Kon Tum: Hàng trăm hộ dân “sống mòn” bên công trình nghìn tỷ

Nam Phong 18/04/2019 05:00

Hàng trăm hộ dân tái định cư thủy điện Đắk Đrinh xã Đắk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) hơn 6 năm chuyển đến nơi ở mới vẫn lay lắt sống mòn bên công trình nghìn tỷ.

Dự án thủy điện Đắk Đrinh do Cty cổ phần Thủy điện Đắk Đrinh (Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án khởi công tháng 9/2009, với công suất 125MW, vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Thủy điện này đã lấy đi khoảng 2.000ha của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Năm 2013, tỉnh Kon Tum đã di dời 192 hộ dân với 843 khẩu để phục triển khai dự án nhưng đến nay đã 6 năm trôi qua thủy điện này vẫn chưa hoàn thành bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Không  có  ruộng rẫy, việc làm, sống trong căn nhà tái định cư to, đẹp nhưng đói cái bụng, nhiều hộ dân vì sinh kế đã bỏ làng quay về nơi ở mới bất chấp nguy hiểm tính mạng.

Rảnh rỗi không có việc làm, những người dân khu tái định cư thường tụ họp nhau uống rượu

Rảnh rỗi không có việc làm, những người dân khu tái định cư thường tụ họp nhau uống rượu

Bi kịch của… nhàn rỗi

Đang vào mùa dọn sạch nương rẫy để gieo trồng mới nhưng nhiều hộ dân xã Đắk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) thuộc diện tái định cư của thủy điện Đắk Đrinh lại “ngồi chơi xơi nước” vì không có đất để làm.

Vợ chồng Đinh Văn Tối và Y Rít (làng Xô Luông, xã Đắk Nên) hết quanh quẩn trong căn nhà khu tái định cư, rồi lại ngồi vật vờ nghe nhạc vì rảnh rỗi không có việc để làm. Khi chuyển đến đây, vợ chồng anh được cấp 1 căn nhà ở, 1 ha đất rẫy và 2 sào lúa nước. 1 ha đất rẫy cằn cỗi không thể trồng mì, ngô nên vợ chồng anh đã trồng keo. Riêng 2 sào lúa nước thì mới bị người làng Tu Rét đòi lại do chủ đầu tư thủy điện lấy đất của họ để cấp cho các hộ tái định cư vẫn chưa hoàn thành bồi thường.

Phần lớn ngôi nhà tái định cư làng Xô Luông không có người ở, bỏ không

Phần lớn ngôi nhà tái định cư làng Xô Luông không có người ở, bỏ không

Theo chị Y Rít, do không có đất canh tác nên nhiều người làng phải bỏ đi làm thuê kiếm sống. Đàn ông, phụ nữ ở lại rảnh rỗi rồi “sinh tật”, thường tụ tập nhau uống rượu cho… bớt buồn. Rượu mua tại làng không rõ nguồn gốc nên đã gây nên nhiều hệ lụy đau lòng như gây gổ đánh nhau, đau bệnh….

Chị Y Đối (làng Vương, xã Đắk Nên) nhẩm tính mới mấy năm chuyển tới nơi ở mới nhưng cả làng có tới 12 người chết. Trong đó có 8 người chết do tự tử, 1 người bị đánh chết và 3 người chết do đau bệnh. Quá nhiều người chết nên người làng nói rằng vùng đất này bị “ma ám”, những căn nhà có người chết gia đình cũng không dám ở mà phải bỏ đi ở chỗ khác.

Một trong những vụ án ám ảnh nhất do rượu mà chị Y Đối từng thấy là vào chiều 16/9/2015, A Nam (SN 1981) và vợ Y Thuận (1996) cùng 2 người khác uống rượu tại nhà. Sau khi uống khá nhiều rượu, A Nam sợ vợ say không chăm con mới 9 tháng tuổi được nên không cho Y Thuận uống nữa. Tuy nhiên, Y Thuận cự cãi và tiếp tục ngồi uống rượu thì bị A Nam đánh. Thấy vậy, hai người bạn nhậu vội bỏ chạy. Y Thuận tức giận lấy thanh củi đập vào đầu chồng khiến A Nam tử vong. Y Thuận sau đó bị TAND tỉnh Kon Tum tuyên phạt  24 tháng tù về tội “giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh”.

Phần lớn ngôi nhà tái định cư làng Xô Luông không có người ở, bỏ không

Phần lớn ngôi nhà tái định cư làng Xô Luông không có người ở, bỏ không

Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó bí thư Đảng ủy xã Đắk Nên nói do nhiều người chết nên bà con lo sợ bị ma ám, nhưng thực tế những người tự tử đều là những người uống rượu nhiều, có biểu hiện thần kinh không bình thường rồi tự tử.

Có thể bạn quan tâm

  • Kon Tum: Lâm tặc “manh động” ngày giáp Tết

    13:05, 18/01/2019

  • Kon Tum: Dự án 100 tỷ đồng nguy cơ “chết yểu” vì thủ tục?

