Hải Phòng: Nhân rộng mô hình thỏa ước lao động tập thể nhóm
Trong thời gian tới, công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho biết sẽ nghiên cứu, nhân rộng mô hình thỏa ước lao động tập thể nhóm, đặc biệt với các doanh nghiệp nước ngoài.
Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng vừa tổ chức lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể đa doanh nghiệp Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ, gồm 19 doanh nghiệp. Trong đó, có 13 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, 19 doanh nghiệp chưa có thỏa ước lao động tập thể.
Theo đó, thỏa ước nhóm được ký gồm 10 chương, 22 điều khoản, thời hạn thực hiện là 3 năm. Thỏa ước với nội dung được các doanh nghiệp cam kết thực hiện tập trung vào điều kiện lao động, khoản phúc lợi tập thể cao hơn cho người lao động như: chính sách tuyển dụng, chính sách đối với lao động nữ; chính sách về tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp; thời gian nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi; các bảo đảm cho công đoàn hoạt động… Cụ thể, tiền ăn ca 21.000 đồng/người/ngày; thưởng Tết thấp nhất 1 tháng lương; phụ cấp xăng xe 400 nghìn đồng/người/tháng; 1 tháng có ít nhất 1 tuần làm việc 40h...
Theo bà Phạm Thị Hằng – Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, năm 2018 Hải Phòng tiếp tục được Tổng LĐLĐ và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) lựa chọn để xây dựng ký kết thỏa ước tập thể nhóm doanh nghiệp. KCN Tràng Duệ tiếp tục được lựa chọn và tập trung ở nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc. Bởi theo đánh giá, đây là KCN có tỉ lệ doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định về thời giờ làm việc, chính sách lao động nữ, quy chế nâng lương. Ngoài ra, việc đối thoại, ký kết thỏa ước lao động tập thể còn có biểu hiện không thực chất, người lao động không được tham gia ngay từ đầu vào đối thoại, thương lượng… Cho nên, nội dung thương lượng để ký thỏa ước nhóm doanh nghiệp lần này vẫn tập trung ở các vấn đề tiền lương, điều chỉnh lương và một số phụ cấp khác để đảm bảo có lợi hơn cho người lao động và mang tính cam kết thực hiện.
Đây là thỏa ước lao động tập thể nhóm lần thứ 2 được ký kết. Trước đó, tháng 6/2016 thỏa ước nhóm lần 1 đã được ký với sự tham gia của nhóm 5 doanh nghiệp Hàn Quốc cũng tại KCN Tràng Duệ: Công ty TNHH điện tử Dong Yang Hải Phòng, Công ty TNHH Comet Việt Nam, công ty TNHH HI Logistics Việt Nam, Công ty TNHH HKTM Vina và Công ty TNHH Bluecom Vina.
Trong thời gian tới, công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho biết sẽ nghiên cứu, nhân rộng mô hình thỏa ước lao động tập thể nhóm, đặc biệt với các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản…
Có thể bạn quan tâm
Được biết, từ năm 2014, công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng được lựa chọn để thực hiện thí điểm giai đoạn 2 dự án quan hệ lao động Việt Nam - ILO, nhằm nâng cao năng lực và vai trò của công đoàn cấp trên trong xây dựng, thúc đẩy thành lập công đoàn cơ sở theo phương pháp mới và thương lượng, ký kết thảo ước lao động tập thể của nhóm doanh nghiệp cùng quốc gia, cùng ngành nghề trong các KCN góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Việc ký thỏa ước lao động tập thể nhóm hiện đang là xu thế chung và được thực hiện ở rất nhiều địa phương, giúp các doanh nghiệp cùng nhóm ngành nghề liên kết chặt chẽ trong việc chăm lo đời sống người lao động, qua đó tạo mặt sàn ưu đãi chung, hạn chế dịch chuyển lao động, khuyến khích lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.