Kiên Giang giải “bài toán” PCI giảm bậc cách nào?

K. Lãng – P. Hà 29/05/2019 01:42

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, Kiên Giang giảm 11 bậc 31/63 tỉnh thành so với năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp kể từ năm 2014 Kiên Giang giảm bậc.

Ông Phạm Vũ Hồng, P.Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, nguyên nhân chính khiến PCI Kiên Giang 2018 sụt giảm mạnh là do người đứng đầu các Sở ngành liên quan.

Ông Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, nguyên nhân chính khiến PCI Kiên Giang 2018 sụt giảm mạnh là do người đứng đầu các Sở ngành liên quan.

Mặc dù vẫn nằm trong top khá PCI 31/63 tỉnh, thành trong cả nước, PARINDEX năm 2018 đứng ở vị trí 45, tăng 02 bậc so với năm 2017, tuy nhiên, năm 2018 PCI Kiên Giang giảm 0,23 điểm (63.42 điểm) và PAPI giảm 04 hạng so năm 2017 (tổng số 42,77/80) xếp thứ 49/63 tỉnh, thành. Nguyên nhân PCI Kiên Giang giảm điểm do 4 chỉ số giảm điểm gồm, Chi phí thời gian 0.14 điểm (7.56 ; 7.42), Chi phí không chính thức giảm 0.10 điểm (6.85 ; 6.75), Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp giảm 0.55 điểm (7.10 ; 6.55), đặc biệt Chỉ số gia nhập thị trường giảm tới 1.98 điểm so với năm 2017.

“Lỗ hổng” - Vai trò người đứng đầu

Đánh giá về tình trạng PCI Kiên Giang sụt giảm trong suốt 5 năm qua, tại “Hội nghị trực tuyến phân tích chỉ số PCI, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)” nhằm“mổ xẻ” nguyên nhân sụt giảm thứ hạng, từ đó có những “liều thuốc” đặc trị. Ông Phạm Vũ Hồng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, nguyên nhân chính khiến PCI Kiên Giang 2018 sụt giảm mạnh là do người đứng đầu các Sở ngành liên quan.

Trước sự quyết liệt của người đứng đầu chính quyền Kiên Giang, bà Nguyễn Duy Linh Thảo - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang cho rằng, năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòng gia tăng, cụ thể là thủ tục thành lập doanh nghiệp, chi phí không chính thức, tiếp cận cơ chế chính sách... đặc biệt là việc thanh kiểm tra, 5 lần/năm, chưa kể đến trùng lặp, khiến doanh nghiệp bất an.

Bên cạnh đó, với số lượng doanh nghiệp được thành lập mới năm 2018 tăng nhanh tới 1.600 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên hơn 8.000 doanh nghiệp khiến việc hỗ trợ doanh nghiệp về kế toán, dịch vụ, kết nối… Kiên Giang rất yếu và thiếu, chưa kể đến việc cộng đồng doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ chế chính sách rất hạn chế…

Là thành phố trực thuộc TW vùng Đồng bằng sông Cửu long, bà Võ Thu Hương - Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI Cần Thơ cho rằng, các Chỉ số PCI của tỉnh Kiêng Giang qua các năm có sự nhấp nhô, không có tính căn cơ ổn định. Điều cốt yếu năng lực cán bộ hạn chế, việc thực thi các chính sách trung ương, địa phương chưa hiệu quả…

Ông Ngô Hen – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang thừa nhận, việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin đối với doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp còn yếu; Cấp giấy chứng nhận đầu tư còn chậm; Đấu thầu qua mạng đạt về số vốn nhưng tỷ lệ thấp…

Nhìn nhận về kết quả PAPI 2018 của Kiên Giang đạt tổng số 42,77/80, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 04 hạng so năm 2017, đại diện Sở Nội Vụ tỉnh Kiên Giang cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền về Chỉ số PAPI trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu các cấp chính quyền còn hạn chế. Chưa có cơ chế xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy chế dân chủ cơ sở, thiếu công khai, minh bạch, không giải trình những kiến nghị của người dân; Các dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử của tỉnh và của các cơ quan, địa phương đều đã được đầu tư xây dựng, nhưng việc tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân tham gia sử dụng còn thấp.

