo, xác minh, nhưng lại không nhất quán, chưa đúng quy định. Theo xác minh ban đầu, căn cứ vào phiếu lấy ý kiến khu dân cư, nguồn gốc thửa đất do ông Vi Văn Tuệ khai phá và sử dụng. Đến năm 1990, ông Tuệ chuyển nhượng cho bà Tiến, bà Tiến sử dụng làm vườn. Năm 1997, khi đo bản đồ địa chính, gia đình sử dụng làm sân, không cập nhật vào thửa 120 mà cập nhật chung vào thửa 119 là đất hoang, đất công cộng. Nếu theo nguồn gốc này thì phần diện tích 24,7m2 đủ điều kiện bồi thường (18,2m2 nằm ngoài hành lang đường điện đủ điều kiện bồi thường là đất ở; 6,5m2 nằm trong hành lang đường điện bồi thường là đất trồng cây lâu năm).
Tuy nhiên, ngày 5/3/2019, UBND phường Hồng Hà có Báo cáo 25/BC-UBND báo cáo lại nguồn gốc sử dụng phần diện tích trên. Theo đó, xác định năm 2002 bà Tiến đã tự ý sử dụng ra ngoài diện tích đã được xác lập trong bản đồ địa chính và sử dụng vào thửa đất 119 là đất giao thông do phường quản lý. Theo nguồn gốc này thì phần diện tích trên không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ.
Tại buổi đối thoại ngày 15/3/2019 của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh với hộ bà Tiến, ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định mấu chốt của vụ việc là xác định nguồn gốc sử dụng đất, cần phải được làm rõ, đúng quy trình.
Nếu có một hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh, thì việc xác minh nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất trong trường hợp trên có lẽ sẽ đơn giản, thống nhất và đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều.
Xây dựng hệ thống theo hướng ứng dụng công nghệ mới
Ông Nguyễn Thế Tẽo - Trưởng Phòng Quản lý đo đạc bản đồ và viễn thám (Sở TN&MT) cho biết, ngày 10/10/2018 UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 4017/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng Hệ thống thông tin đất đai tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Căn cứ đề cương đã được phê duyệt, Sở lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng Hệ thống thông tin đất đai tỉnh đến năm 2020. Hiện các ngành đang thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt; dự kiến triển khai từ quý II/2019.
Được biết, đến nay 186/186 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Quảng Ninh hoàn thành đo bản đồ địa chính. Sau khi nhận bàn giao bản đồ địa chính, các địa phương đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo số liệu đo vẽ địa chính. Việc cấp giấy chứng nhận theo kết quả đo đạc địa chính đã tạo sự thống nhất giữa hồ sơ và thực tế sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Đồng thời đáp ứng nhu cầu của công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng.
Có thể bạn quan tâm
PCI 2018: Cách nào giúp Quảng Ninh giữ “ngôi vương”?
12:12, 28/03/2019
PCI 2018: Quảng Ninh tiếp tục giành "ngôi vương"
09:30, 28/03/2019
Siêu dự án nuôi tôm nghìn tỷ ra mẻ tôm giống đầu tiên 12 triệu con tại Quảng Ninh
19:24, 27/03/2019
Trước đó, Sở TN&MT phối hợp với TP Uông Bí và TP Cẩm Phả thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các xã, phường. Hiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của 2 địa phương này đang được vận hành trên hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và đường truyền mạng WAN toàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung hiệu quả của dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tại TP Uông Bí và TP Cẩm Phả còn nhiều hạn chế, không phù hợp với việc xây dựng chính quyền điện tử và kết nối với đề án thành phố thông minh đang triển khai trên địa bàn.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kết luận (Thông báo số 194/TB-UBND), phải xác định xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý đất đai, phải gắn kết với việc triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh và việc triển khai chính quyền điện tử.