Cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh tại Hà Tĩnh: Khi cả bộ máy cùng chuyển động
Với phương châm “đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ doanh nghiệp”, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh luôn nỗ lực tìm mọi giải pháp tốt nhất để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.
Kết quả năm 2018, PCI Hà Tĩnh bứt phá tăng 10 bậc so với 2017, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành.
Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban quản lý khu kinh tế: Tạo sự lan tỏa từ các khu kinh tế, khu công nghiệp tới các doanh nghiệp
Hà Tĩnh hiện nay đang có 2 Khu Kinh tế (KKT) trọng điểm và 2 Khu Công nghiệp (KCN) đang là điểm đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp với nhiều tiềm năng lợi thế và chính sách hấp dẫn. KKT Vũng Áng đang phát triển sôi động với trên 500 doanh nghiệp, dự án đầu tư với tổng số vốn gần 18 tỷ USD. Việc triển khai thành công các dự án lớn, trọng điểm về thép, điện, cảng biển, KKT Vũng Áng sẽ tạo động lực cho các ngành công nghiệp hậu thép, công nghiệp lọc hóa dầu và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ. KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo có ưu thế về phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp gia công, lắp ráp hàng dân dụng và công nghiệp chế biến hàng hóa gắn với vùng nguyên liệu.
Đối với 2 KCN Gia Lách và Hạ Vàng với lợi thế về hạ tầng giao thông, tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN; chế biến, sản xuất sản phẩm công nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng…
Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để thu hút những dự án có chất lượng. Đây sẽ là những doanh nghiệp đầu tầu về ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm lõi. Các tổ chức, cá nhân sẽ cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các đầu tàu này.
Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường: Chỉ số tiếp cận đất đai được nâng cao sẽ là thế mạnh trong hỗ trợ doanh nghiệp
Xác định được tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng, Sở đã tập trung quyết liệt trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai. Hiện nay, đã rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày theo quy định xuống còn không quá 9 ngày, gắn việc cấp giấy chứng nhận với việc giao, cho thuê đất.
Hiện nay, có tổng số 148 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh đang có hiệu lực. Thời gian qua, với tổng số 1.521 hồ sơ tiếp nhận qua trung tâm hành chính công của ngành thì 100% hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn, không có hồ sơ chậm.
Ngành đã, đang và sẽ tiếp tục cùng các Sở, ngành phối hợp để đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư tại Hà Tĩnh. Ngành kịp thời tham mưu ban hành, sửa đổi các chính sách liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đất đê tiếp tục nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Sở tiếp tục rà soát, phân loại, tổng hợp các trường hợp doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai để xử lý dứt điểm.
Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở Giao Thông Vận tải: Huy động mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông
Những năm qua, Sở Giao thông Vận tải thực hiện phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương trên nhiều mặt, nhất là lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý, bảo trì hệ thống đường giao thông, giải tỏa vi phạm hành lang ATGT, kiểm soát xe quá tải trọng và giải phóng mặt bằng các dự án.
Ngành đã và đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án giao thông trọng điểm: Dự án đường nối Quốc lộ 1 đi Khu du lịch biển Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh; Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh… Đặc biệt, tuyến đường sắt cao tốc đoạn qua Hà Tĩnh.
Ngành sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính để cắt giảm bớt những thành phần không cần thiết cho doanh nghiệp và tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ các doanh nghiệp phát triển. Hàng năm, tỉnh đều phát động phong trào toàn dân làm đường giao thông nông thôn, tưng bước hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công Thương: Ba nhóm vấn đề ngành Công Thương ưu tiên “hỗ trợ” doanh nghiệp
Ngành Công Thương Hà Tĩnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất.
Thứ nhất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục hành chính, tiếp cận thông tin, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chủ trương, chính sách của Nhà nước; Hỗ trợ tiếp cận và hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển thương mại nông thôn, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại; Phối hợp Cục Công Thương địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Thái Yên;...
