Hải Phòng: Dùng hóa đơn điện tử chống mua bán hóa đơn

Lan Vũ 21/06/2019 11:00

Một trong những giải pháp căn bản hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn khống là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hóa đơn điện tử.

Hoa

Giải pháp căn bản hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn khống là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hóa đơn điện tử

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với TP Hải Phòng về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), vẫn có tình trạng nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng "kẽ hở" của pháp luật của  thành lập những doanh nghiệp “ma” nhằm buôn bán hóa đơn. Có những vụ việc, giá trị bán hóa đơn lên tới 1 nghìn tỷ. Theo đó, phải có đến 500 doanh nghiệp mua hóa đơn khống đó. Việc này ở Hải Phòng cũng có, bà Cúc chia sẻ.

Điển hình, tháng 10/2018, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hải Phòng đã  triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT, hoạt động thời gian dài, thu lời bất chính số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, thông qua 20 công ty “ma”. Đứng đầu đường dây là Lê Quốc Thanh (53 tuổi), liên kết với Bùi Ngọc Oanh (46 tuổi) cùng tổ chức duy trì hoạt động đường dây mua bán hóa đơn trái phép này.

Hay mới đây, đầu năm 2019, Phòng An ninh điều tra – Công an Hải Phòng đã triệt phá đường dây sử dụng hàng chục công ty “ma” để mua bán hóa đơn. Đứng đầu đường dây là Trương Văn Nhu.

Dưới sự chỉ đạo của Nhu, Huyền và Thủy đã giúp sức viết hóa đơn, ghi khống nội dung hàng hóa, dịch vụ, soạn hợp đồng, lập báo cáo thuế, giao dịch ngân hàng,... Đến nay, các đối tượng đã bán trái phép hóa đơn GTGT với giá 1% trên 1 tỷ tiền hàng (chưa thuế) với số lượng khoảng 2.500 hóa đơn GTGT, khoảng 1.200 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, giải pháp căn bản hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn khống là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hóa đơn điện tử, để khỏi phụ thuộc vào những hàng hóa hóa đơn bán ra từ một chỗ. Ngoài việc tuyên truyền người dân, doanh nghiệp mua bán phải có chứng từ, hóa đơn rõ ràng, với những trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý, mặt khác cần đẩy nhanh hóa đơn điện tử.

Hiện Chính phủ đã có Nghị định 119 về hóa đơn điện tử, thời hạn thực hiện là từ ngày 1/10/2018. Nhưng đến thời điểm này do còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và các khâu chuẩn bị cho nên chưa có Thông tư hướng dẫn Nghị định 119 của Bộ tài chính.

Tuy nhiên, Quốc hội vừa thông qua Luật Quản lý thuế, yêu cầu cho ra hạn tất cả hóa đơn giấy, chứng từ giấy đến năm 2022 phải kết thúc nên việc triển khai hóa đơn điện tử phải được đẩy nhanh và Bộ Tài chính cũng hứa sẽ sớm ban hành Thông tư.

Có thể bạn quan tâm

  • “Siết” kỷ cương, kỷ luật công vụ trong thực hiện Nghị quyết 02

    “Siết” kỷ cương, kỷ luật công vụ trong thực hiện Nghị quyết 02

    18:31, 12/06/2019

  • Nghị quyết 02: Kỳ vọng mới cho môi trường kinh doanh Việt Nam

    Nghị quyết 02: Kỳ vọng mới cho môi trường kinh doanh Việt Nam

    06:30, 08/02/2019

  • Nghị quyết 02 và “quyền” của các Bộ trưởng

    Nghị quyết 02 và “quyền” của các Bộ trưởng

    06:30, 07/01/2019

Thực tế cho thấy, có cung ắt có cầu, hiện có nhiều doanh nghiệp chọn cách mua hóa đơn để bù trừ và cân đối giữa thuế đầu vào, đầu ra, hạn chế số thuế GTGT phải nộp. Do đó, nhiều doanh nghiệp “ma” ra đời với mục đích cung cấp hóa đơn cho những doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu hợp thức hóa dòng tiền.

Tình trạng buôn bán hóa đơn thực sự đã đạt đến mức báo động “đỏ” bởi khả năng “siêu lợi nhuận” của việc kinh doanh này khi các vụ việc bị phanh phui con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Việc làm này không chỉ làm thất thoát thuế của nhà nước mà còn làm ảnh hưởng đến rất nhiều các doanh nghiệp hoạt động chân chính.

Lan Vũ