Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh: Nỗ lực phát triển, nâng cao năng lực phục vụ

Lê Nam - Nguyễn Hà 13/05/2019 11:32

Mạnh dạn đổi mới cách thức quản lý, vận hành và đưa ra những chiến lược phát triển hợp lý,

Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh đã không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ứng dụng các giải pháp hữu ích phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Theo ông Võ Ngọc Vinh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty, tập thể lãnh đạo và CBNV công ty luôn nhận thức vai trò quan trọng của việc cung cấp nước sạch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là một trong những nhiệm vụ an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sức khỏe của người dân.

p/Một góc dây chuyền sản xuất tại Nhà máy nước thành phố Hà Tĩnh

Một góc dây chuyền sản xuất tại Nhà máy nước thành phố Hà Tĩnh

Năm 2018, tổng doanh thu của Công ty từ kinh doanh nước sạch, nước đá, nước tinh khiết đóng chai, xây lắp... đạt trên 125tỷ đồng, nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng; riêng sản lượng nước tiêu thụ khoảng 14 triệu m3; giải quyết việc làm cho 469 lao động, thu nhập bình quân 7,1 triệu đồng/người/tháng.

Thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ khách hàng

"Những năm gần đây, chúng tôi luôn phát huy tính năng động trong quản lý, điều hành để bám sát mục tiêu phục vụ khách hàng - người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất. Đặc biệt, công ty đã chuyển biến về phong cách và tinh thần làm việc, thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ khách hàng", ông Vinh khẳng định.

Theo đó, cán bộ, nhân viên công ty luôn lắng nghe ý kiến từ khách hàng để kịp thời nắm bắt, giải quyết các thắc mắc một cách nhanh chóng, hài hòa. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng CNTT: sử dụng phần mềm tự động nhập chỉ số đồng hồ nước; xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng để chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất; đa dạng hóa phương thức thu tiền dịch vụ...

Để đảm bảo chất lượng và áp lực nước, công ty đã thực hiện lắp đặt hệ thống giám sát Scada để giám sát và điều chỉnh áp lực nước trên mạng; đầu tư hệ thống bơm tăng áp đảm bảo áp lực nước tại khu vực cuối nguồn; lắp đặt biến tần tiết kiệm điện tiêu thụ.

Tính đến hết năm 2018, công ty đang quản lý và vận hành 12 nhà máy trạm xử lý nước sạch với tổng công suất toàn hệ thống đạt 73.350 m3/ngày đêm; quản lý mạng lưới hàng trăm km đường ống dẫn chính và hàng nghìn km đường ống phân phối; ký hợp đồng cấp nước cho 78.216 khách hàng.

Cần sự sẻ chia

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân Hà Tĩnh, cả ở khu vực đô thị và nông thôn (phục vụ xây dựng nông thôn mới) ngày một tăng lên. Nắm bắt cơ hội đó, công ty đã xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới, ưu tiên khu vực cấp thiết, mặt khác, chủ động đa dạng và linh hoạt huy động nguồn lực để đầu tư.

Tuy nhiên, công tác phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước được cho là "bài toán" gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cấp nước ở vùng nông thôn mà công ty nhận chuyển giao chủ yếu đã rất cũ, hư hỏng nhiều; việc đấu nối không đồng bộ dẫn đến chi phí vận hành cao, tỷ lệ thất thoát nước lớn... trong khi nếu đầu tư lại thì rất tốn kém, cần nhiều nguồn vốn.

Bên cạnh đó, theo ông Võ Ngọc Vinh, nhiều gia đình vùng nông thôn vẫn sử dụng các nguồn nước truyền thống trước đây, khiến mức độ sử dụng nước sạch rất hạn chế. Hơn nữa, giá bán nước do UBND tỉnh quy định còn thấp, trong khi các chi phí vận hành liên tục tăng qua từng năm... Đây là những yếu tố khiến doanh nghiệp khó đảm bảo nguồn thu để hoàn vốn đầu tư.

"Do đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chúng tôi mong tỉnh có phương án cấp bù hoặc về lâu dài, có lộ trình tăng giá nước phù hợp. Có như vậy, công ty mới đủ nguồn lực để thực hiện bảo trì hệ thống và có thêm vốn phục vụ đầu tư tại các địa bàn cấp thiết" - ông Vinh chia sẻ.

Lê Nam - Nguyễn Hà