Thứ ba, hỗ trợ các doanh nghiệp các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thương mại điện tử, nâng cao kiến thức hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế: Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tham gia Hội chợ trong nước, quốc tế; Xây dựng gian hàng và website thương mại điện tử xúc tiến thương mại, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm của tỉnh…
Lê Ngọc Châu, Giám đốc Y tế: Đối mới phong cách, thái độ nhân viên y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh
Thời gian qua, ngành Y đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến. Bằng các giải pháp cụ thể như: tăng cường công tác chỉ đạo tuyến; đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, tiếp nhận kỹ thuật của tuyến trên, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; Chú trọng phát triển y học cổ truyền, tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khoẻ nhân dân... Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh, quản lý hành nghề, quản lý hồ sơ sức khỏe người dân.
Ngành luôn chú trọng và quyết tâm trong thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp-an toàn hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ y tế.
Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội: Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp
Để nâng cao hiệu quả trong đào tạo, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện tổ chức khảo sát, nắm thông tin về việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Sở luôn tạo mối liên hệ thường xuyên với các doanh nghiệp về nhu cầu, chất lượng đào tạo, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng làm việc để kết nối với phản hồi của cựu học sinh, sinh viên. Qua đó, Sở có những điều chỉnh, khuyến cáo các chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn.
Ngành đang tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo với sử dụng lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu lao động qua đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi học nghề. Các cơ sở đào tạo tăng phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo, tiếp nhận và hướng dẫn học sinh, thực hành tại các doanh nghiệp.
Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Tạo sự hấp dẫn đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực thu hút nhà đầu tư
Trong những năm qua, vấn đề cung cầu và thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn được tỉnh quan tâm trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu, phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (từ năm 2011) và ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, xây dựng đồng bộ hệ thống quy hoạch, đề án, theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế phát triển, thị trường tiêu thụ thuận lợi, như: cây ăn quả đặc sản (cam, bưởi Phúc Trạch), chè, chăn nuôi lợn, bò, hươu, nuôi tôm trên cát, khai thác hải sản xa bờ, gỗ nguyên liệu rừng trồng…
Cùng với đó là việc mở rộng, đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản. Ngành đã chủ động tham mưu UBND tỉnh để ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân, Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Tới đây, ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm an toàn, có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Trần Hậu Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Hỗ trợ các dự án về thủ tục để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa
Tỉnh Hà Tĩnh đã có những bước nhảy vọt trong thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Trong năm 2018 đã và đang thu hút đầu tư nhiều dự án: Showroom Toyota, Khách sạn Đại Bàng tại thành phố Hà Tĩnh; Khu đô thị Xuân An; Khu đô thị thông minh tại xã Thạch Hưng, xã Thạch Đồng và phường Thạch Quý;…
Để tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án, ngành luôn chủ động trong chỉ đạo và thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, công tác cải cách hành chính được đặc biệt chú trọng từ khâu rà soát, tham mưu ban hành các TTHC theo quy định, tổ chức công bố công khai; kịp thời xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về phân công, phân cấp trong các lĩnh vực quản lý của Sở thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của UBND tỉnh. Riêng về TTHC, trong năm 2018, tổng số hồ sơ tiếp nhận giải quyết qua Trung tâm hành chính công tỉnh là 1100 hồ sơ, số hồ sơ trả trước và đúng hạn đạt 100%, không có hồ sơ trả quá hạn. Ngành cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố để nắm thông tin và hướng dẫn về quản lý quy hoạch xây dựng, xây dựng phát triển đô thị, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn.
Nguyễn Huy Tiến, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước CN tỉnh Hà Tĩnh: Làm tốt vai trò kết nối ngân hàng với doanh nghiệp
Phát huy tốt vai trò đầu mối của ngành Ngân hàng trên địa bàn, thời gian qua ngành đã tạo được sự đồng thuận cao trong tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp đối với hoạt động ngân hàng.