    06:31, 15/11/2018

  • Thủ tướng chỉ ra bốn trụ cột phát triển kinh tế Kon Tum

    20:08, 05/09/2018

  • Kon Tum: "Nghịch lý" - Quyết định miễn tiền thuê đất “đi ngược thời gian” của “Phó chi cục thuế huyện?

    09:00, 29/05/2018

  • Tỉnh Kon Tum: Phát triển ba vùng kinh tế động lực

    10:21, 28/03/2018

  • Kon Tum: Dự án nghìn tỷ hơn 8 năm vẫn… “đói vốn”!

    09:07, 19/12/2017

Dân “bỏ làng” vì chẳng biết làm gì!

Không có tiền, cuộc sống ở nơi tái định cư quá khó khăn nhiến người dân liều mình quay lại làng cũ hoặc tìm nơi khác để sinh sống.

Tại những khu tái định cư này, hàng chục ngôi nhà xây kiên cố theo kiến trúc người dân địa phương nhưng chỉ lèo tèo vài căn hộ có người ở. Số còn lại bỏ hoang, không cửa mặc cho lợn gà ở hoặc được lấy làm nơi chứa củi.

Theo anh Tối, năm 2013, khu tái định cư làng Xô Luông có 57 hộ chuyển tới nhưng “rơi rụng” dần theo năm tháng đến nay chỉ còn 9 hộ trụ lại. Còn tại làng Vương thì cũng có 5 hộ quay lại làng cũ hoặc đi nơi khác để sinh sống. Nguyên nhân chính là do người dân không có đất sản xuất, người dân không có nguồn thu nên quay lại làng cũ làm rẫy. Bên cạnh đó, nơi ở mới thiếu nước sinh hoạt khi nước giọt do chủ đầu tư làm mỗi năm chỉ có từ 1 đến 2 tháng. Muốn có nước người dân phỉa đi gánh từ rất xa về sử dụng. Cùng với đó, những căn nhà có người chết người dân không dám ở mà đi nơi khác sống.

“Ở đây không sống nổi! Gia đình tôi có 4 người nhưng thu nhập hàng tháng chỉ gần 1,3 triệu đồng. Trong đó tiền trợ cấp công an viên thôn được 1,1 triệu đồng của tôi và 170 ngàn đồng chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn của vợ” – anh Tối nói và cho biết trong làng nhiều người không có đất để làm thì ở nhà chơi hoặc bỏ đi nơi khách làm thuê kiếm sống.

Người dân liều mình sống bên bờ hồ thủy điện bất chấp cảnh báo từ chính quyền địa phương

Người dân liều mình sống bên bờ hồ thủy điện bất chấp cảnh báo từ chính quyền địa phương

Chị Y Rít cho biết là Chi hội phụ nữ làng Xô Luông trước đây có 53 hội viên phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Nhưng thực tế tại làng này chỉ còn 12 hội viên. Mỗi lần có hoạt động gì thì chị như người xe ôm đi về làng cũ cách đó gần chục km để chở từng người tới tham dự. 

Bí thư chi bộ làng Xô Luông – A Non cũng chuyển về làng cũ từ năm 2017 sinh sống nên hiện thôn này chỉ còn 3 Đảng viên. “Lúc trước người của thủy điện nói chúng tôi cứ lên đây đi rồi có gì khó khăn sẽ lo. Nhưng giờ lên đây rồi thì thủy điện lại bỏ rơi người dân chúng rôi” – chị Y Rít bức xúc nói.

Được biết, Dự án thuỷ điện Đăk Đrinh do 4 đơn vị gồm: Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Ngân hàng đầu tư Phát triển Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI) và TCty Sông Đà làm chủ đầu tư.

Theo giới thiệu của chủ đầu tư, Công trình thuỷ điện Đăk Đrinh được xây dựng sẽ góp phần làm tăng nguồn điện cho khu vực miền Trung, củng cố cơ sở hạ tầng khu vực huyện Sơn Tây và huyện Kon Plong là khu vực có điều kiện kinh tế chậm phát triển. Ngoài việc cung ứng điện, công trình còn tạo nguồn nước cung ứng cho công trình thuỷ lợi Thạch Nham và Khu kinh tế Dung Quất về mùa khô và cắt lũ cho hạ lưu vào mùa mưa lũ.

Dự án này ở lưu vực sông Đăk Đrinh thuộc huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Kon Plong (Kon Tum), cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 70 km về phía Tây. Tuyến đập được bố trí cách hợp lưu của 2 nhành sông Đăk Đrinh và Đăk Roman khoảng 800 m về phía hạ lưu; Nhà máy thuỷ điện được đặt trên sông Đăk đrinh cách tuyến đập 20 km về phía hạ lưu, gồm hai tổ máy với tổng công suất 125 MW.

Nam Phong