Đối với chỉ số cải cách hành chính của Kiên Giang năm 2018 đạt 75,02 điểm, tăng 0,72 điểm và tăng 02 bậc so năm 2017, đứng thứ 08 trong 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng theo đại diện Sở Nội Vụ, vẫn còn nhiều lĩnh vực điểm số chưa có sự cải thiện… Số lượng thủ tục hành chính đưa vào thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các ngành, các cấp đạt tỷ lệ còn thấp, nhất là ở cấp huyện và cấp xã; tỷ lệ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn còn cao; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp, do đó điểm số đạt không cao…

Có thể bạn quan tâm

  • PCI 2018 và kỳ vọng “mùa chim làm tổ”

    10:34, 29/03/2019

  • PCI 2018: 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn

    12:28, 28/03/2019

  • PCI 2018: Cách nào giúp Quảng Ninh giữ “ngôi vương”?

    12:12, 28/03/2019

  • Bước chân vào top 10 PCI 2018, Hà Nội xóa bỏ mác "không vội"

    12:07, 28/03/2019

Cải thiện Chỉ số, nâng cao thứ hạng năm 2019

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI năm 2019, ông Huỳnh Xuân Luật - Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Thuận hiến kế, các cấp các ngành cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cấp, tổ chức tập huấn cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp tại các huyện, đặc biệt các huyện xa trung tâm; Đầu tư triển khai dịch vụ công điện tử tới 100 % các xã; Tăng cường sử dụng văn bản điện tử; các Sở, ngành công khai thủ tục hành chính để doanh nghiệp người dân biết qua đó đánh giá cụ thể từng Sở ngành.

Ở lĩnh vực thanh tra doanh nghiệp, đại diện thanh tra tỉnh chia sẻ, việc thanh kiểm tra các Sở ngành cần tập trung phối hợp liên ngành để cùng thanh kiểm tra một lần/năm nhằm giảm thiểu thời gian cũng như phiền hà cho doanh nghiệp.

Với vai trò đơn vị triển khai cải thiện PCI, bà Thảo đề xuất việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019; Nghị quyết 35 của Chính phủ và thứ hạng các chỉ số thành phần PCI thuộc trách nhiệm cơ quan liên quan và kế hoạch hành động 146 của UBND tỉnh.

Cũng theo bà Thảo, Tỉnh Uỷ cần ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh. UBND tỉnh thành lập Tổ công tác PCI của tỉnh. Cải cách TTHC; Tiếp tục rà soát, rút ngắn quy trình xử lý nâng cao hiệu quả cải cách TTHC (thủ tục đầu tư, ĐKKD, xây dựng, đất đai, cải cách về thuế, quản lý thị trường, BHXH…). Đồng thời, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ công chức nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc đội ngũ cán bộ tiếp xúc làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp...

bà Lê Thanh Hà, Trưởng phòng môi trường kinh doanh, Ban Pháp Chế Phòng TM&CN VN (VCCI) chia sẻ việc cải thiện các Chỉ số PCI

Bà Lê Thanh Hà, Trưởng phòng môi trường kinh doanh, Ban Pháp Chế Phòng TM&CN VN (VCCI) chia sẻ việc cải thiện các Chỉ số PCI

Bên cạnh đó, cần công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội quy hoạch ngành, lĩnh vực, các đồ án, quy hoạch xây dựng của tỉnh, nhất là quy hoạch về đô thị, giao thông, điện, nước; Quy hoạch KCN, cụm CN…Kết nối cổng thông tin điện tử giữa cơ quan, đơn vị liên quan…

Cùng với đó, là việc nắm bắt kịp thời và hỗ trợ hiệu quả giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp (DNNVV và doanh nghiệp mới thành lập) Có giải pháp nâng cao năng lực của doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết, kết nối hỗ trợ nhau giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh; Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, các giải pháp hỗ trợ để khuyến khích chuyển đổi các hộ kinh doanh sang doanh nghiệp…

Đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi trong giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, ngăn ngừa các việc làm của các cơ quan nhà nước có thể gây phiền hà cho doanh nghiệp, góp phần tạo sự thân thiện, an toàn, minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp như luật, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp mới thành lập…

Đại diện cơ quan khảo sát, đánh giá xếp hạng PCI, sau khi phân tích các Chỉ số thành phần PCI Kiên Giang, bà Lê Thanh Hà, Trưởng phòng môi trường kinh doanh, Ban Pháp Chế Phòng TM&CN VN (VCCI) nhìn nhận, ngoài 4/10 Chỉ số PCI giảm điểm, đặc biệt có những chỉ số giảm điểm mạnh năm 2018, Kiên Giang cần phân tích, mổ xẻ đánh giá và giao cụ thể từng Sở, ngành lĩnh vực để cải thiện trong năm 2019  thì, 6/10 chỉ số tăng điểm PCI năm 2018 cũng không “ngủ quên” trước chiến thắng mà cũng cần đánh giá và cần tiếp tục cải thiện hơn nữa.

Bà Hà khuyến nghị, Kiên Giang cần chú trọng đến việc đối thoại theo chuyên đề lĩnh vực từng sở, ngành, theo địa bàn của quận huyện, theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung… Có cơ chế giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả, có đánh giá công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng duy trì và công bố bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận huyện (DDCI). “Vấn đề này Kiên Giang đã từng là tỉnh đi đầu cả nước” - bà Hà khẳng định.

Thực tế hiện nay, xu thế các tỉnh thành đánh giá chỉ số DDCI ngày càng tăng, đặc biệt cơ chế xử lý người đứng đầu các sở ngành gắn với công tác thi đua và khen thưởng. Minh chứng như Bắc Ninh, việc thực thi đánh giá DDCI đã tạo môi trường kinh doanh tốt tạo động lực doanh nghiệp phát triển, các sở ngành ganh đua điểm số.

Còn những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện tiêu chí nội dung Chỉ số PAPI của Kiên Giang, đại diện Sở Nội Vụ cho biết, các Sở, ngành, địa phương cần tiến hành kiểm tra, rà soát, đối chiếu các chỉ số nội dung, chỉ số nội dung thành phần và chỉ tiêu giảm điểm, giảm thứ hạng hoặc thấp hơn chỉ số trung vị của cả nước thuộc phạm vi, lĩnh vực, trách nhiệm của mình để xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém trong năm 2019 và các năm tiếp theo. 

Từ những giải pháp được các sở ngành cũng như các cơ quan chuyên môn đưa ra, ông Hồng khẳng định, PCI có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội tỉnh Kiên Giang nói riêng cả nước nói chung vì vậy các sở ngành cần kiểm tra các chỉ số có liên quan đến đơn vị mình rà soát để có giải pháp cải thiện chỉ số. Đưa ra chỉ tiêu cụ thể cải thiện bao nhiêu điểm, thứ hạng thế nào? Kế hoạch khắc phục? “kể các chỉ số thành phần tăng điểm tăng hạng cũng không được chủ quan, càn có giải pháp tiếp tục cải thiện tăng hạng” ông Hồng quyết liệt.

Theo đó, người đứng đầu chính quyền yêu cầu, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư Thương mại và Du lịch tổng hợp các ý kiến, báo cáo đưa ra giải pháp cải thiện môi trường đầu tư năm 2019 để tháng 6 UBND tỉnh sẽ chủ trì họp các cấp các ngành triển khai thực hiện. Đồng thời, ông Hồng cũng chỉ rõ, giám đốc các Sở ngành cần khẩn trương xây dựng đề án về trách nhiệm người đứng đầu mà UBND tỉnh đã giao. Ngoài ra đề án về thủ tục hành chính về các xã đến nay vì sao các Sở chưa triển khai được?

“Các Sở ngành cần có kế hoạch chi tiết cũng như các giải pháp triển khai được ngay chứ không phải trên giấy. Phải xem lại cách làm của mình trong việc nói đi đôi với làm. Việc phối hợp với các sở ngành chức năng cần sâu sát chặt chẽ, gắn kết, tránh để ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh…” - ông Hồng nhấn mạnh!

K. Lãng – P. Hà