Bình Thuận: Du lịch vẫn cần có chiến lược mang tính đột phá
Hiện, du lịch Bình Thuận chưa khai thác tương xứng với tiềm năng. Tỉnh cần có chiến lược mang tính đột phá, trong đó, cần tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch.
Những kết quả… “khởi đầu”
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km với ngư trường rộng 52.000 km2 và sở hữu nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát tự nhiên hoang sơ, khí hậu thuận lợi để phát triển du lịch quanh năm.
Phát huy lợi thế về thiên nhiên ưu đãi, Bình Thuận đã xác định du lịch là một trong những ngành mũi nhọn mang tính đột phá của địa phương. Hàng năm số lượt du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Bình Thuận đều tăng cao. Đặc biệt, các dịch vụ thể thao giải trí trên biển như: Lướt ván diều, lướt ván buồm, đánh golf đã tạo sức hút và kéo dài thêm thời gian lưu trú của khách du lịch.
Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng có tiềm năng rất lớn về khai thác hải sản. Đây là một trong những ngư trường lớn của cả nước, có nguồn lợi hải sản phong phú. Diện tích các bãi bồi, bãi triều ven sông và cận bờ biển có thể nuôi tôm bán thâm canh.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, 5 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Bình Thuận ước đón 2.464.300 lượt khách (tăng 12,86% so cùng kỳ năm 2018), riêng khách du lịch quốc tế có hơn 320.500 lượt đến nghỉ dưỡng.
Chỉ tính riêng trong 5 ngày nghỉ lễ từ 27/4 - 1/5, nhiều khach sạn, resort cao cấp ở khu du lịch Hàm Tiến khách đã được đặt kín phòng, công suất sử dụng phòng đạt từ 80 - 90%, cao điểm các ngày 28 - 30/4, công suất phòng trên toàn địa bàn tỉnh đạt từ 90 - 95%.
Những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn tích cực thu hút đầu tư, phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch của tỉnh qua các năm còn chậm so với mặt bằng chung của các địa phương khác trong cả nước.
Tuy vậy, các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao, du lịch tín ngưỡng, du lịch hội nghị… đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động đã góp phần đưa tổng thu từ hoạt động du lịch tính từ đầu năm đến nay ước đạt 6.221 tỷ đồng, tăng 17,64% so cùng kỳ năm trước.
Cần giải pháp đột phá
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, Bình Thuận tuy xuất phát điểm thấp nhưng tỉnh đã nỗ lực không ngừng, quan tâm đầu tư phát triển ngành du lịch.
Đến nay, Bình Thuận đã có tên trong bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Hai, tiềm năng du lịch của Bình Thuận vẫn chưa được khai thác triệt để, tương xứng.
Để khai thác hiệu quả bền vững kinh tế biển trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận đã đề ra các chính sách, biện pháp để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển đảo.
Cụ thể, Tập đoàn tư vấn McKinsey & Company phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức đã đưa ra nhiều giải pháp, ý tưởng thiết thực góp phần xây dựng và phát triển bền vững ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận.
Được biết, các chuyên gia đã diễn giải các định chuẩn về những chủ đề du lịch, như: sáng kiến du lịch; định hướng cốt lõi dành cho du lịch; đưa ra các ý tưởng, sáng kiến, đặt ra các khát vọng đầy táo bạo để Bình Thuận phấn đấu trở thành một điểm đến hàng đầu trong khu vực đạt 14 triệu lượt khách và doanh thu 50 ngàn tỷ đồng vào vào năm 2030.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận cần một chiến lược mang tính đột phá trong phát triển, trong đó, tỉnh cần đảm bảo tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch.
Bên cạnh đó, cần quan tâm, nâng cao chất lượng dịch vụ, trình độ quản lý; các yếu tố về cân bằng hệ sinh thái để phát triển du lịch bền vững và đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia, thế giới. Mặt khác, Bình Thuận cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ… để du lịch Bình Thuận cất cánh.