Quảng Ngãi “hút” đầu tư vào công nghệ cao
Ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Sau 30 năm tái lập tỉnh, kinh tế của Quảng Ngãi đã tăng trưởng gần 20 lần.
Đây là nền tảng, động lực để Quảng Ngãi có những giải pháp đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế sớm đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ông Trần Ngọc Căng cho biết, sau 30 năm tái lập, kinh tế của Quảng Ngãi đã có bước tăng trưởng nhanh, bền vững.
- Xin ông cho biết những thành tựu kinh tế nổi bật của Quảng Ngãi đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh?
Quy mô và cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi có sự thay đổi lớn sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động năm 2009. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đến năm 2019 ước đạt 54.906 tỷ đồng, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.905 tỷ đồng, khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 29.339 tỷ đồng, khu vực dịch vụ đạt 16.661 tỷ đồng. So với năm 1989, GRDP gấp 19,5 lần. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 5,02 lần, công nghiệp - xây dựng gấp 132,85 lần, dịch vụ tăng gấp hơn 21,97 lần. Tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 17,7%/năm; dịch vụ tăng 10,85%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,53%/năm.
Từ nền kinh tế thuần nông, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn, năm 2019, cơ cấu công nghiệp – xây dựng của Quảng Ngãi tăng lên 53,01%, dịch vụ 29,83% và nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,16%. Thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt, từ mức 909 ngàn đồng/tháng/người năm 2010, tăng lên mức 1,67 triệu đồng năm 2014 và đạt mức 2,8 triệu đồng năm 2018.
3 nhiệm vụ đột phá Quảng Ngãi sẽ thực hiện trong thời gian tới là: Phát triển công nghiệp; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các thời kỳ. Khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, tổng thu ngân sách tỉnh tăng đột biến, từ hơn 2.800 tỷ đồng năm 2008 lên 5.500 tỷ đồng năm 2009 và tăng lên hơn 16.700 tỷ năm 2010. Đến năm 2019, thu ngân sách ước đạt 20.000 tỷ đồng, gấp 1.227 lần so với năm 1989.
- Thưa ông, trong bức tranh tổng thể của kinh tế Quảng Ngãi, ngành nào có nhiều đột phá nhất?
Công nghiệp đã có nhiều đột phá và phát triển vượt bậc. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1989 ước đạt 601 tỷ đồng, đến năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 124.870 tỷ đồng, gấp gần 207 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,5%/năm.
Trong giai đoạn 1990-1999, Quảng Ngãi chỉ có 68 doanh nghiệp thành lập thì đến năm 2018, toàn tỉnh có 7.619 doanh nghiệp được thành lập, gấp 177 lần so với năm 1989. Hiện tại, tỉnh có 5.096 doanh nghiệp đang hoạt động.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ngãi “hút” đầu tư vào công nghệ cao
16:51, 28/06/2019
Quảng Ngãi khánh thành Thành phố Giáo dục Quốc tế đầu tiên của Việt Nam
14:30, 28/06/2019
“Đánh thức” tiềm năng Quảng Ngãi
07:00, 15/06/2019
Doanh nghiệp là động lực đưa Quảng Ngãi thành tỉnh công nghiệp
22:14, 07/05/2019
Đến năm 2018, Quảng Ngãi có 518 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 231.686 tỷ đồng, đầu tư vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực, với quy mô lớn như: Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất (3 tỷ USD); dự án Polypropylene Dung Quất (232 triệu USD), Thủy điện Đakdrinh (5.800 tỷ đồng) và gần đây nhất là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất (60.000 tỷ đồng), cùng nhiều dự án lớn đã triển khai và đi vào hoạt động… Qua đó, cung ứng hàng hoá không chỉ cho thị trường trong nước, còn xuất khẩu đi gần 20 nước tiên tiến trên thế giới. Từ mức kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,92 triệu USD năm 1989, tăng lên 271 triệu USD năm 2010 và đến năm 2019 ước đạt 560 triệu USD, gấp 150 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
Quảng Ngãi cũng đã xây dựng thành công các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, khu công nghiệp VSIP và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương. Đặc biệt, sự hình thành và phát triển thành công của Khu Kinh tế Dung Quất với định hướng là phát triển các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch không ngừng được mở rộng. Năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 55.947 tỷ đồng, gấp 492 lần so với năm 1989.
Năm 2018, Quảng Ngãi đón 1 triệu lượt du khách, gấp hơn 70 lần so với năm 1989, doanh thu đạt 950 tỷ đồng, gấp 300 lần.
- Quảng Ngãi đã đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội, có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra những kỳ vọng, trách nhiệm lớn hơn trong tương lai, xin ông cho biết các giải pháp để phát huy tối đa lợi thế, tiềm lực hiện có?
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được, trong những năm tới Quảng Ngãi sẽ tập trung quyết liệt thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; Phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo; Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và 3 đột phá: Phát triển công nghiệp; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, xây dựng và đưa các công trình, dự án trọng điểm vào hoạt động như: dư án như Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm; các dự án nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh; Khu liên hợp giang thép Hòa Phát Dung Quất; khu tổ hợp du lịch của FLC; hình thành Trung tâm lọc hóa dầu Quốc gia tại KKT Dung Quất... làm động lực lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh cũng như đẩy mạnh mối liên kết liên tỉnh, liên vùng và quốc tế, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ.
Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định được sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng để ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Đẩy mạnh sự liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, ưu tiên cho vùng sản xuất tập trung.
Thứ ba, Quảng Ngãi tiếp tục phát triển nhanh ngành thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo. Tăng cường đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; thu hút đầu tư dể phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch ở các khu, điểm du lịch Mỹ Khê, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Bình Châu, Cà Đam… Tập trung xây dựng, phát triển Trung tâm Logistics khu vực cảng biển Dung Quất thuộc KKT Dung Quất, gắn liền và phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của cảng có chức năng phục vụ cho các hoạt động xuất – nhập khẩu của khu cảng, hỗ trợ cho các hoạt động tiếp xúc, kết nối với các tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thứ tư, thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam, tạo bước phát triển mạnh về kinh tế biển; phát triển kinh tế biển, đảo đồng bộ cả công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Thứ năm, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ cụ thể, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn; Tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục đầu tư dự án; triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng, đào tạo lao động gắn với nhu cầu.
Thứ sáu, tỉnh cũng chú trọng đổi mới cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Triển khai Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
Với các giải pháp đồng bộ và thực thi quyết liệt, hiệu quả, trong thời gian tới chắc chắn kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi sẽ còn bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
- Cảm ơn ông!