Hải Phòng: Cần 3.658 tỷ đồng xây cảng, bến thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2025
Từ nay đến năm 2025, TP Hải Phòng sẽ tập trung vốn đầu tư thực hiện các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
UBND TP Hải Phòng vừa có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Việc triển khai quy hoạch sẽ được thực hiện theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ giữa đầu tư cảng bến, luồng và công nghệ xếp dỡ đảm bảo giảm giá thành vận tải, gắn kết cuỗi cung ứng logistic. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, trung tâm du lịch lớn, trung tâm logistics trên địa bàn thành phố để giảm thiểu chi phí dịch vụ; kết hợp đa dạng, hợp lý các loại hình cảng, bến thủy hàng hóa, cảng chuyên dùng, cảng hành khách…
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn TP đáp ứng 19,44 - 22,24 triệu tấn hàng hóa/năm và 8,67 – 9,21 triệu lượt hành khách/năm; đến năm 2025, đáp ứng 27,43 – 32,45 triệu tấn hàng hóa/năm và 9,65 - 11,57 triệu lượt hành khách/năm. Nâng tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng biển được vận chuyển bằng đường thủy nội địa đến năm 2025 đạt 4%-4,5%.
Đến năm 2030, Hải Phòng tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa thành phố. Hiện đại hoá công tác quản lý và xếp dỡ, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý; đáp ứng từ 36,16 - 43,84 triệu tấn hàng hóa/năm và từ 10,76 - 13,40 triệu lượt hành khách/năm; nâng tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng biển được vận chuyển bằng đường thủy nội địa đến năm 2030 đạt 5% - 5,5%.
Đối với quy hoạch cảng thuỷ nội địa, đến năm 2020 sẽ quy hoạch mới 1 cảng khách Cát Hải khu vực gần Bến Gót hiện nay; đến năm 2025, sẽ quy hoạch 5 cảng khách, trong đó, duy trì 1 cảng khách Cát Hải, nâng cấp 4 bến thủy nội địa từ các bến Bính, bến Cát Bà, bến Cái Viềng và bến Gót thành cảng khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch; định hướng đến năm 2030, duy trì, nâng công suất 5 cảng khách hiện hữu.
Đối với quy hoạch cảng hoàng hóa, đến năm 2020 sẽ quy hoạch 21 cảng thủy nội địa với tổng công suất 11,03 triệu tấn/năm (trong đó, duy trì 15 cảng hiện hữu, nâng cấp 4 cảng từ bến hàng hóa và xây dựng mới 2 cảng). Đến năm 2025, quy hoạch 62 cảng thủy nội địa với tổng công suất 29,2 triệu tấn/năm; giai đoạn này sẽ xây dựng mới 11 cảng; định hướng đến năm 2030, sẽ quy hoạch 81 cảng thủy nội địa với tổng công suất 37,35 triệu tấn/năm…
Nhu cầu vốn đầu tư của TP Hải Phòng cho phát triển hệ thống xây dựng cảng, bến thủy nội địa giai đoạn từ nay đến 2020 khoảng 879 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cảng 530 tỷ đồng, vốn đầu tư bến cần 349 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 3.658 tỷ đồng, trung bình cần đầu tư 731,6 tỷ đồng/năm, trong đó, vốn đầu tư cảng 2.740 tỷ đồng, vốn đầu tư bến 918 tỷ đồng; Giai đoạn 2026 - 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng khoảng 4.250 tỷ đồng, trung bình 850 tỷ đồng/năm, trong đó, vốn đầu tư cảng 1.380 tỷ đồng, vốn đầu tư bến 2.870 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Có hay không việc "bao đậu" thi bằng lái xe tại Hải Phòng?
11:29, 31/03/2019
Dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm - Hải Phòng: Thay bồi thường bằng hỗ trợ có thuyết phục?
11:24, 30/03/2019
Hải Phòng chuẩn bị có nhà máy đốt rác phát điện
10:35, 30/03/2019
UBND TP Hải Phòng giao Sở GTVT tập trung triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông vận tải thủy do thành phố quản lý. Phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa; triển khai các cơ chế, chính sách pháp lý để khuyến khích đầu tư; bố trí vốn đầu tư công cho các dự án, quỹ đất quy hoạch, vùng nước dành cho phát triển cảng, bến thủy nội địa, đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa…
Theo đó, tập trung vào 5 nhóm giải pháp, bao gồm: Tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác mở - lập - xây dựng cảng, bến thủy nội địa; tăng cường các nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư xây dựng cảng, bến kết hợp với phát triển du lịch và phục vụ chuỗi cung ứng logistics; tạo cơ sở kết nối hiệu quả với các phương thức vận tải khác, đặc biệt là vận tải thủy nội địa, vận tải biển đến các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung xử lý các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn giữa phương tiện thủy và công trình vượt sông trên địa bàn; áp dụng giao thông thông minh trong quản lý, vận hành khai thác các cảng, bến thủy nội địa, ứng dụng khoa học công nghệ trong đầu tư trang thiết bị bốc xếp hàng hóa tại các cảng, bến thủy nội địa.