An Dương (Hải Phòng): Kênh thủy lợi “oằn mình” chịu ô nhiễm

Lan Vũ 18/05/2019 11:30

Theo phản ánh của người dân huyện An Dương (Hải Phòng) nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

 “Trồng có 3 sào rau màu, mà vất vả lắm, gánh nước tưới rau ê cả vai, mỏi cả chân phải đi rất xa mới có nước sạch. Liền kề cánh đồng có kênh thủy lợi, mà đành chịu vì không biết gọi đó là kênh tưới tiêu hay kênh chứa nước thải” - đó là lời tâm sự của ông Trương Văn Tòng (xã Lê Thiện, An Dương, TP Hải Phòng). 

Theo quan sát, kênh thủy lợi liền kề cánh đồng thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện có màu đen kịt. Lẫn trong màu nước đen có rất nhiều rác thải tồn đọng, không được nạo vét thường xuyên. Từ nhiều năm nay, tuyến kênh này gần như đã mất tính năng phục vụ sản xuất nông nghiệp mà chỉ phục vụ thoát nước thải từ cơ sở sản xuất và nước thải sinh hoạt. Đây được cho là nguyên nhân khiến cánh đồng thôn Thắng Lợi, xã An Hưng rộng 28,5 ha, nhưng có tới 23,2 ha bị bỏ hoang. Gần 5 ha còn lại được người dân sử dụng trồng các loại rau xanh, chủ yếu là các loại rau có khả năng chịu khô.

nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện An Dương (Hải Phòng) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Trước phản ánh của người dân về việc nguồn nước tưới phục vụ cánh đồng này đang bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải của CCN Thắng Lợi tràn qua kênh thủy lợi, ông Trịnh Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND xã An Hưng cho biết, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, bằng mắt cũng thấy nước xả ra từ CCN này vào mương thủy lợi của xã có màu đen với mùi khó chịu, nhưng chưa phát hiện doanh nghiệp nào xả ra. "Trong CCN còn một số đơn vị: Công ty CP may Hồ Gươm, Công ty TNHH EIE, Công ty TNHH Creative Lights… chưa hoàn thiện một số thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường" - ông Quý cho biết.

Không chỉ có cánh đồng thôn Dụ Nghĩa, thôn Thắng Lợi, cánh đồng chuyên trồng rau gia vị tại thôn Tiên Nông, xã Đại Bản rộng khoảng 5 ha cũng đang phải sử dụng nguồn nước tưới bị ô nhiễm bởi nước thải của Công ty CP giấy Hapaco tràn vào kênh. "Vì quá bức xúc, người dân thôn Tiên Nông đã rất nhiều lần có phản ánh, kiến nghị tới các cơ quan chức năng. Nhưng sự việc này qua năm tháng vẫn không có chuyển biến gì" - ông Nguyễn Văn Phức có ruộng trồng rau tại cánh đồng Tiên Nông cho biết.

Ông Mai Văn Thư - Chủ tịch UBND xã Đại Bản cho biết, nước tưới tiêu tại cánh đồng Tiên Nông của xã đang bị ô nhiễm do nước thải tràn mặt của nhà máy sản xuất giấy Hapaco. Sau khi nhận được kiến nghị của người dân, Phòng TNMT huyện An Dương đã tiến hành kiểm tra, xử lý và yêu cầu doanh nghiệp phải nâng cấp hệ thống thu gom nước thải đúng quy định. Hiện, doanh nghiệp này đang thực hiện nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Doanh nghiệp “sốc” với tiền thuê đất

    Hải Phòng: Doanh nghiệp “sốc” với tiền thuê đất

    06:16, 17/05/2019

  • Bắt lượng vảy tê tê lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng

    Bắt lượng vảy tê tê lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng

    02:50, 16/05/2019

  • Hải Phòng:

    Hải Phòng: "Thủ phủ" logistics khu vực phía Bắc

    13:30, 14/05/2019

Thực tế, thực trạng này đang xảy ra không chỉ ở một địa phương. Tương tự, đoạn mương thủy lợi chạy qua khu đồng Đám Trên, đồng Cửa Thánh rộng hơn 8 ha của phường Tràng Minh (Kiến An) được nối với đường cống thoát nước thải trên địa bàn. 

Có thể nói, sự đánh đồng giữa kênh thoát nước thải với kênh, mương trung thủy nông cho thấy những bất cấp và hạn chế trong quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước thải và việc quản lý xả thải. 

Lan Vũ