Lạng Sơn: 3 vấn đề trọng điểm hỗ trợ doanh nghiệp
Tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp là một trong những giải pháp được tỉnh Lạng Sơn đặt lên hàng đầu.
Tại tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ doanh nghiệp trên người dân thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước (Lạng Sơn đang có 3,5 doanh nghiệp/1.000 người). Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh xếp thứ 6/14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc; số lao động trong doanh nghiệp chỉ có 62.000 người, bình quân 22,6 lao động/doanh nghiệp, thấp hơn mặt bằng chung cả nước (27,7 lao động/doanh nghiệp).
Thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển số lượng doanh nghiệp. Trong đó tập trung tuyên truyền, khuyến khích và thực hiện các chính sách hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp.
Theo đó, để phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 với mục tiêu tăng mạnh cả về số lượng cũng như quy mô, chất lượng doanh nghiệp. Lạng Sơn kỳ vọng mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có khoảng 300 doanh nghiệp có mức vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, trong đó có từ 8 đến 10 doanh nghiệp có mức vốn từ 500 - 1.000 tỷ đồng.
Hiện Lạng Sơn đang đặc biệt quan tâm tới 3 vấn đề trọng điểm giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp và thu hút nhà đầu tư vào địa bàn.
Vấn đề đầu tiên chính là việc các ngành, địa phương tập trung việc đơn giản hóa thủ tục và hướng dẫn pháp lý về thành lập doanh nghiệp.
Theo đó, từ ngày 1/1/2017 miễn phí đăng ký doanh nghiệp qua mạng. Thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà, đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực đăng ký kinh doanh; Để hỗ trợ những doanh nghiệp mới thành lập, nhất là những trường hợp chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể qua loại hình doanh nghiệp, cơ quan thuế đã thành lập tổ công tác hướng dẫn về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán ngay từ khi cấp giấy chứng nhận kinh doanh lần đầu và duy trì hỗ trợ từ 1 đến 3 năm.
Có thể bạn quan tâm
16/6: Tỉnh Lạng Sơn tổ chức Liên hoan du lịch Mẫu Sơn năm 2019
11:39, 15/06/2019
Lạng Sơn ứng dụng khoa học vào phát triển ngành nông nghiệp
15:31, 13/06/2019
Lạng Sơn: Mục tiêu 6.500 doanh nghiệp hoạt động đến năm 2025
18:11, 18/05/2019
Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm giữa TP Hà Nội – Lạng Sơn
19:25, 10/05/2019
Theo đó, từ năm 2016 trở lại đây, bình quân mỗi năm có 90 hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp và có khoảng hơn 400 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký toàn tỉnh lên khoảng 2.800 doanh nghiệp.
Vấn đề thứ hai, tiếp cận tín dụng là một trong những nút thắt cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp. Hiện nay tại Lạng Sơn có khoảng 91% doanh nghiệp chỉ có mức vốn đăng ký dưới 50 tỷ đồng, trong đó có đến 77% doanh nghiệp có mức vốn dưới 10 tỷ đồng và toàn tỉnh mới chỉ có 32 doanh nghiệp có mức vốn trên 100 tỷ đồng.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, phát triển quy mô, UBND tỉnh thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp, thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Tỉnh thực hiện ký kết bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến hết năm 2020. Tỉnh cũng quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung ương và nguồn từ các quỹ hỗ trợ do tỉnh thành lập.
Vấn đề thứ ba, tiếp cận đất đai là một trong những giải pháp được tỉnh đặt lên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Chiến, trong Đề án phát triển doanh nghiệp Lạng Sơn đến năm 2025, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách về giải phóng mặt bằng, tập trung đất đai đề tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất.
Tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, kiểm tra công tác quản lý đất đai trên địa bàn để tổ chức thu hồi, tạo quỹ đất và thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, khu chế biến nông - lâm sản. Trong đó, các ngành, địa phương liên quan phải hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; có cơ chế tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tỉnh cũng sẽ thực hiện chức năng miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TM XD Thiên Phú Trần Thế Kiên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói chung đang “vướng” về thủ tục, tiếp cận thi trường và mặt bằng sản xuất, đặc biệt với những doanh nghiệp khởi nghiệp. Xuất phát điểm thiếu vốn, yếu về quản trị và hạn chế về quan hệ thì rất khó để thành công. Do vậy, doanh nghiệp kỳ vọng tỉnh sẽ có những chính sách hỗ trợ thiết thực, đúng với nghĩa đồng hành chứ không chỉ là khẩu hiệu.
Ngoài các vấn đề trọng tâm trên, tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến tới doanh nghiệp.