Tái định cư tại các thủy điện Thanh Hóa: Đừng để dân cảm thấy bị bỏ rơi
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có nhiều điểm tái định cư đang bộc lộ bất ổn. Cùng với sự “thờ ơ” của chủ đầu tư là muôn vàn nỗi khổ của người dân các khu tái định cư phải chịu đựng.
Dân nghèo khổ đủ đường
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có 13 dự án thủy điện đã triển khai đầu tư, trong đó có 4 dự án phải bố trí di dân tái định cư (TĐC) tập trung, đó là các dự án thủy điện Trung Sơn, thủy điện Hồi Xuân, thủy điện Bá Thước 1 và 2. Các dự án còn lại do số lượng di dân không nhiều, nên hộ dân tự di chuyển hoặc bố trí xen ghép. Việc di dân, TĐC tập trung ở các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước. Các địa phương đã có phương án quy hoạch xây dựng 6 khu, 13 điểm TĐC tập trung tại 7 xã của 3 huyện với 930 hộ (trong đó TĐC tập trung là 432 hộ).
Các hộ dân được bố trí sống tại các khu tái định cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, cuốc sống vốn đã khó khăn nay chuyển về sống tại các khu TĐC lại càng trở nên khó khăn hơn.
Đơn cử như tại dự án thủy điện Trung Sơn (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa) để phục vụ dự án, một số các hộ dân xã Trung Sơn nằm trong phạm vi lòng hồ buộc phải sơ tán đến khu tái định cư mới. Theo đó, bản Tà Bán, xã Trung Sơn có 221 hộ với 839 nhân khẩu và bản Xước có 34 hộ với 120 nhân khẩu sẽ chuyển đến ở 5 khu thuộc dự án tái tái định cư thủy điện Trung Sơn gồm: Keo Đắm, Pom Chốn, Co Pùng, Pa Búa và Tà Bục.
Theo phản ánh của người dân nơi đây, khi chuyển về địa điểm mới thuộc dự án tái định cư, người dân đã gặp phải rất nhiều khó khăn như thiếu nước sinh hoạt, đất được chia thuộc loại đất bạc màu, nhiều sỏi đá không thể trồng cây hoa màu phục vụ đời sống. Nhiều hộ dân được chia cả phần đất dốc, nghiêng, vách sâu, gây khó khăn cho quá trình lao động, sản xuất, trồng trọt. Thậm chí, nhiều hộ dân được chia cả vào phần đất của người khác hiện vẫn chưa được giải phóng, đền bù. Chính vì những lí do trên nên đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân vẫn chưa bằng lòng về nhận đất để ổn định cuộc sống tại khu tái định cư.
Mặc dù thủy điện Trung Sơn là thủy điện duy nhất có tính đến dự án sinh kế sau TĐC cho hộ dân nhưng nó chưa thực sự hiệu quả, chưa thực sự thiết thực với cuộc sống của người dân.
Các điểm quy hoạch khu TĐC hầu hết chưa tính hết các yếu tố sinh kế bền vững, chưa thực sự quan tâm đến phong tục, tập quán, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, có nơi quy hoạch chưa hợp lý, bố trí nơi ở trên đỉnh núi cao, mặt bằng không đều, xa nơi canh tác, thiếu nguồn nước sinh hoạt, chất lượng đất kém, nguy cơ sạt lở cao như ở điểm TĐC Kéo Đắm, huyện Quan Hóa và bản Lìn, xã Trung Lý, huyện Mường Lát.
Đặc biệt, tại thủy điện Hồi Xuân triển khai xây dựng một số điểm TĐC quá chậm làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Có một số điểm TĐC được triển khai xây dựng gần 10 năm, đến nay chưa thể bàn giáo được mặt bằng hoàn chỉnh cho người dân như khu TĐC của bản Sa Lắng.
Công trình chưa phù hợp
Được biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hai quy hoạch thủy điện với 16 dự án, bao gồm quy hoạch bậc thang sông Mã có 9 dự án với tổng công suất 704,6MW và quy hoạch thủy điện nhỏ có 7 dự án với tổng công suất 62,1MW. Có 3 dự án đã đi vào hoạt động là dự án Thủy điện Bá Thước II, Thủy điện Cửa Đạt và Thủy điện Dốc Cáy.
Ngoài ra, tỉnh này còn có 12 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất khoảng 140MW, tổng mức đầu tư khoảng trên 4.600 tỷ đồng đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu.
Mặc dù, tỉnh Thanh Hóa sau khi được phê duyệt chủ trương xây dựng các nhà máy thủy điện thì lãnh đạo tỉnh này cũng rất quan tâm đến việc bố trí TĐC, sinh kế cho các hộ dân phải di dời nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực sự chú trọng tới những nhu cầu cần thiết của người dân.
Theo một số hộ dân ở bản Kéo Đắm xã Trung Sơn cho biết, việc quy hoạch xây dựng nhà ở cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhưng lại làm như nhà ở của cư dân đô thị, không phù hợp với phong tục, tập quán. Ngoài ra, một số công trình như công trình nước sinh hoạt không hiệu quả, thiết kế công trình nước sinh hoạt do sử dụng ống kẽm nhỏ, han gỉ, thiết kế kỹ thuật không phù hợp nên một số hộ dân ở cuối nguồn không có nước dùng.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cũng đã nêu rõ những hạn chế trong quy hoạch khu TĐC của các dự án thủy điện như: Một số hộ dân nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của dự án được duyệt, nhưng khi xây dựng công trình và tích nước vẫn bị ngập nước như thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước.
Không chỉ vậy việc khảo sát, đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng của một số dự án thủy điện chưa chính xác, đề xuất quy hoạch, bố trí dân cư chưa phù hợp, thiếu tính bền vững. Đa số các công trình xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy chế quản lý, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh môi trường kém nên nhanh hư hỏng, xuống cấp...
Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách về di dân TĐC ở một số điểm chưa được đúng mức, đồng bào chưa thực sự hiểu hết các chính sách, định mức, hình thức đền bù, hỗ trợ dẫn đến việc người dân thắc mắc...
Ngoài những nỗ lực cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống tại khu TĐC thủy điện của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, vẫn cần lắm những chủ đầu tư dự án thủy điện không chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà hãy quan tâm thực sự đến nhu cầu thiết thực của những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án. Để mỗi dự án thủy điện đi qua không trở thành nỗi ám ảnh của người dân.