Hà Nam: Các doanh nghiệp trong KCN sẽ giải quyết việc làm cho 7000 lao động
Theo đăng ký năm 2019, trong các khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam sẽ có 55 doanh nghiệp hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất và có sản phẩm. Đến hết tháng 4/2019 đã có 15 doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Nhiều dự án ngay sau khi hoạt động đã phát huy được khả năng của thiết bị máy móc, từng bước đạt được công suất theo dự kiến như: Nhà máy sản xuất cáp quang và cáp điện công nghệ cao có công suất sản xuất dây cáp quang 348.000 km/năm, dây cáp điện 160.000 km/năm; Nhà máy Kent Warm Việt Nam; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử điện thoại Samsung; Dự án Taesung Hitech Vina...
Ông Đỗ Thành Luân, Ban Quản lý các KCN Hà Nam cho biết, quá trình các doanh nghiệp xây dựng dự án, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã có những hỗ trợ tích cực và kết nối trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư. Song, việc đầu tư nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào quyết tâm và năng lực của doanh nghiệp.
“Không chỉ góp phần làm phong phú sản phẩm và tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm 2019, các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Theo tổng hợp của Ban Quản lý các KCN tỉnh, các doanh nghiệp mới sẽ cần khoảng 7.000 lao động. Đây là cơ hội tốt để cho lao động tại địa phương chọn lựa việc làm phù hợp”, ông Luân cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Tăng cường quản lý quy hoạch các khu công nghiệp
19:40, 08/05/2019
Hải Phòng: Dành 20% quỹ đất trong khu công nghiệp xây dựng nhà ở công nhân
01:30, 06/05/2019
Tháo gỡ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp giúp thu hút FDI thế hệ mới
00:37, 24/04/2019
Cùng theo ông Luân, từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp KCN ước đạt gần 700 tỷ đồng và hơn 90 triệu USD, đạt hơn 30% kế hoạch năm. Theo vị này, phần lớn các doanh nghiệp bảo đảm cam kết tiến độ đầu tư.
Ông Trần Văn Kiên, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Hà Nam cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, Ban chỉ đạo các phòng chức năng tích cực nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… “Cùng với đó, Ban tăng cường rà soát các dự án đầu tư không bảo đảm tiến độ và những dự án hoạt động không hiệu quả để kịp thời có hướng giải quyết phù hợp”, ông Kiên nói.
Ông Nguyễn Văn Hà, chỉ huy trưởng xây dựng Công ty Fujita tại KCN Đồng Văn III cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đòi hỏi rất cao về chất lượng và tiến độ. Được sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng tỉnh nên đang về địch đúng thời điểm. “Dự kiến đến tháng 6/2019, chúng tôi sẽ xây dựng xong nhà máy và bàn giao cho doanh nghiệp lắp đặt trang thiết bị sản xuất. Như vậy, tiến độ xây dựng đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, bảo đảm cho Fujita đi vào sản xuất theo đúng cam kết với tỉnh Hà Nam”, vị này nói.