Hà Tĩnh xã hội hóa giáo dục theo chuẩn quốc tế
Những năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh xã hội hóa ngành giáo dục theo hướng chuẩn quốc tế.
Nhờ đó, việc đổi mới, đa dạng phương pháp dạy học được nhân rộng, giúp nền giáo dục tỉnh nhà có sự phát triển mạnh mẽ.Hà Tĩnh xưa nay vốn nổi tiếng là mảnh đất “Địa linh- Nhân kiệt”, giàu truyền thống hiếu học, đã sản sinh ra lớp lớp nhân tài cho đất nước. Hầu hết các gia đình ở đây, dù giàu hay nghèo đều cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn. Bởi với họ, đầu tư cho việc học hành không bao giờ "lỗ".
"Làn gió mới" của ngành giáo dục
Để đẩy mạnh giáo dục đào tạo, Hà Tĩnh đã mạnh dạn "mở cửa", tạo điều kiện hình thành và phát triển các mô hình trường học theo chuẩn quốc tế, thông qua việc xây dựng các quy hoạch và chính sách hỗ trợ cụ thể. Điều này thúc đẩy các nhà đầu tư về giáo dục đến đây.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhiều trường ngoài công lập với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất và phương pháp giáo dục hiện đại đã được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm. Tiêu biểu như: Trường Mầm non Trí Đức, Trường Hội nhập Quốc tế liên cấp iSchool, Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein… Trong đó, Trường Hội nhập Quốc tế iSchool có điểm nổi bật là áp dụng phương pháp giáo dục dựa trên 3 nội dung chính: Dạy học tích cực, kỷ luật tích cực và đánh giá tích cực; áp dụng chương trình học của Bộ GD&ĐT theo hướng "tinh giản và trọng tâm". Trong khi Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein đặc biệt chú trọng việc xây dựng môi trường tiếng Anh ứng dụng, giúp các học sinh thành thạo kỹ năng giao tiếp. Theo đó, việc dạy và học tiếng Anh được thực hiện theo chuẩn đầu ra Cambridge.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang tiếp tục xúc tiến các dự án xã hội hóa giáo dục trên địa bàn TP. Hà Tĩnh.
Trong xu thế hội nhập, việc nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp tỉnh Hà Tĩnh nâng cao giá trị cạnh tranh, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Đổi mới phương pháp dạy và học
Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng cho biết, việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Hà Tĩnh thời gian qua.
Nhờ các mô hình xã hội hóa giáo dục, nhiều tồn tại, hạn chế của phương pháp giảng dạy truyền thống đã được khắc phục, cụ thể là đổi mới hình thức dạy học, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Ở bậc tiểu học đã áp dụng các chương trình: Tiếng Việt công nghệ mới, phương pháp "bàn tay nặn bột", mô hình trường học kết nối... ; phát triển các hoạt động dạy học theo hình thức sân khấu hóa, dạy học gắn với di sản, làng nghề…
Ở bậc phổ thông, các nhà trường chú trọng phát triển chương trình gắn với vận dụng một số hình thức, phương pháp dạy học tiên tiến, tích hợp, đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh, ứng dụng CNTT, kết nối... Đặc biệt, tăng cường thực hành thí nghiệm và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Ngoài ra, sự lan tỏa của những diễn đàn, đối thoại, hoạt động ngoại khóa được tổ chức thường xuyên đã làm thay đổi tâm thế mỗi giáo viên, giúp họ vừa truyền thụ kiến thức, vừa "truyền lửa" cảm hứng. Đối với học sinh sẽ hình thành lối tư duy độc lập, phát huy tính sáng tạo, mở rộng giao lưu, học tập...