Đối với công tác cải cách hành chính của NHNN tỉnh và tại các tổ chức tín dụng thực hiện tốt, công khai minh bạch các hồ sơ thủ tục nhằm tạo điều kiện cho khách hàng dễ nghiên cứu, tiếp cận. Cải cách, đổi mới các quy trình, thủ tục giao dịch, rà soát lại quy trình cho vay theo hướng đơn giản và thuận tiện hơn, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trên cơ sở ứng dụng CNTT nhằm tạo thuận lợi cắt giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp ngành được UBND tỉnh xếp loại tốt và đứng thứ 3 trong các cơ quan Trung ương đóng trên địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành trong kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, Ngân hàng Hà Tĩnh khuyến cáo, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành để làm tăng khả năng hấp thụ vốn từ ngân hàng. Qua đó, niềm tin về hệ số an toàn tài chính của doanh nghiệp được nâng lên trong mắt các tổ chức tín dụng và ngân hàng.
Trần Lê Sáng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Khuyến khích nhà đầu tư chiến lược, tạo lợi thế cạnh tranh
Hà Tĩnh nằm trên tuyến du lịch “Con đường Di sản Miền Trung”, là một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang kinh tế Đông - Tây”. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch Hà Tĩnh còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Doanh thu về hoạt động du lịch và đóng góp vào ngân sách tỉnh còn ở mức thấp (chiếm 5 – 5,5%).
Tới đây, ngành sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong công tác khuyến khích, thu hút và ưu đãi các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư kinh doanh hình thành các khu dịch vụ phức hợp, dự án quy mô lớn, các trung tâm thương mại, giải trí chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh để tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút du khách. Trong đó, ngành cũng tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong công tác nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành du lịch. Đặc biệt, ngành du lịch chú trọng việc tuyên truyền và xây dựng văn hóa du lịch theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện môi trường, không đánh đổi phát triển du lịch với hủy hoại môi trường tự nhiên.
Trần Việt Hà, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà: Thạch Hà ban hành các chính sách riêng của huyện để kêu gọi đầu tư
Để kêu gọi, thu hút và tạo điều kiện tối đa các nhà đầu tư tham gia đầu tư trên địa bàn huyện, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, Thạch Hà đã chủ động xây dựng và ban hành các chính sách riêng của huyện để kêu gọi đầu tư.
Thứ nhất: Huyện cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa về mặt bằng, đất đai; hỗ trợ các doanh nghiệp về các thủ tục đầu tư, thuê đất, giải phóng mặt bằng, tích tụ tập trung ruộng đất.
Thứ hai: Ngoài các chính sách của trung ương, tỉnh, nếu tổ chức, cá nhân có hợp đồng liên kết sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm rau, củ, quả thực phẩm cho hộ gia đình, Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất trên địa bàn huyện thì UBND huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ 100.000 đồng/tấn.
Thứ ba: Hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh hoặc đổi mới dây chuyền công nghệ trong các vùng quy hoạch làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.
Thứ tư: Hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại các vùng quy hoạch của huyện.
Hoàng Trung Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Doanh nghiệp kỳ vọng PCI Hà Tĩnh đứng trong top đầu cả nước
Trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả quan trong về tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: thay đổi tư duy nhìn nhận về vai trò của doanh nghiệp; hạn chế những can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Thủ tục hành chính đã cải thiện đáng kể từ khi tỉnh đưa Trung Tâm hành chính công vào hoạt động…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn khi giao dịch với cơ quan hành chính. Điều này cho thấy vẫn còn “những con sâu làm rầu nồi canh”, do đó các cấp, ngành cần kiểm soát chặt chẽ quá trình giải quyết công việc của các cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ để có những giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tạo lập nhiều kênh hơn nữa để tiếp nhận, lắng nghe ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp.
Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới, PCI Hà Tĩnh sẽ nằm trong top đầu của cả nước để môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn hơn, tương xứng với tiềm năng của tỉnh.